Xuất khẩu gạo “bốc hơi” 300 triệu USD. |
Giá xuất khẩu lao dốc
Sản lượng lúa gạo xuất khẩu 8 tháng năm 2019 của Việt Nam dẫu tăng 0,3%, đạt 4,54 triệu tấn, nhưng giá trị thu về chỉ đạt 2 tỷ USD, giảm tới 14,2% so với cùng kỳ năm 2018, tương đương mức giảm gần 300 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu đi xuống tại những thị trường chủ lực, kèm theo nhiều điều kiện ngặt nghèo từ Trung Quốc - thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, cùng với hạt điều, gạo là hàng nông sản có mức giảm giá xuất khẩu bình quân rõ nhất từ đầu năm đến nay. Cụ thể, giá xuất khẩu gạo trung bình 8 tháng năm 2019 khoảng 432,5 USD/tấn, giảm gần 15% so với cùng kỳ năm 2018
Giá gạo giảm không chỉ với riêng đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam, mà ngay cả Thái Lan - quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới, cũng lo ngại sự đi xuống của giá gạo sẽ ảnh hưởng tới việc hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu.
“Thái Lan đang gặp khó trong xuất khẩu gạo. Đầu năm 2019, chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo, thấp hơn so với mức 11 triệu tấn năm 2018. Tuy nhiên, hiện tại, để đạt được 9 triệu tấn gạo xuất khẩu cũng là điều khó khăn do sự đi xuống về giá”, ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan lo ngại.
Cần phải nói thêm, từ năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đã có sự sụt giảm về giá, với mức giảm tới 33%, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc trong cả năm 2018 còn xấp xỉ 700 triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số hơn 1 tỷ USD của năm 2017. Trong bối cảnh hiện tại, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc sẽ ngày càng khó khăn.
Vượt rào cản
Theo các doanh nghiệp, nhu cầu về gạo của Trung Quốc vẫn khá cao, nhưng các nhà nhập khẩu khó mua hàng từ Việt Nam, vì những rào cản kỹ thuật mới mà Chính phủ nước này vừa áp đặt. Ngoài thuế xuất khẩu tăng, yêu cầu nâng cao chất lượng, tăng kiểm soát hàng hóa và kiểm tra về an toàn thực phẩm là những yếu tố khiến xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc sụt giảm mạnh.
Nhấn mạnh Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính, khi những quy định về điều kiện nhập khẩu ngày càng ngặt nghèo, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước phải thay đổi, nâng cao chất lượng, kiểm soát những quy định theo Hiệp định Áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS), Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu… cũng như làm quen với các thủ tục giấy tờ theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Những năm gần đây, thương mại toàn cầu trong ngành gạo đã thay đổi nhanh chóng. Bộ Công thương cho hay, các nước như Myanmar, Campuchia, Pakistan… đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu.
Riêng Trung Quốc, không chỉ là nước nhập khẩu gạo lớn nhất, mà cũng gia nhập “câu lạc bộ” xuất khẩu gạo lớn của thế giới. Các động thái trên làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed cho rằng, hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật (chế biến, bảo quản gạo, chất lượng sản phẩm gạo….) là những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt khi xuất khẩu gạo.
“Ở Việt Nam hiện nay, rất ít doanh nghiệp đảm bảo hệ thống thiết bị, hạ tầng cho khâu chế biến, bảo quản gạo đồng bộ, đạt chuẩn. Chưa kể, xuất khẩu gạo nói riêng và xuất khẩu nông sản nói chung rất nhiều rủi ro, từ rủi ro dịch bệnh, thời tiết và khí hậu, đến rủi ro trong đầu ra xuất khẩu”, ông Báo nhận xét.
Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có sự chuyên môn hóa và hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp ở các khâu nghiên cứu phát triển giống gạo, chế biến, xuất khẩu gạo thành phẩm... Trong khi đó, phát huy lợi thế chuyên môn hóa, hợp tác và phát triển mới là con đường giúp gạo Việt Nam giải bài toán giá thành, chất lượng để thành công trên sân chơi thương mại toàn cầu.
Thay đổi sản xuất, cơ cấu lại mặt hàng, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ các thị trường nhập khẩu là đường đi bắt buộc với ngành lúa gạo và các doanh nghiệp. Ở bình diện ngành, ông Toản cho rằng, việc siết chặt truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc thời gian gần đây là hoàn toàn hợp lý, bởi đó là xu hướng, là yêu cầu của người tiêu dùng không chỉ ở Trung Quốc, mà ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.
Chính vì vậy, đây là lúc nông dân và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau để sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường yêu cầu.
- TS. Đào Việt Anh, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc