Kỹ sư Hồ Quang Cua (bên trái) đã dành cả tâm huyết để nghiên cứu, khảo nghiệm và tìm ra những giống lúa chất lượng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ |
Nung nấu ước mơ từ phát hiện tình cờ
Những ngày gần cuối năm, có dịp về huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện cùng nhà khoa học - Anh hùng lao động - Kỹ sư Hồ Quang Cua, người đã dành cả tâm huyết để nghiên cứu, khảo nghiệm và tìm ra những giống lúa chất lượng cao.
Sinh ra trong một xã nghèo thuần nông, tốt nghiệp Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ rồi quay về quê làm ở phòng nông nghiệp huyện, sau được đề bạt làm Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, cả cuộc đời kỹ sư Hồ Quang Cua gắn với cây lúa. Không chỉ có ST25, ông còn có một “gia tài” đồ sộ các giống lúa dòng ST.
Nói về sự ra đời của các dòng lúa giống ST, ông Cua kể: “Một buổi sáng mùa đông năm 1996, tôi ra thăm đồng. Lúc đó, tôi chăm chú ngắm nghía hạt lúa VD 20 no tròn thì phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp. Không chần chừ, tôi lội xuống ruộng ngay và phát hiện được vật quý này xuất hiện là do những cá thể VD 20 đột biến đầu tiên”.
Phát hiện tình cờ ra khóm lúa lạ đó đã khiến ông bừng lên ước mơ, khát khao tạo ra các giống lúa thơm chất lượng cao, đưa lúa thơm Việt Nam lên bản đồ lúa gạo cao cấp thế giới.
Còn nhớ, thời điểm đó, Thái Lan công bố đã lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng. Tại các kỳ thi gạo ngon thế giới, gạo Thái Lan lúc nào cũng trong top đầu. Ông Cua đã trăn trở suy nghĩ: “Tại sao họ làm được còn mình lại không?”. Dự án nghiên cứu giống lúa ST đã ra đời như vậy.
Từ buổi sáng thăm đồng đó đến nay đã 25 năm, ông cùng các cộng sự thu thập khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất.
“Khởi nghiệp mất 1/4 thế kỷ chắc ít bạn trẻ nào dám làm”, ông Cua cười khi nói về chặng đường nghiên cứu ra giống lúa ST25 nức danh thế giới của mình.
Từ gạo Bãi Xàu vang bóng trăm năm trước đến ST25 nổi danh năm châu
Ít ai biết, đất Mỹ Xuyên, nơi kỹ sư Cua sinh ra từng là cảng Bãi Xàu - cảng biển quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Cách đây khoảng 100 năm, Bãi Xàu nổi danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh không chỉ bởi đây là thương cảng lớn nhất phía Nam, mà còn vì giống gạo Bãi Xàu ngon nức tiếng. Với đặc tính giống lúa hạt nhỏ, dài, gạo Bãi Xàu khi đó đã được thương lái quốc tế săn lùng, nổi danh ở các thị trường quốc tế như Hương Cảng (Trung Quốc) và các nước châu Âu.
Gạo thơm Sóc Trăng (ST), đặc biệt là giống lúa ST24, ST25 của ông Cua ngày nay chính là là “hậu duệ” hoàn hảo của gạo Bãi Xàu, Gò Công nức tiếng một thời.
Hành trình để tạo ra hạt gạo ST25 ngon nhất thế giới không hề đơn giản. Năm 1996, kỹ sư Hồ Quang Cua bắt đầu nghiên cứu giống lúa ST, mãi đến năm 2001 mới có quả ngọt đầu tiên: giống lúa ST3 thơm ngon được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét đặc cách công nhận là giống lúa quốc gia. Sau đó, những giống lúa mang họ ST lần lượt ra đời - chúng tạo nên những điểm nhấn quan trọng cho đồng đất, lại được thị trường đánh giá cao. Chẳng hạn, năm 2008, 2 giống ST19 và ST20 được thị trường tiêu thụ với giá 6.000 đồng/kg lúa tươi - kỷ lục trên thị trường lúc đó.
“Ban đầu là làm chơi thôi, từ từ nó thành thiệt, trình độ mình cũng được từng bước nâng cấp”, ông Cua vui vẻ nói.
Việc thiếu trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ và nhất là tiêu chuẩn về giống lúa thơm của Việt Nam khi đó là một trở ngại lớn đối với ông Cua và các cộng sự. Tuy nhiên, niềm đam mê nghiên cứu cháy bỏng và sự “nặng lòng” với cây lúa quê khiến cho ông Cua không chùn bước, trong cái khó ló cái khôn.
