10 tháng 2019, Việt Nam đã xuất khẩu gần 2 triệu tấn gạo, trị giá 800 triệu USD sang Philippines. |
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2019 tăng 4,9% về lượng so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,51 triệu tấn, nhưng kim ngạch lại giảm 8,8%, đạt 2,41 tỷ USD.
Điểm khác biệt về cơ cấu thị trường xuất khẩu chính yếu của ngành lúa gạo trong năm 2019 có sự thay đổi đáng kể, khi Philippines từ vị trí thứ 2 trong năm 2018 đã "qua mặt" Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất, với sản lượng gạo xuất khẩu 1,94 triệu tấn, trị giá 800,25 triệu USD.
Bờ Biển Ngà từ vị trí thứ 3 đã vươn lên ngôi vị thứ 2, với sản lượng 517.197 tấn, trị giá 223,05 triệu USD, tăng 144% về lượng và tăng 83% về kim ngạch.
Từ vị trí dẫn đầu trong năm 2018, sau 10 tháng 2019, Trung Quốc chỉ còn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, với sản lượng 427.546 tấn, tương đương 212 triệu USD, giảm lần lượt so với cùng kỳ 65,4%, 66,7%.
Mức giá xuất khẩu sang 3 thị trường chủ lực kể trên cũng có khoảng cách khá xa nhau. Dù xuất gần 2 triệu tấn sang Philippines, nhưng giá xuất khẩu trung bình chỉ đạt 411,8 USD/tấn, Bờ Biển Ngà 431,3 USD/tấn và xuất sang Trung Quốc đạt 495,9 USD/tấn.
Như vậy, sau 10 tháng năm 2019, giá gạo xuất khẩu cũng chứng kiến sự tụt dốc mạnh so với cùng kỳ, với giá trung bình chỉ còn 437,9 USD/tấn, giảm 13%.
Năm 2018, gạo được đánh giá là điểm sáng của nhóm hàng nông thủy sản khi đây là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất về kim ngạch và giá duy trì ở mức cao trong suốt cả năm. Cụ thể, xuất khẩu đạt 6,12 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm 2017, trị giá đạt khoảng 3,06 tỷ USD, tăng 16,3%. Giá xuất khẩu bình quân ở mức 501,0 USD/tấn, tăng 10,7%, tương đương mức tăng ấn tượng là 48 USD/tấn so với giá xuất khẩu năm 2017.
Nhưng sang năm 2019, giá gạo xuất khẩu đã không còn giữ được "phong độ" như năm trước nữa. Sản lượng tăng nhưng giá trị thu về lại giảm đáng kể do nhiều nước nhập khẩu gạo lớn đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo như: Thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo; Thay đổi phương thức nhập khẩu gạo cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn; Các nước nhập khẩu cũng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực.
Các động thái và tình hình trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua.
Trong đó, thị trường lớn nhất trong năm 2018 là Trung Quốc đã siết chặt các quy định nhập khẩu gạo từ Việt Nam, đồng thời với việc giảm sản lượng nhập lẫn ép giá lên các đơn hàng. Những động thái này đã tác động trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành lúa gạo từ đầu năm đến nay.