Thực phẩm cao cấp theo chân ông lớn vào Việt Nam
Với tình hình kinh tế khả quan, mức thu nhập gia tăng và sự mở cửa chính sách, nhiều nhà bán lẻ ngoại đã xâm nhập vào thị trường Việt Nam như GS25, E-mart, 7- Eleven, Annam Gourmet Market… Cùng với đó, hàng hóa nhập khẩu, trong đó có thực phẩm tươi sống, đóng hộp cao cấp… cũng “tràn” vào thị trường Việt nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao của người tiêu dùng.
Trái cây nhập khẩu được bày bán tại các siêu thị và được nhiều người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. |
Ghi nhận từ thị trường, nhóm thực phẩm nhập khẩu cao cấp rất đa dạng, từ sản phẩm thịt, cá, trái cây, đến gia vị, đồ hộp, bánh kẹo... Tại chuỗi siêu thị Annam Gourmet Market, hiện có trên 12.000 loại sản phẩm thực phẩm nhập khẩu và nội địa.
Vyggys Specially Food cũng là một thương hiệu thực phẩm ngoại tươi sạch, cao cấp. Hiện Vyggys Specially Food kinh doanh trên 10.000 loại thực phẩm, gồm thịt, cá tươi sống, đông lạnh, trái cây, các loại hạt khô, nước giải khát… Các sản phẩm của cửa hàng nhập khẩu chủ yếu từ Australia, New Zealand, Mỹ. Bên cạnh đó, Vyggys Specially Food cũng cung cấp sản phẩm có nguồn gốc trong nước với trên 150 loại rau tươi giống ngoại được chính chủ cửa hàng trồng tại trang trại ở Đà Lạt.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Vyggys Specially Food cho biết, sản phẩm bán tại cửa hàng đều có chứng nhận thực phẩm an toàn, chất lượng cao (kể cả rau, củ, quả trồng tại Việt Nam). Trước đây, khách hàng của Vyggys Specially Food chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn xếp hạng sao và hệ thống bếp ăn của sân bay Tân Sơn Nhất. Đến nay, đối tượng khách của cửa hàng được mở rộng hơn, lượng khách lẻ chủ yếu là người Việt thuộc phân khúc trung lưu trở lên.
Người Việt chịu chi
Tại nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm cao cấp, ngoài thành phần người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, phần lớn người tiêu dùng Việt là những người có thu nhập từ khá trở lên
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng thực phẩm nhập khẩu cũng cho biết, với những khách hàng có thu nhập cao, ngoài yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn cho sức khỏe , thì những thực phẩm cao cấp này còn phải bắt mắt về hình thức, mẫu mã, có hương vị hấp dẫn, đa dạng…
Thực tế, thời gian qua, người tiêu dùng trong nước đã rất chịu chi cho những loại trái cây nhập khẩu vừa ngon, vừa lạ, có hình thức đẹp với mức giá đắt đỏ như dâu tây trắng, xoài đỏ... Gần đây, khách hàng cao cấp rất ưa chuộng loại nho mẫu đơn, giống nho ngon nhất nhì thế giới.
Bà Minh Hương, đại diện doanh nghiệp kinh doanh hoa quả nhập khẩu tại Hà Nội cho biết, loại nho này có xuất xứ từ Nhật Bản, không hạt, màu xanh, quả to và chắc, bên ngoài có một lớp phấn nhung trắng, vị thơm ngọt. “So với các loại nho nhập khẩu từ Australia hay Mỹ, nho mẫu đơn ngọt hơn, ăn cả vỏ cũng vẫn ngọt, chứ không hề có vị chát”, bà Hương nói.
Cùng với trái cây, thời gian qua, các sản phẩm nhập khẩu độc và lạ cũng có xu hướng “lên ngôi”, được nhiều người tiêu dùng “sành điệu” săn lùng, đơn cử như nấm hương Nhật. Nếu như nấm hương trong nước chỉ khoảng hơn 100.000 đồng/kg tùy loại, thì nấm hương nhập khẩu từ Nhật Bản đang bán trên thị trường có giá lên đến 8,6 triệu đồng/kg.
Là chủ doanh nghiệp thực phẩm sạch (Tây Hồ, Hà Nội) đã kinh doanh nấm hương Nhật Bản từ năm 2017, bà Nguyễn Hương Giang chia sẻ, ban đầu, Công ty chỉ nhập mỗi lần vài kilogam để bán thử, vì nấm Nhật Bản có giá khá đắt, nhưng đến nay, nhiều khách hàng đã quen và rất ưa chuộng sản phẩm.
Có thể thấy, dù đắt đỏ, nhưng thực phẩm ngoại vẫn đang có sức hút đặc biệt với người tiêu dùng Việt, nhất là khách có thu nhập khá trở lên. Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam là một trong những yếu tố tạo ra dư địa đầy tiềm năng cho thị trường thực phẩm nhập khẩu cao cấp trong thời gian tới.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tầng lớp trung lưu bao gồm các hộ gia đình có mức chi phí tiêu dùng hàng ngày vào khoảng 10 USD - 100 USD/người. Công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu của Hoa Kỳ Nielsen ước tính, tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ đạt 44 triệu người vào năm 2020 và 95 triệu người vào năm 2030.