Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,64% trong phiên giao dịch sáng 17/3. Ảnh: AFP |
Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc Fed dự kiến kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày vào cuối ngày 17/3 (giờ Mỹ). Các thị trường chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương sáng nay 17/3 tiếp tục thấp thỏm đợi tin từ Fed. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) sáng nay rớt 0,3%, trong đó chỉ số Kospi của Hàn Quốc và S&P/ASX 200 của Australia lần lượt ghi nhận mức giảm sâu nhất là 0,64% và 0,48%.
Nikkei 225 của Nhật Bản sáng nay ngược dòng khu vực và tăng 0,1%, trong khi chỉ số Topix rung lắc nhẹ và chủ yếu đi ngang. Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,4%; còn tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng trượt 0,2%.
Chứng khoán thế giới biến động mạnh trong những tuần gần đây khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 năm qua do nhà đầu tư trái phiếu tin rằng việc Mỹ tăng tốc tiêm vaccine kháng Covid-19 và tung ra gói kích thích tài khóa lớn (1.900 tỷ USD) sẽ thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới và lạm phát tăng nhanh hơn dự báo.
Sóng gió trên các thị trường chứng khoán lớn của thế giới làm dấy lên nhận định rằng Fed sẽ buộc phải điều chỉnh kỹ thuật đối với các đòn bẩy kiểm soát lãi suất, nhưng không có nhiều kỳ vọng rằng Fed sẽ có điều chỉnh lãi suất ngay tại cuộc họp lần này, kể cả khi họ dự báo tốt hơn về tăng trưởng của Mỹ.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Commonwealth kỳ vọng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ chú ý đến việc FOMC có trong tay những công cụ để can thiệp nếu thị trường trái phiếu trở nên rối loạn hoặc kìm hãm sự phục hồi kinh tế. "Chúng tôi hy vọng ông Powell sẽ trì hoãn thảo luận về việc thắt chặt chính sách bởi phần lớn thị trường lao động đang chùng xuống”, các chuyên gia Commonwealth nói. Họ cảnh báo, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đô la Mỹ có thể "nhảy múa" nếu tuyên bố sau cuộc họp của FOMC và tuyên bố của Chủ tịch Fed được xem là không đủ "ôn hòa".
Theo cập nhật mới nhất sáng 17/3 tại châu Á, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ Mỹ hạn 10 năm tiếp tục ổn định quanh mức 1,6% và cụ thể là 1,6197%. Lần đầu tiên kể từ tháng 2/2020, lợi suất này đạt mức 1,6420% trong phiên giao dịch 12/3.
Trong khi đó, đồng bạc xanh có dấu hiệu suy yếu so với tuần trước. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác đạt 91,90, so với mức đỉnh 3 tháng là 92,506 được thiết lập tuần trước.
Triển vọng về thị trường tiền tệ cũng khá thận trọng và có thể kéo dài cả tuần, với việc Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến công bố quyết định chính sách vào ngày 18/3 còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 19/3 và rất có thể Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ hủy mục tiêu mua vào tài sản của mình.
Trên Phố Wall, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đêm qua để mất 0,39% còn 32.825,95 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 trượt 0,16% xuống 3.962,71 điểm. Trái lại, Nasdaq Composite ngược dòng và nhích 0,09% lên 13.471,57 điểm. Hợp đồng tương lai E-mini S&P 500 sáng nay 17/3 giảm 0,04%.
Giá vàng sáng nay nhích lên và dao động ở mức cao nhất trong hơn 2 tuần qua do lo ngại lạm phát sẽ tăng lên. Vàng giao ngay tăng giá 0,2% lên 1.734,81 USD/ounce.
Trong khi đó, thị trường dầu mỏ lại trở nên ảm đạm do lo ngại nhu cầu dầu mỏ sẽ đứt đà tăng sau khi Đức, Pháp và một số quốc gia khác tại châu Âu ngừng tiêm vaccine kháng Covid-19 của hãng dược AstraZeneca, một động thái có thể kìm hãm đà hồi phục kinh tế của khu vực này. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn sáng nay giảm 12 cent xuống 68,27 USD/thùng, còn giá dầu thô Mỹ giao sau rớt 3 cent xuống 64,77 USD/thùng.