Đầu tư và cuộc sống
Nguồn lực đầu tư cho các ngành công nghiệp văn hóa còn dàn trải, chưa có trọng tâm
Nguyễn Linh - 22/12/2023 15:45
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, mặc dù dư địa còn nhiều nhưng việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn đang đối mặt nhiều bất cập và thách thức.

Còn nhiều dư địa phát triển

Trình bày báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sáng 22/12, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt trong gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong kinh tế ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực để phát triển đất nước”.

Đặc biệt, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Báo cáo trung tâm tại Hội nghị.

Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 xác định các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực, mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội; đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm.

Sau 3 năm triển khai Chiến lược, năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Thống kê cho thấy Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn thừa nhận, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều bất cập và thách thức.

Thứ nhất, hiện tại vẫn chưa có văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa. Đồng thời, còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.

Thứ hai, nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Thêm nữa, nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa thiếu về số lượng và chất lượng. Chưa có chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. 

Thứ ba, nội dung, hình thức các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa (phần mềm, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, kiến trúc, thời trang…) chưa thực sự khai thác được hết các đặc trưng văn hóa bản địa để tạo sự độc đáo, riêng có trong các sản phẩm, dịch vụ qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách hàng trong nước và quốc tế.

Thứ tư, việc vi phạm và xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thời gian qua đã tác động trực tiếp đến những người làm sáng tạo, đồng thời gây cản trở cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ...

Khơi thông nguồn lực 

Để công nghiệp văn hoá Việt Nam nhanh chóng bứt tốc trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, khơi thông nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế, như chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, doanh nghiệp khởi nghiệp

Cùng với đó, phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Điển hình, hai đêm concert của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink vào cuối tháng 7/2023 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã bán ra 67.443 vé, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Tổng doanh thu mang về gần 13,7 triệu USD (tương đương hơn 331 tỷ đồng), cao kỷ lục trong lịch sử tổ chức sự kiện giải trí tại Việt Nam. Những con số ấn tượng là minh chứng cho thấy văn hoá không chỉ dừng lại ở giải trí mà chính là động lực phát triển của nền kinh tế.

Với gần 80 triệu người dùng internet và tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn đưa các giá trị văn hóa vào đời sống, làm cho ai cũng có thể sáng tạo, hưởng thụ văn hóa. 

 Đạo diễn Hoàng Nhật Nam phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Cũng tại Hội nghị, đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho rằng: “Trong công cuộc khơi thông nguồn lực cho các ngành công nghiệp văn hoá thời gian tới, cần nhấn mạnh vai trò của lớp trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Sự chủ động trong cách tiếp cận, đóng góp vào công cuộc sáng tạo, tiếp thị, quảng bá văn hóa là vô cùng cần thiết. 

“Phát triển công nghiệp văn hóa cần được gắn kết giữa lợi ích kinh tế và văn hóa. Để chuyển hóa nguồn “tài nguyên mềm” văn hóa thành những sản phẩm trên thị trường, cần hiện đại hóa cơ chế đầu tư tài chính trong công nghiệp văn hóa. Trong đó, chú trọng phát triển nhân tài cũng là giải pháp quan trọng”, đạo diễn Hoàng Nhật Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh việc tiến tới hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời các nút thắt, Nhà nước cũng cần đưa ra các cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp văn hóa.

Cùng với đó, tập trung xây dựng mạng lưới doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh như phần mềm, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn… để tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa có chất lượng cao tham gia thị trường văn hóa trong nước và quốc tế.

Bổ sung chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, để trên cơ sở dữ liệu này, có chính sách đầu tư, lộ trình phát triển phù hợp đối với toàn ngành công nghiệp văn hóa nói chung và từng ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.

"Quá trình triển khai đòi hỏi sự phối hợp chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các lĩnh vực trong công tác quy hoạch, xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa...", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác