Đầu tư
Ngoại giao tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế và thu hút đầu tư
Bùi Thanh Sơn - 03/09/2015 19:16
Trong 70 năm qua, ngành ngoại giao Việt Nam đã có đóng góp lớn vào công cuộc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, phục vụ sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

Trong suốt những giai đoạn thăng trầm của lịch sử kể từ khi thành lập nước, đặc biệt từ sau Đổi mới đến nay, ngành ngoại giao luôn sát cánh cùng các cấp, các ngành trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Một trong những lĩnh vực mà sự gắn bó này được thể hiện sâu sắc, hiệu quả, qua đó đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển đất nước là kinh tế đối ngoại.

Nhìn lại lịch sử phát triển của đất nước, thời kỳ sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, chúng ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức: vừa phải nỗ lực khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải lo đối phó với thù trong, giặc ngoài. Trong bối cảnh đó, ngành ngoại giao đã tích cực triển khai chính sách phá bao vây cấm vận, cùng với các ngành vận động, tranh thủ được sự giúp đỡ quan trọng từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế nhằm khôi phục nền kinh tế.

Việc Việt Nam tham gia các diễn đàn quốc tế mang lại kết quả thiết thực trong quan hệ kinh tế với đối tác

 

Bước vào thời kỳ Đổi mới, cùng với sự chuyển mình của đất nước, công tác đối ngoại tập trung triển khai chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa và mở rộng hợp tác quốc tế. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ Ngoại giao là cùng với các bộ, ngành đi tiên phong trong việc khai thông thị trường cho xuất nhập khẩu, vận động sự hỗ trợ và các nguồn vốn đầu tư quốc tế. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, vị thế và uy tín ngày càng được nâng cao, được cộng đồng quốc tế nhiều năm liền đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và tin cậy.

Nhất quán với chủ trương của Đảng và Nhà nước coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, ngày 15/4/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về “Tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Chỉ thị nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế hiện nay và trong thời gian tới, khẳng định công tác này là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, mà trong đó các bộ, ngành tham gia lĩnh vực kinh tế đối ngoại là đội ngũ tiên phong.

Tại Bộ Ngoại giao, ngay từ rất sớm, công tác ngoại giao kinh tế được xác định là một trong những trụ cột của nền ngoại giao toàn diện với việc ban hành Chỉ thị 01/2007/CT-NG của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về tăng cường ngoại giao kinh tế trong thời kỳ hội nhập sâu rộng. Tiếp đó, hàng loạt quyết định, chỉ thị, kế hoạch mà gần đây nhất là Chỉ thị 03/CTBT/2014 về các biện pháp đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế giai đoạn 2014 - 2015 đã được ban hành nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.

Với phương châm“đột phá - mở đường, tham mưu - thông tin, song hành - hỗ trợ, đôn đốc triển khai”, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần quan trọng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Trên bình diện song phương, việc đưa quan hệ với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho quá trình mở cửa, thu hút viện trợ, đầu tư cho phát triển đất nước, tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.

Trên bình diện đa phương, việc Việt Nam tham gia tích cực, có nhiều sáng kiến và đóng góp thực chất vào các diễn đàn quốc tế và khu vực đã nâng cao đáng kể vị thế đối ngoại của Việt Nam và mang lại những kết quả thiết thực trong quan hệ kinh tế với các đối tác quan trọng.

Bên cạnh việc đồng hành, phối hợp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về kinh tế - thương mại - đầu tư, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng tích cực tuyên truyền về chính sách, môi trường đầu tư của Việt Nam đến các nhà đầu tư quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện tăng cường thông tin, nghiên cứu để kịp thời tham mưu cho Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành vĩ mô, lựa chọn các giải pháp hiệu quả để khắc phục các khó khăn kinh tế, thu hút ODA, FDI.

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế thông qua đổi mới phương thức thực hiện, gắn kết hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế với các chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Trước tình hình đó, công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh một cách toàn diện và tập trung vào những hướng chủ yếu sau:

Một là, bám sát nhu cầu phát triển đất nước để kịp thời tham mưu về các vấn đề kinh tế - thương mại - đầu tư quốc tế, đóng góp vào quá trình hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tranh thủ tối đa quan hệ hợp tác với các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước phát triển, các nước bạn bè truyền thống, thị trường mới nổi và tiềm năng để thu hút vốn, công nghệ cao, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Hai là, chủ động, tích cực phát huy vai trò và lồng ghép lợi ích quốc gia trong các khuôn khổ WTO, APEC, ASEAN, ASEM, các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong..., qua đó, nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn, cơ chế hợp tác kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh vận động chính trị, ngoại giao để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do với các đối tác.

Ba là, nâng cao hiệu quả phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, tham gia tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phát huy hơn nữa vai trò tư vấn, hỗ trợ, kết nối trên cơ sở bám sát nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp; thúc đẩy các dự án trọng điểm trong hợp tác kinh tế với các nước; đồng thời bảo vệ tốt lợi ích quốc gia và quyền lợi của doanh nghiệp, công dân trong các tranh chấp kinh tế, thương mại.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành không chỉ dừng lại ở phát triển bền vững đất nước, mà còn từng bước đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực cũng như trên thế giới. Với nhận thức đó, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiên phong trong việc huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong nước và quốc tế phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

Tin liên quan
Tin khác