Nhanh chóng dẹp nạn
Qua tìm hiểu phóng viên được biết hiện có nhiều phụ huynh bức xúc vì họ và con em họ bị đẩy vào tình thế “tự nguyện bắt buộc” bằng hình thức như viết đơn “tự nguyện” để nhà trường danh chính ngôn thuận chèn tiết học liên kết vào giờ học chính khoá.
Đầu năm học 2023-2024, vấn đề dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường, dạy liên kết trở nên “nóng”. |
Phụ huynh cho rằng, có nhiều dấu hiệu của giáo viên cho biết sẽ gây khó dễ nếu không đăng ký khiến phụ huynh, học sinh rơi vào thế không thể từ chối.
Phản giáo dục hơn có nhà trường, theo lời một phụ huynh có con học tiểu học trên địa bàn quận Hà Đông, giáo viên còn nhắn cho phụ huynh rằng nếu con không tham gia tiết học liên kết thì sẽ phải ra khỏi lớp để nhường chỗ các bạn khác ở lại lớp học.
Tuy nhiên, ra khỏi lớp và đi đâu thì không được nêu rõ, vậy là học sinh nào không tham gia học liên kết sẽ bơ vơ ở sân trường. Vậy là các bậc phụ huynh ai nỡ để con mình bơ vơ nên lại đành "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Trước thực tế nêu trên, một số ý kiến cho rằng, việc liên kết với các trung tâm để dạy học trong trường, đặc biệt là xếp lịch vào cả giờ chính khóa rõ ràng có ảnh hưởng đến vai trò, chức năng của chương trình giáo dục quốc dân, thậm chí phản giáo dục.
Bên cạnh việc lợi dụng hoạt động liên kết dạy thêm để thu tiền gây áp lực tài chính cho phụ huynh học sinh, vấn đề chất lượng giảng dạy của các trung tâm liên kết cũng là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.
Một giáo viên ở Hà Nội cho hay, do liên quan đến lợi nhuận nên có thể các đơn vị sẽ cố gắng để “trúng thầu”, không loại trừ các tiêu cực nảy sinh và vì thế chất lượng cũng sẽ không được đảm bảo.
Ở một góc nhìn khác, ý kiến của phụ huynh ở Nghệ An chia sẻ, vài năm nay các con của phụ huynh này đang phải đóng mỗi tháng cả gần một triệu cho việc học "tiếng Anh tăng cường" với thời lượng là 2 tiết/tuần.
Chương trình "tiếng Anh tăng cường" do một trung tâm Anh ngữ hợp tác với nhà trường để triển khai. Vị phụ huynh này cũng cho biết, hiện tại trung tâm này đang hợp tác với nhiều trường học trường học trên địa bàn.
Điều kinh ngạc các trung tâm tiếng Anh liên kết với trường nào thì giáo viên trường ấy dạy, chứ trung tâm tiếng Anh liên kết chỉ có khoảng hơn 20 giáo viên, không thể dạy nổi chừng đó học sinh.
Thu số tiền khổng lồ hàng tỷ đồng/tháng (tính theo đầu học sinh), nhưng mỗi tiết dạy, giáo viên nhà trường chỉ được trả vài chục nghìn đồng, còn lại Trung tâm hưởng hoặc chia chác với lãnh đạo theo tỷ lệ đã được thoả thuận.
Vậy là trung tâm không cần xây dựng trường lớp, không cần tuyển dụng giáo viên, chỉ việc giao dịch với hiệu trưởng các trường theo cơ chế "hai bên cùng có lợi" thì tất cả cơ sở vật chất và con người trong hệ thống giáo dục quốc dân liền biến thành công cụ thu tiền của phụ huynh một cách có hệ thống.
Hiện nay, những chương trình liên kết kiểu này do sự bắt tay giữa hiệu trưởng và các trung tâm ma bên ngoài đang đổ bộ vào các trường học ở khắp nơi trên cả nước, tạo ra một thị trường chợ đen phá nát giáo dục từ bên trong, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần phải mạnh tay.
Mạnh tay với vi phạm
Trước vấn nạn trên nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng tổng rà soát lại tình trạng liên kết giữa các trung tâm (tiếng Anh, kỹ năng sống, STEAM...) với hệ thống nhà trường trên cả nước.
Giới chuyên gia đề nghị phải chấn chỉnh việc các trung tâm bên ngoài hiên ngang đi vào để biến trường lớp quốc dân thành sân nhà và ngang nhiên làm tiền trên đầu hàng triệu học sinh và phụ huynh khắp cả nước.
Trước sức ép của dư luận, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 5333 về vấn đề rà soát, báo cáo tình hình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên.
Nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng, TPHCM, Ninh Bình… cũng có động thái chấn chỉnh việc liên kết dạy tiếng Anh tăng cường, kỹ năng sống... trong trường học.
Trong đó, các Sở giáo dục và đào tạo đều khẳng định việc trường liên kết với các tổ chức, đơn vị bên ngoài để tổ chức các lớp học ngoại khóa không bị cấm. Tuy nhiên, hoạt động này là tự nguyện, không được ép học sinh tham gia.
Tại Hội nghị do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, ông Đào Tân Lý, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học cho hay, các trường trên địa bàn cần thực hiện đầy đủ tiết học bắt buộc, không cắt xén hay giảm bớt để dành thời gian cho hoạt động ngoại khóa và các tiết học tăng cường. Hiện định mức làm việc của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần.
Việc giảm tiết chính khóa sẽ ảnh hưởng tới công việc của giáo viên, nên các trường cần tránh để thầy cô chưa dạy hết định mức đã phải thực hiện hoạt động ngoài giờ.
"Khi đã thực hiện đầy đủ chương trình chính khóa theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên đủ định mức và còn thời gian trống, lúc đó trường mới tổ chức hoạt động ngoại khóa", ông Lý nói.
Đáng chú ý, với chương trình liên kết, tăng cường, Sở yêu cầu các trường khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh, phụ huynh rồi mới xây dựng kế hoạch triển khai. Trong đó, phải đảm bảo tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh. Trường không được xếp tiết ngoại khóa xen vào giờ chính khóa, nếu lớp đó không đủ 100% tham gia.
Tuy vậy với ý kiến của ông Lý một số phụ huynh lại không đồng tình, cho rằng, các cơ quan quản lý cần quy định chặt chẽ hơn về thời gian tổ chức hoạt động giáo dục ngoại khóa trong trường học.
"Nếu chỉ căn cứ vào 100% phụ huynh học sinh tự nguyện hay không để chèn giờ học ngoại khóa, liên kết vào giờ học chính khóa thì vẫn khó tránh được việc phụ huynh phải tự nguyện kiểu bị ép buộc", ý kiến lo ngại.
Trước những bất cập của hoạt động liên kết dạy học trong trường học hiện nay, thiết nghĩ, trách nhiệm chính nằm ở Hiệu trưởng, Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục.
Về phía nhà trường, Hiệu trưởng là người quyết định việc này và chịu trách nhiệm toàn diện với việc liên kết cũng như các sai phạm nếu có.
Việc thanh kiểm tra ở các địa phương vẫn chưa chưa chặt chẽ, nên nhiều trường vẫn ngang nhiên vi phạm. Vì vậy, để chấm dứt tình trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cần rốt ráo tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm kịp thời