Doanh nhân, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh. |
Khát khao mang đến sự khác biệt
Ngôi nhà nằm tại làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) rộng hơn 200m2 vừa là nơi ở vừa là xưởng sản xuất của Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang (Công ty Việt Quang) luôn rộn ràng tiếng lách cách của mây, tre được điều khiển thoăn thoắt bởi bàn tay khéo léo của những người thợ.
Xung quanh xưởng xếp đặt la liệt các mặt hàng được thiết kế theo đơn đặt hàng đến từ nhiều quốc gia phục vụ kinh doanh khách sạn – nhà hàng (hộp đựng giấy, hộp trang sức, khay trà, giỏ trái cây…), các sản phẩm trang trí nội thất (chao đèn, khung tranh, lộc bình…), hay các phụ kiện thời trang (túi xách, nón, mũ…) có kiểu dáng, hoa văn hết sức độc đáo, bắt mắt.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh vừa cười hiền hậu vừa cho biết, ông không nhớ mình đã bén duyên với nghề mây tre đan từ lúc nào, chỉ nhớ là từ ngày còn bé lắm. Khi ấy, cha ông là nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu, vốn là một trong 9 nghệ nhân đầu tiên được phong tặng của miền Bắc, đã kèm cặp chỉ bảo ông từng chút một, từ cách vót nan, chuốt mây đến việc bắt khung đan những sản phẩm rá, rổ thông thường nhất. Làm miết rồi thì quen tay, quen mắt và yêu nghề lúc nào không hay, ông còn tự mình tìm tòi, sáng tạo các kiểu dáng, hình đan độc đáo, lạ mắt khiến nhiều người trong nghề thán phục.
Nhớ lại năm 1986, khi mới 23 tuổi, với chiếc lồng bàn được đan công phu bằng giang nhuộm lá cây và bùn đen, mô phỏng các họa tiết đặc trưng của làng nghề Phú Vinh, ông Tĩnh đã giành trọn bộ huy chương (1 vàng, 1 bạc và 1 đồng) tại Triển lãm Hàng thủ công mỹ nghệ Toàn quốc lần thứ nhất và được Trung ương Đoàn, Hội thủ công Mỹ nghệ Việt Nam tặng bằng khen. Với ông, cảm xúc về giải thưởng này mãi như ngọn lửa thôi thúc ông gắn bó với nghề, không ngừng nghỉ sáng tạo để nâng tầm giá trị các sản phẩm mây tre đan truyền thống trở thành những sản phẩm nghệ thuật.
Sau giải thưởng mở đầu sự nghiệp một nghệ nhân mây tre đan, ông Tĩnh trở về tiếp tục công việc sản xuất các mặt hàng truyền thống và truyền nghề cho 2 người con trai như bao thế hệ nghệ nhân làng nghề Phú Vinh khác. Nhưng với bản tính ưa tìm tòi, khám phá, ông luôn cố gắng để các sản phẩm của mình mang những nét độc đáo riêng, từ kiểu dáng cho đến họa tiết, hoa văn.
Qua bàn tay ông, những chiếc giỏ đựng trái cây, khay trà, lộc bình… cũng trở nên cầu kỳ, kiểu cách và có thể phù hợp với bất cứ một nhà hàng, khách sạn sang trọng nào. Hay những món phụ kiện túi xách, nón, mũ… cũng trở nên thời trang hơn với những kiểu dáng, họa tiết độc đáo. Đặc biệt, những chiệc chao đèn bằng mây, tre do ông Tĩnh làm ra không hề xa lạ với phong cách kiến trúc hiện đại, nếu không muốn nói, chúng còn có thể tạo nên những điểm nhấn cho một công trình…
Với những sản phẩm giàu sức sáng tạo đó, mỗi dịp mang đi tham dự các cuộc triển lãm, giới thiệu sản phẩm, ông luôn nhận được sự trầm trồ, thán phục của khách tham quan. Cho đến khi, một số đối tác nước ngoài ngỏ ý muốn đặt hàng một số mẫu sản phẩm có giá trị từ vài trăm triệu đồng, đến hàng tỷ đồng và giao dịch khó có thể thực hiện được nếu chỉ dừng ở quy mô hộ sản xuất gia đình, ông Tĩnh và các con quyết định thành lập Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang vào năm 2008.
Nghệ nhân trong vai doanh nhân
Những ngày đầu mới thành lập doanh nghiệp, nhiều khó khăn liên quan đến quản trị doanh nghiệp ập đến với nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, từ việc viết hóa đơn, chứng từ, kê khai thuế, đến việc quản lý lao động… Nhưng với sự giúp đỡ của 2 người con trai cũng đang nối nghiệp cha, cùng sự nỗ lực học hỏi, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã đóng tròn vai doanh nhân của mình.
Từ những mối quan hệ được thiết lập trong các cuộc triển lãm, trưng bày trước đó, cùng với tên tuổi đã được nhiều tờ báo, tạp chí trong nước và nước ngoài nhắc đến, Công ty Việt Quang của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh nhanh chóng nhận được nhiều đơn đặt hàng đến từ châu Âu, Ấn Độ và một số nước có ngành thủ công mỹ nghệ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Sở dĩ các sản phẩm mây tre đan của Việt Quang thuyết phục được những khách hàng khó tính, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh tự hào cho rằng, bên cạnh sự sáng tạo, độc đáo về mẫu mã, chúng còn ẩn chứa những nét duyên dáng, hồn cốt rất riêng đã được hn đúc từ hàng trăm năm phát triển của làng nghề Phú Vinh.
