|
Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc Ngân hàng SeABank |
Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hiệu triệu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất với khoản vay cũ xuống 15%/năm, thậm chí là 13%/năm để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN). SeABank đã thực hiện lời kêu gọi này như thế nào?
Với những khoản vay ngắn hạn thì cơ bản chúng tôi đã đưa xuống dưới 15%/năm. Còn với những khoản vay trung và dài hạn, nếu không có vấn đề gì thì đến kỳ điều chỉnh lãi suất, chúng tôi sẽ xem xét hạ tiếp lãi suất.
Hiện dư nợ các khoản vay có lãi suất trên 13%/năm tại SeABank chiếm tỷ lệ bao nhiêu, thưa ông?
Tôi chưa số liệu chính xác thời điểm này, song tỷ lệ chắc chắn không quá 20%. Với ngân hàng, việc đưa lãi suất các khoản vay cũ về dưới 13% là không dễ, vì đa số những khoản vay đó có nợ quá hạn.
Về nguyên tắc, nếu chúng tôi hạ lãi suất với những khoản vay quá hạn, với những DN không có thiện chí hợp tác trả nợ cho ngân hàng chính là ngược đãi với các khách hàng trả nợ tốt cho chúng tôi.
Vì vậy, chúng tôi có chút băn khoăn về việc giảm lãi suất những khoản nợ quá hạn. Còn với các khoản nợ trung và dài hạn, nếu khách hàng tốt, chúng tôi sẽ sớm giải quyết để để đưa lãi suất về mức hợp lý.
Như vậy, việc yêu cầu các ngân hàng cổ phần đưa lãi suất vay về 13%/năm (kể cả với khoản vay cũ) như một số ngân hàng quốc doanh đang thực hiện là không khả thi?
Tôi khẳng định, không thể có chuyện mọi lãi suất cho vay đều được đưa xuống mức 13%/năm. Do đặc thù của nhiều sản phẩm như vay tiêu dùng, tín chấp, thẻ tín dụng… rủi ro cao, nếu yêu cầu lãi suất tất cả khoản vay đều phải dưới 13%/năm là không khả thi.
Nói thực, chúng tôi không đồng tình nếu yêu cầu lãi suất tất cả các khoản vay dưới 13%/năm.
Vậy có nghĩa, ông cũng phản đối việc áp trần lãi suất cho vay, như một số chuyên gia đề xuất?
Trong ngành ngân hàng, lãi suất cho vay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời hạn vay, mức độ rủi ro của khách hàng. Vì vậy, áp trần lãi suất cho vay chung là lợi bất cập hại. Tôi lấy ví dụ, một DN có nợ xấu nhóm 2, thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho DN này đã là 5%, nếu áp trần lãi suất cho vay nữa thì chẳng ngân hàng nào dám cho DN này vay, kết quả là DN này không thể tiếp cận được vốn.
Hay với chi tiêu qua thẻ tín dụng, tôi khẳng định, nếu trần lãi suất cho vay là 12%/năm, sẽ chẳng ngân hàng nào dám cho vay. Còn nếu như nói áp trần cho vay một số lĩnh vực ưu tiên, thì NHNN đã làm rồi.
Về lâu dài, tôi nghĩ, lãi suất phải do thị trường quyết định. Những biện pháp hành chính áp dụng càng lâu càng làm méo mó thị trường, cần phải dần dần hủy bỏ. Chúng ta không thể điều hành nền kinh tế hàng trăm tỷ USD bằng biện pháp hành chính mãi được.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, NHNN đang dự định hoãn thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN, có nghĩa sẽ gia hạn thực hiện Quyết định 780/QĐ-NHNN về gia hạn nợ, cơ cấu nợ. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Việc NHNN định giãn thực hiện Thông tư 02 là tín hiệu vui với DN. Tuy nhiên, về lâu dài, có thể gây bất ổn với hệ thống ngân hàng. Do đó, tôi nghĩ, Quyết định 780 không thể tồn tại mãi được mà phải hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
Vậy nếu NHNN áp dụng ngay Thông tư 02, liệu nợ xấu của SeABank có tăng gấp đôi?
Chúng tôi đã cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 hàng ngàn tỷ đồng. Dĩ nhiên, nếu không thực hiện Quyết định 780 nữa thì ngân hàng sẽ gặp một số khó khăn. Khi đó, nợ xấu của SeABank không đến mức tăng gấp đôi, nhưng cũng sẽ tăng đáng kể.
NHNN vừa triển khai gói tín dụng hỗ trợ vay nhà ở 30.000 tỷ đồng. Theo ông, biện pháp này có thể kích tín dụng tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm?
Tôi nghĩ, gói tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng dành cho đối tượng ưu đãi này sẽ được triển khai tốt, tuy không phải là biện pháp giải quyết mọi vấn đề.
Tuy nhiên, cũng không nên quá lo về tăng trưởng tín dụng. Hết quý I/2013, tín dụng vẫn tăng trưởng âm, điều này có lý do là tính thời vụ của ngành ngân hàng: tăng trưởng tín dụng quý I luôn luôn thấp. Bước sáng tháng 4, tín dụng đã tăng trưởng khá tốt. Tôi cho rằng, thời gian tới, dù có hay không có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì tín dụng vẫn sẽ tăng trưởng khá.
Theo tôi, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay hoàn toàn có thể đạt được. Song chắc chắn, không phải lĩnh vực nào tín dụng cũng tăng trưởng được. Có nhiều lĩnh vực như: bất động sản, thép, vật liệu xây dựng… tín dụng sẽ không tăng trưởng.
Riêng tại SeABank, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước, theo tôi, đó là mức độ khả quan.
Hà Tâm