Ông Cua chia sẻ: “Lúc đó hết cách, chúng tôi mượn tạm tiêu chí lúa thơm của Thái Lan để thực hiện”. Tuy nhiên, học hỏi và có chọn lọc, năm 2003, ông Cua cùng hai cộng sự là TS. Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương tiếp tục tìm giải pháp thực hiện. Bằng phương pháp đánh giá mùi thơm nhanh chóng và hiệu quả của TS. Phương phát minh ra, ông Cua cùng cộng sự loại ra những giống lúa ST không đạt chuẩn mùi thơm rất nhanh.
Cho đến nay, ông Cua và nhóm nghiên cứu đã tạo ra được bộ sưu tập hơn 20 giống lúa ST. Riêng ST24 và ST25 - hai giống gạo đoạt các giải thưởng quốc tế lớn năm 2019 - là các giống lai phức hợp nhiều giống, chọn bố mẹ ngon để cho con lai thụ hưởng các đặc tính tốt.
“Gạo của hai giống lúa này có chu kỳ sản xuất ngắn với cùng 95 ngày. Hai giống lúa như anh em sinh đôi, cùng thơm, trắng, đẹp, nhưng ST25 hạt cơm dẻo hơn ST24”, ông Cua say sưa nói về hai giống lúa của mình.
Năm 2019, không chỉ ST25 được vinh danh “gạo ngon nhất thế giới” tại Hội thi Lúa gạo quốc tế tổ chức tại Manila (Philippines) tháng 11/2019, mà trước đó, giống ST24 cũng mang lại vinh quang cho “cha đẻ” Hồ Quang Cua khi lọt top 3 loại gạo ngon nhất tại Hội nghị quốc tế lần 9 về mua bán gạo, do Tổ chức The Rice Trader (Tổ chức Thương mại gạo) tổ chức tại Ma Cao tháng 11/2017.
Niềm vui như vỡ òa, ông Cua và TS. Trần Tấn Phương cho biết: “Duy trì vị thế hiện tại của gạo ST là ưu tiên hàng đầu. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi sẽ tiếp tục lai tạo, phát triển ra những giống mới nhằm đa dạng giống lúa cho thị trường gạo trong nước”.
Rạng danh hạt gạo Việt Nam
Giống một nông dân chính hiệu hơn là một nhà khoa học, kỹ sư Hồ Quang Cua tự nhận là “nhà khoa học nông dân”, chứ không phải nhà khoa học hàn lâm trong các viện nghiên cứu. Niềm vui lớn nhất của nhà khoa học ruộng đồng này là thấy các giống lúa mình làm ra được người tiêu dùng đón nhận, người nông dân sản xuất có hiệu quả cao.
Khi giống gạo ST25 được vinh danh trên toàn thế giới, người tiêu dùng trong nước vô cùng háo hức tìm mua khiến kỹ sư Cua vô cùng xúc động.
“Hóa ra, người tiêu dùng trong nước không hề sính ngoại. Trước đây, nhiều người chỉ mua gạo Thái, gạo Campuchia chẳng qua là do Việt Nam chưa có hạt gạo nào được công nhận có đẳng cấp trên thế giới, trong khi Thái Lan, Campuchia đã nhiều lần được vinh danh rồi. Việc người tiêu dùng trong nước rủ nhau tìm ST25 đã đánh thức được tinh thần người Việt dùng hàng Việt. Anh em tôi cũng phấn khởi bảo nhau, mệt đến cỡ nào cũng phải cố gắng”.
Với những công trình nghiên cứu của mình, ông Hồ Quang Của đã làm “rạng danh” cho ngành lúa gạo Việt Nam, chắp cánh cho hạt gạo Việt Nam bay cao ra thế giới.
Nói về ông Cua, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện không khỏi tự hào: “Ông Hồ Quang Cua đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động bởi ông có công lao rất lớn trong việc nghiên cứu các giống lúa thơm xuất khẩu có giá trị cao. Giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới là thành quả ghi nhận quá trình nghiên cứu đầy tâm huyết của ông Hồ Quang Cua và cộng sự. Thành quả này đóng góp rất lớn cho việc xây dựng thương hiệu gạo của Sóc Trăng nói riêng và gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế nói chung”.
Mong ước của ông Cua hiện nay là làm sao bảo vệ được thương hiệu của ST25 cũng như tận dụng cơ hội vàng để xây dựng lại thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, hướng tới định vị phân khúc gạo cao cấp, chất lượng cao.
“Đối với ngành gạo, Nhà nước Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm về xây dựng và quản lý thương hiệu gạo thơm, nên chúng ta cần xúc tiến nhanh, tránh việc tự phát, hiểu sai, làm sai, dần dần trở thành khó sửa và mất đi cơ hội bứt phá khỏi nhóm gạo giá rẻ”, ông Cua trăn trở.