“Có một khách hàng Nhật Bản từng nói với với tôi: Khi nào anh nhận tiền của chúng tôi và chúng tôi phải cảm ơn anh, tức là anh đã thành công. Vì thế, để giữ được những giá trị bền vững kể trên, tôi luôn nhắc nhở bản thân và người lao động phải yêu nghề, tận tâm chau chuốt từng chi tiết để tạo nên những sản phẩm hoàn hảo nhất có thể”, ông Tĩnh giãi bày.
Với những đơn hàng có giá trị hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng, cộng với việc mở rộng kênh bán hàng trong nước qua trang web, fanpage của doanh nghiệp, đã mang về doanh thu cho Công ty Việt Quang hàng chục tỷ đồng mỗi năm (năm 2017 đạt 15 tỷ đồng, năm 2018 ước đạt 17 tỷ đồng), trong đó lợi nhuận chiếm 20-30%. Đồng thời, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 20 nhân lực tại chỗ và 100 nhân lực nằm tại các khu vực quanh Hà Nội.
Một góc xường sản xuất của Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang |
Từ các đơn hàng này, ông Tĩnh đã tiếp thu được nhiều ý tưởng mới, để ngày càng nâng cao tay nghề và nguồn nhân lực của Công ty Việt Quang. Cũng từ đây, ông được đặt chân đến nhiều làng nghề nổi tiếng ở Nhật, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… và rút ra những bài học cho doanh nghiệp của mình, từ cách quản trị doanh nghiệp đến quảng bá, giới thiệu sản phẩm sao cho chuyên nghiệp hơn.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cũng không giấu tham vọng dịch chuyển mô hình sản xuất của Việt Quang ra xa Hà Nội về gần vùng nguyên liệu và biến cơ sở hiện tại thành một địa chỉ du lịch làng nghề giống mô hình đã gặp ở các nước bạn. Chia sẻ về ý tưởng này, ông Tĩnh cho biết, việc rời cơ sở sản xuất về gần vùng nguyên liệu, dồi dào nhân lực sẽ thuận tiện cho công việc sản xuất, kinh doanh... Còn việc biến cơ sở sản xuất hiện nay thành địa chỉ du lịch là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển du lịch làng nghề của TP. Hà Nội.
Theo vị doanh nhân, những chuyến đi thăm các mô hình làng nghề tại Nhật Bản, Thái Lan… khiến ông rất bất ngờ và đã tự đặt câu hỏi: Tại sao Việt Quang lại không thể học tập để trở thành một một địa chỉ du lịch làng nghề độc đáo, hấp dẫn? Muốn thế, sẽ phải đầu tư xây dựng khu trưng bày các mẫu sản phẩm tiêu biểu, độc đáo, mang đặc trưng của làng nghề Phú Vinh. Bên cạnh đó, sẽ phải tạo một không gian mở giúp du khách trải nghiệm quá trình làm ra sản phẩm để thỏa sức sáng tạo của mình.
"Chỉ khi du khách được đắm mình trong sáng tạo các sản phẩm, họ sẽ hiểu và thêm trân quý những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được tạo ra từ bàn tay người thợ, cũng như sẽ thêm yêu những giá trị văn hóa truyền thống đã được nối truyền từ bao thế hệ của người Hà Nội, của người Việt Nam", nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh tâm huyết chia sẻ.
Trò chuyện với doanh nhân – nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh:
- Theo ông, điều gì làm nên sức hấp dẫn của các sản phẩm mây tre đan Việt Quang?
Ngoài chất liệu mây, tre vừa mộc mạc, thân thiện và những họa tiết tinh tế đã được gìn giữ qua hàng trăm năm của làng nghề Phú Vinh, các sản phẩm của Việt Quang còn mang dấu ấn sáng tạo hết sức độc đáo và chính điều này đã làm nên sức hấp dẫn các khách hàng.
- Với sự xuất hiện của nhiều loại nguyên liệu thay thế, ông có nghĩ rằng đến một lúc nào đó người ta sẽ không còn cần đến các sản phẩm mây, tre đan như làng nghề Phú Vinh và Việt Quang đang làm?
Ở thời điểm hiện tại, các sản phẩm của làng nghề vẫn đang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khu vực Hà Nội và các địa phương lân cận. Ở một phân khúc khác, Việt Quang đang nhận các đơn hàng sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ kinh doanh khách sạn – nhà hàng, các sản phẩm trang trí nội thất. Theo tôi, chất liệu mây tre đan chứa đựng những giá trị riêng mà những vật liệu hiện đại khác khó có thể thay thế.
- Để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được thị trường quốc tế đón nhận như với sản phẩm của Việt Quang, theo ông các doanh nghiệp đến từ các làng nghề cần có những đổi mới gì?
Theo tôi đầu tiên là sự đổi mới trong sản phẩm, ngoài yếu tố văn hóa truyền thống, các sản phẩm phải chứa đựng những sáng tạo độc đáo, tính ứng dụng và giá trị thẩm mỹ cao. Về phía các doanh nhiệp, cần có những đổi mới trong giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại, qua trang web, page giới thiệu sản phẩm và cả bán hàng online.