Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương |
Thứ nhất, phải xác định, chủ động, tích cực tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với toàn bộ hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội.
Phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ các nội hàm và bản chất của cuộc cách mạng này, để có quyết tâm trong đổi mới tư duy, đổi mới hành động.
Có thể xem đây là khâu đột phá, có ý nghĩa tích cực đến việc thực hiện thắng lợi chủ trương chủ động, tích cực tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ hai, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến cả cơ hội và thách thức cho chúng ta. Trong đó, xác định cơ hội là chủ đạo. Tuy nhiên, phải chủ động, tích cực phòng ngừa, ứng phó với tất cả tác động tiêu cực, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, an toàn, công bằng xã hội và phát triển bền vững của đất nước.
Thứ ba, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi phải có đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để xây dựng thể chế cho phù hợp, phải có cách tiếp cận mở, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng các cơ chế thí điểm đối với các vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra. Tạo mọi điều kiện cho hoạt động đổi mới, sáng tạo. Kiên quyết đấu tranh với các tư tưởng bàng quan, thờ ơ, thụ động, nhưng đồng thời cũng không được chủ quan, nóng vội, duy ý chí.
Thứ tư, huy động mọi nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, cả trong nước và quốc tế, đáp ứng đủ nguồn lực cho việc chủ động, tích cực tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, các nguồn lực trong nước có vai trò quyết định, các nguồn lực nước ngoài đóng vai trò quan trọng. Đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.