Khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn,giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. |
Xuất khẩu gạo 10 tháng giảm 9,1% giá trị
Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho thấy: Khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn, tương đương giá trị 2,43 tỉ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng chỉ ở mức 435,6 USD/tấn, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân do lượng gạo tồn kho trên thế giới lớn, trong khi đó gạo đến từ các thị trường Thái Lan, Ấn Độ được bán ở mức giá cạnh tranh hơn.
Gạo xuất khẩu của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, như Thái Lan và Ấn Độ, Campuchia, Myanmar.
Hiện tại, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đang giảm mạnh cả về số lượng và giá trị do Trung Quốc điều chỉnh chính sách thương mại, đa dạng hóa nguồn gạo nhập khẩu, tăng nhập khẩu gạo từ Myanmar và Campuchia, đồng thời siết chặt các quy định về chất lượng và an toàn, cho phép xả kho gạo ở một vài thời điểm nhất định.
TS Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đánh giá thị trường xuất khẩu gạo năm 2019 gặp nhiều khó khăn khi các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh đều giảm nhập khẩu.
“Hiện nay có thêm các nước tham gia cung cấp gạo cho Trung Quốc. Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác. Đồng thời, có những thời điểm Trung Quốc tiến hành xả kho gạo dự trữ. Bên cạnh đó, vấn đề còn là một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc chưa đạt được kiểm tra an toàn chất lượng… Những điều này ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc”,Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.
Với mức lỗ hơn 73 tỷ đồng trong 9 tháng qua, lỗ lũy kế của Vinafood II đã nâng lên mức gần 2.043 tỷ đồng. |
Nhiều doanh nghiệp sụt giảm doanh thu, lợi nhuận
9 tháng qua, trong bối cảnh xuất khẩu gạo gặp khó khăn gây ảnh hướng không nhỏ đến các doanh nghiệp trong ngành. Hầu hết, những doanh nghiệp sản xuất gạo hàng đầu Việt Nam đều rơi vào tình hình kinh doanh ảm đậm, tình hình tài chính sụt giảm.
Đầu tiên phải nói đến ông lớn Vinafood II (UpCoM: VSF) chịu cảnh kinh doanh thua lỗ khi mà hoạt động xuất khẩu trầm lắng và tiêu thụ nội địa cũng chậm lại.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 mới công bố, luỹ kế 9 tháng,Vinafood II lỗ hơn 73 tỷ đồng do lợi nhuận gộp kiếm được (hơn 1.177 tỷ đồng) không đủ bù đắp chi phí hoạt động (1.335 tỷ đồng).
Giải trình về mức lỗ này, Vinafood II cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình giao dịch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng qua trầm lắng và tiêu thụ nội địa cũng chậm, nhu cầu rất yếu, giá chào người mua đưa ra rất thấp so với giá thành sản xuất.
Với mức lỗ hơn 73 tỷ đồng trong 9 tháng qua, lỗ lũy kế của Công ty nâng lên mức gần 2.043 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của VSF tiếp tục giảm còn hơn 3. 274 tỷ đồng.
Bên cạnh Vinafood II, một số doanh nghiệp gạo khác như Lộc Trời và Xuất Nhập khẩu Kiên Giang (Kigimex),Vinaseed (HOSE: NSC)...cũng đón nhận kết quả kinh doanh qúy 3/2019 và 9 tháng suy giảm.
Về Lộc Trời (UpCoM: LTG), tính riêng mảng gạo thì doanh thu quý 3/2019 là 845 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tỷ lệ giá vốn trên doanh thu mảng này lại tăng từ 90,6% lên mức 96,7%.
Các mảng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và giống (chủ yếu là giống lúa) của Lộc Trời cũng chịu ảnh hưởng khi doanh thu giảm lần lượt 2,5% và 12% so với cùng kỳ, đạt 890 tỷ đồng và 184 tỷ đồng trong quý.
Còn Vinaseed (HOSE: NSC), doanh nghiệp giống (chuyên về lúa) lớn của Việt Nam, cũng tham gia sản xuất gạo nhưng tập trung vào sản phẩm có thương hiệu phục vụ thị trường nội địa, chưa tham gia nhiều vào hoạt động xuất khẩu.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, doanh thu và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) qúy 3/2019 của Vinaseed lần lượt giảm 21% và 49% so với cùng kỳ năm trước.
Trong giữa bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều thử thách, vẫn có một số điểm sáng cần kể đến như Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR). Nhìn tổng thể 9 tháng đầu 2019, doanh thu của Trung An cũng suy giảm khi hoạt động xuất khẩu vào Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, lợi nhuận của Trung An vẫn tăng trưởng nhờ việc đẩy mạnh bán hàng tại thị trường nội địa thông qua chuỗi bán lẻ gần 20 cửa hàng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng bán cho các đối tác như VinEco, VinCommerce, các hệ thống trường học,...
Tỷ trọng doanh thu nội địa trong 9 tháng đầu năm nay của Trung An là trên 76%, trong khi cùng kỳ năm trước ở mức 54%. Đây cũng là lý do mà trong qúy 3 năm nay, doanh thu Công ty giữ được mức xấp xỉ cùng kỳ.
Với việc triển khai hệ thống cánh đồng mẫu lớn 50.000 ha và 800 ha gạo Organic, Trung An kỳ vọng kết quả kinh doanh sắp tới sẽ khả quan hơn khi thị phần gạo Organic của Công ty vẫn đang tăng ổn định.
Tương tự như Trung An, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex – HOSE: AMG) là đơn vị báo lãi ròng quý 3 tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước, nhờ cải thiện được biên lợi nhuận gộp mảng gạo.
Tính chung 9 tháng, dù doanh thu suy giảm 16% so với cùng kỳ xuống còn 1.029 tỷ đồng, việc tỷ lệ giá vốn/doanh thu giảm từ 93,8% xuống còn 91,9% góp phần giúp lãi ròng Angimex tăng trưởng đến 43%, đạt 31 tỷ đồng.
Về tiến độ thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2019, sau 3 quý 2019 kinh doanh, đa phần doanh nghiệp ngành gạo vẫn còn cách khá xa so với các chỉ tiêu đặt ra cả năm.