Y tế - Sức khỏe
“Nghiện” làm đẹp: Cái giá phải trả quá đắt
Dương Ngân - 21/12/2021 19:26
Không chỉ gây ra những tác hại lớn cho sức khỏe, “bệnh” nghiện làm đẹp còn khiến người mắc phải trả giá bằng tính mạng.
Bất kỳ can thiệp dao kéo nào đều có một tỷ lệ nhất định các biến chứng như nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết, tụ máu, chảy dịch…

Ám ảnh sự hoàn hảo

Những người “nghiện” thẩm mỹ cho rằng, một cuộc phẫu thuật nữa luôn là cần thiết để họ hoàn hảo hơn. Cuối cùng, dù trên người đã có rất nhiều bộ phận được phẫu thuật chỉnh sửa, nhưng họ vẫn chưa cảm thấy hài lòng.

Tuy vậy, có một điều mà những người nghiện thẩm mỹ bỏ quên, đó là bất kỳ can thiệp dao kéo nào đều có một tỷ lệ nhất định các biến chứng như nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết, tụ máu, chảy dịch… Đó là chưa nói tới việc người làm thẩm mỹ có thể bị suy giảm sức khỏe trầm trọng, thậm chí không còn cả hơi thở để tận hưởng sự thay đổi sau phẫu thuật.

Chín tác hại của phẫu thuật thẩm mỹ: sẹo xấu, nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết, tụ máu, chảy dịch, tổn thương dây thần kinh, đổ vỡ hôn nhân, tử vong.

Với những bệnh nhân mới tiêm filler có những biểu hiện của tắc mạch như mất thị lực, đột quỵ hay yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý cấp cứu kịp thời.

Năm 19 tuổi, Michael Jackson được biết đến là ngôi sao tên tuổi của nhóm Jackson Five. Được công chúng yêu mến gọi với cái tên “ông hoàng nhạc Pop”, nhưng ông luôn không hài lòng với vẻ bề ngoài của mình. Ông đã dành tới 30 năm với hơn 100 cuộc phẫu thuật để có được gương mặt như mong muốn.

Ban đầu, Michael Jackson chỉ muốn sửa chiếc mũi quá to của mình, nhưng càng ngày càng bị lún sâu với hàng loạt biện pháp can thiệp dao kéo như tẩy da, bơm môi, độn gò má, bơm Botox. Sau mỗi lần phẫu thuật, ông lại thấy có gì đó không ổn và tiếp tục làm thẩm mỹ trong suốt hơn 30 năm. Đỉnh điểm, năm 2002, khi xuất hiện trước công chúng, ông đã phải dán miếng băng gạc trên mũi để ngăn chất nhầy không chảy xuống miệng.

Ở thập niên 70, Thẩm Thuý Hằng là cái tên “hot” nhất trong làng điện ảnh Việt Nam. Bà không chỉ tham gia các phim trong nước, mà còn được mời vào vai trong những bộ phim ăn khách ở khu vực Đông Nam Á. Từng được xem là biểu tượng nhan sắc của phụ nữ miền Nam một thời, nhưng bà vẫn chọn phẫu thuật thẩm mỹ để níu giữ tuổi xuân. Tại lễ cưới của con trai là nghệ sĩ hài Mỹ Chi, nữ diễn viên khiến mọi người sợ hãi với khuôn mặt biến dạng, méo mó do can thiệp dao kéo. Hiện nay, Thẩm Thuý Hằng sống khép kín, ít giao tiếp, ít tham dự các sự kiện cũng có thể do nhan sắc hiện tại.

Theo kinh nghiệm của một số bác sĩ thẩm mỹ, ước chỉ có khoảng 30% người cảm thấy hài lòng sau khi làm thẩm mỹ, 50% người thấy kết quả bình thường hoặc chưa đạt kỳ vọng; 20% còn lại là các ca “hỏng” đến từ nguyên nhân chủ quan (bác sĩ) hoặc từ cơ địa của khách hàng, hoặc từ những yếu tố không thể lường trước. Con số trên được thống kê tại các cơ sở làm thẩm mỹ được cấp phép, đảm bảo chất lượng, chưa bàn tới các spa, các thẩm mỹ viện chui, các bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề.

 

Coi trọng sắc đẹp hơn sức khỏe

Liên tiếp những trường hợp gặp biến chứng sau làm thẩm mỹ thời gian qua vẫn chưa phải là hồi chuông cảnh tỉnh người dân cẩn trọng trước khi làm đẹp, hay từ bỏ thói quen nghiện thẩm mỹ. Vẫn có rất nhiều người coi nhẹ sự an toàn, tính mạng bản thân khi giao cơ thể cho những cơ sở không đảm bảo chất lượng.

Bệnh nhân nữ 25 tuổi tại Hà Nam đã tiêm filler (chất làm dầy) tại một spa không đảm bảo chất lượng. Sau đó, vùng tiêm filler có dấu hiệu tím, hoại tử. Bệnh nhân được đưa đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, hoại tử nhiễm trùng da vùng sống mũi và trán.

