Theo ông Lê Tiến Trường,Phó chủ tịch Vitas, hiện mặt hàng dệt may chưa tận dụng được các cơ hội của CPTPP nếu so sánh với các mặt hàng như nông sản. |
Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Vitas, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam ( Vinatex) vừa có những chia sẻ mới nhất về những khó khăn, thử thách của các doanh nghiệp dệt may trong việc thực hiện, đáp ứng các quy tắc xuất xứ từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để được hưởng ưu đãi về thuế quan, trong bối cảnh Hiệp định đã có hiệu lực từ tháng 1/2019.
Theo ông Lê Tiến Trường, hiện mặt hàng dệt may chưa tận dụng được các ưu đãi từ thị trường CPTPP nếu so sánh với các mặt hàng như nông sản, bởi lẽ mỗi mặt hàng đều có những quy tắc xuất xứ khác nhau.
“Với mặt hàng nông sản, quy tắc xuất xứ có vẻ như “dễ thở” hơn đối với mặt hàng dệt may khi dễ dàng chứng minh về quy tắc xuất xứ, trong khi mặt hàng dệt may lại yêu cầu từ sợi trở đi. Bên cạnh đó, hiện việc cấp chứng chỉ C/O của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào các cơ quan hữu quan, trong khi các nước họ đã cho phép các doanh nghiệp tự chứng nhận quy tắc xuất xứ”, ông Trường nói.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước CPTPP có tăng trưởng, trong đó một số thị trường ghi nhận mức tăng trưởng lớn như Canada (tăng 32,9%), Mexico (tăng 23,4%).
Ngoài ra, có những mặt hàng đạt mức tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn chưa có Hiệp định CPTPP như máy móc, thiết bị, phụ tùng có mức tăng gần 125% sang Canda, điện thoại và linh kiện tăng hơn 331% sang Mexico.
Dệt may, ngành xuất khẩu lớn từng được kỳ vọng có mức tăng trưởng tốt sang thị trường CPTPP đã không tận dụng thời cơ ngay tức thì. 6 tháng 2019, mặt hàng dệt may được dự báo cơ hội lớn nhưng chỉ tận dụng được 0,03%. Riêng có 2 nhóm mặt hàng là giày dép, sắt thép tận dụng được khoảng 10% cơ hội.
Một thực tế khá hiển hiện là nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó đáp ứng được điều kiện về xuất xứ hàng hóa trong CPTPP.
Nguyên nhân là điều kiện để được hưởng ưu đãi từ CPTPP là phải đáp ứng yêu cầu từ sợi, trong khi dệt may Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp gia công, may đơn hàng theo mẫu mã và chất liệu đặt hàng của nước ngoài. Hiện Việt Nam có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ một số mặt hàng như quần áo dệt kim, quần âu, sơ mi, với những sản phẩm có giá cao như áo khoác mùa đông, đồ thể thao, tỷ lệ đạt xuất xứ thấp.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng CPTPP để tăng trưởng xuất khẩu nhưng thống kê cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi vẫn còn rất thấp. Đơn cử như hàng xuất theo mẫu CPTPP chỉ đạt 190 triệu USD trong tổng số 16,4 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu, tương ứng với việc chỉ tận dụng được 1,17%.
Quy tắc xuất xứ sẽ bảo đảm sự cân bằng giữa “thuận lợi hóa thương mại” và “phòng tránh gian lận thương mại”. Khi đáp ứng quy tắc xuất xứ ưu đãi, hàng hóa sẽ được cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) ưu đãi. Đây là giấy thông hành, cam kết pháp lý quan trọng nhất để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu trong CPTPP.