Với mong muốn có khuôn mặt đầy đặn, một cô gái 23 tuổi đến một cơ sở thẩm mỹ ở quận Phú Nhuận, TP.HCM tiêm filler Hàn Quốc vào hai má với chi phí hơn 6 triệu đồng. Sau một vài tháng, vùng má trái sưng to, đau nhức, không thể ăn uống, trò chuyện.

Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 22 tuổi bị áp xe vú đa ổ do tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc. Cô phải nhập viện trong tình trạng sốt, biến dạng, sưng nề, viêm loét, chảy dịch mủ… vùng ngực.

Một vụ việc gây sốc đã xảy ra gần đây, đó là một bệnh nhân quê ở tỉnh Cà Mau đã tử vong sau khi hút mỡ bụng tại một cơ sở thẩm mỹ “chui” ở quận 1, TP.HCM. Theo điều tra ban đầu, bệnh nhân nhờ chủ cơ sở phẫu thuật làm đẹp với chi phí khoảng 15 triệu đồng. Để phẫu thuật thẩm mỹ cho bệnh nhân, chủ cơ sở liên hệ một người khác hỗ trợ thực hiện khâu gây mê, giảm đau.

Ngày 5/12, chủ cơ sở thẩm mỹ thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ. Đến tối 5/12, khi nghe tin tình trạng sức khỏe của bệnh nhân không ổn, người này đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cấp cứu, điều trị. Tuy nhiên, rạng sáng 6/12, bệnh nhân đã tử vong.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân 115 từng cấp cứu một bệnh nhân nữ 24 trú tại quận 10, đã thẩm mỹ vùng lưng tại một thẩm mỹ viện trên đường Độc Lập, quận Tân Phú. Sau khi được ủ tê da vùng lưng, bệnh nhân bị co giật và diễn tiến nặng, khó thở, tím tái. Thẩm mỹ viện đã gọi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân Dân 115. Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, đặt nội khí quản, nhưng cùng ngày, bệnh nhân đã tử vong.

Trước đó, dư luận hoang mang về trường hợp chị S.B.T (22 tuổi, quê Cà Mau, trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) tử vong sau khi nâng ngực. Điều đáng nói là, bệnh nhân T. được bác sỹ phẫu thuật ngực khi đang mang thai 17 tuần, dù theo quy định, đối tượng thai phụ chống chỉ định cho phẫu thuật đặt túi ngực.

Cuối năm 2019, dư luận từng bàng hoàng khi nghe tin về vụ tử vong của một người đàn ông do hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn (số 83 đường Nguyễn Khang, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Theo kết quả thanh tra của Sở Y tế Hà Nội, cơ sở này không được phép thực hiện các dịch vụ xâm lấn có gây chảy máu hoặc tiêm, truyền, phẫu thuật, chỉ được cấp phép làm dịch vụ chăm sóc da, phun, xăm thẩm mỹ (không dùng phẫu thuật, không gây chảy máu), mua bán mỹ phẩm.

Dù đã để xảy ra chết người, nhưng Thẩm mỹ viện Việt Hàn vẫn ngang nhiên tiếp tục thực hiện việc hút mỡ đùi cho khách hàng và tiếp tục gây sự cố. Đó là một phụ nữ bị tai biến nặng sau khi hút mỡ, phải vào điều trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia vì bị bỏng tím đen toàn bộ vùng da mặt trong của đùi.

Đừng để tiền mất, tật mang

Hiện nay, việc tiêm filler được nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, số vụ việc biến chứng do tiêm filler đã xảy ra với tần suất dày đặc. Theo các bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện vừa tiếp nhiều nhận nhiều trường hợp biến chứng sau tiêm filler. Đa số bệnh nhân thực hiện ở cơ sở thẩm mỹ không phép, người tiêm không phải là bác sĩ và không được đào tạo về tạo hình - thẩm mỹ, không được học về các biến chứng của tiêm chất làm đầy cũng như cách để phòng tránh các biến chứng này.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh (Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, tạo hình hàm mặt, Bệnh viện E) khuyến cáo, trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật để làm đẹp, chị em nên tìm đến những bác sĩ nhiều kinh nghiệm và đã được cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ để tham khảo kỹ; thực hiện tại các khoa, bệnh viện thẩm mỹ đã được cấp phép, có uy tín. “Tuyệt đối không nên phó thác số phận và nhan sắc của mình cho các cơ sở chui, không có giấy phép; các nhân viên spa không có bằng cấp chuyên ngành”, bác sĩ Minh nói.

Theo bác sĩ Vũ Hồng Chiến (Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai), phụ nữ nên tránh chạy theo quảng cáo mà không tìm hiểu ngọn nguồn để rồi tiền mất, tật mang. Quan trọng nhất là cần lựa chọn những cơ sở chuyên khoa được cấp phép, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép tiêm filler, lựa chọn những loại filler đảm bảo chất lượng đã được cấp phép (FDA, Bộ Y tế).

Các cơ sở được cấp phép không thể là các spa, chăm sóc da hay các cơ sở cắt tóc, gội đầu…, mà phải là các phòng khám da liễu hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Các cơ sở phải có biển niêm yết ghi rõ là phòng khám chuyên khoa, có niêm yết tên cũng như số giấy phép hành nghề của bác sĩ phụ trách.

Tin liên quan
Tin khác