Sau khi đầu tư nâng cấp, Cảng hàng không Côn Đảo dự kiến có thể khai thác tới 2 triệu lượt hành khách/năm. Ảnh: A.M |
Nhiều đầu mối
Sự sốt ruột là điều có thể nhận thấy trong Thông báo số 332/TB-BGTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn tại cuộc họp về tiến độ triển khai, rà soát quy hoạch và hiện trạng, dự kiến kế hoạch sử dụng đất các dự án thành phần tại Cảng hàng không Côn Đảo.
“Trong thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đi/đến Côn Đảo, Bộ GTVT đã thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương triển khai các dự án. Tuy nhiên, đến nay, các chủ đầu tư vẫn chưa chủ động, tích cực; công tác phối hợp giữa các đơn vị còn chưa đồng bộ, tiến độ không đáp ứng yêu cầu. Yêu cầu chủ đầu tư các dự án thành phần nghiêm túc rút kinh nghiệm”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cần phải nói thêm, những thông tin được đề cập trong thông báo trên chưa phản ánh mức độ chệch choạc trong việc triển khai các dự án thành phần thuộc Dự án Nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo.
Cụ thể, theo Quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo đã được phê duyệt tại Quyết định số 1533/QĐ-BGTVT ngày 17/8/2021, trong giai đoạn đến năm 2030, cần triển khai đồng bộ 4 nhóm dự án thành phần, gồm: Công trình đường cất hạ cánh, đường lăn do Cục Hàng không Việt Nam được giao làm chủ đầu tư; công trình quản lý bay (Đài kiểm soát không lưu, hệ thống AWOS) do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đầu tư; công trình xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách và hạ tầng dùng chung, dự kiến do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư; kho xăng dầu hàng không triển khai thực hiện theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Cho đến thời điểm này, Bộ GTVT mới xác định chắc chắn được chủ đầu tư của 2/4 dự án thành phần, gồm công trình đường cất hạ cánh, đường lăn và công trình quản lý bay.
Trong số này, Dự án Công trình đường cất hạ cánh, đường lăn được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư 1.680 tỷ đồng, sẽ do Cục Hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư; đơn vị thực hiện quản lý dự án là Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT).
Theo kế hoạch, Dự án Công trình đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Côn Đảo sẽ phải phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 10/2022; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công vào tháng 3/2023; khởi công công trình vào tháng 6/2023; hoàn thành đưa công trình vào khai thác trong tháng 12/2024.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 8/2022, Cục Hàng không Việt Nam chưa phê duyệt được phương án khảo sát bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa lựa chọn được nhà thầu lập Báo cáo tác động môi trường. Điều này khiến mục tiêu phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án vào tháng 10/2022 là không thể thực hiện được, trong khi đây là một trong những đường găng tiến độ quan trọng của công trình.
Đề xuất phân kỳ đầu tư sân đỗ
Hiện ẩn số lớn nhất đối với Dự án Nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo là việc xác định đơn vị đầu tư xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách và hạ tầng dùng chung.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 48, Nghị định số 05/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, các công trình thiết yếu tại cảng hàng không Việt Nam, ACV trong vai trò là nhà khai thác hiện hữu có trách nhiệm đầu tư các công trình này.
Vào đầu tháng 4/2022, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đại diện chủ sở hữu Nhà nước nắm 95,4% vốn điều lệ tại ACV) đề nghị bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu tại Cảng hàng không Côn Đảo thuộc trách nhiệm đầu tư của ACV.
Đến tháng 5/2022, ACV có văn bản gửi Bộ GTVT, trong đó xác nhận các công trình thiết yếu tại Cảng hàng không Côn Đảo sẽ chỉ được ACV triển khai đầu tư giai đoạn 2026-2030. Trường hợp Nhà nước xác định dự án phải triển khai ngay trong giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương, ACV kiến nghị xem xét huy động nguồn vốn đầu tư khác. Trường hợp giao ACV thực hiện nhiệm vụ chính trị đầu tư, ACV sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đến giữa tháng 8/2022, ACV đệ trình Bộ GTVT phương án mở rộng nhà ga hiện hữu, nâng tổng diện tích lên khoảng 6.340 m2 và bố trí dây chuyền hàng không đáp ứng công suất 800 lượt hành khách/giờ cao điểm (có thể khai thác lên 2 triệu lượt hành khách/năm, đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2030). Tổng mức đầu tư của phương án này là khoảng 560 tỷ đồng, bao gồm cải tạo nhà ga và sân đỗ. Riêng hạng mục sân đỗ, ACV dự kiến phân kỳ theo 2 giai đoạn, giai đoạn I xây dựng 5 vị trí đỗ cho máy bay Code C tại khu vực số 2 (khu vực giữa).
Tuy nhiên, phương án này của ACV mới chỉ là dự kiến do chưa được sự phê duyệt của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao Bộ GTVT, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xem xét đầu tư Dự án Nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo theo hướng: đầu tư đồng bộ nhà ga, sân đỗ, đường băng, tránh làm đi làm lại nhiều lần; xem xét, đề xuất thực hiện dự án theo phương thức PPP.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc ACV đề xuất phương án mở rộng nhà ga hiện hữu, xây dựng sân đỗ mới chỉ bảo đảm 5 vị trí đỗ là chưa phù hợp với quy hoạch điều chỉnh đã được Bộ GTVT phê duyệt.
“Để bảo đảm hệ thống kết cấu hạ tầng của Cảng hàng không Côn Đảo sớm hoàn thành đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không của địa phương, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất chủ trương đầu tư đồng bộ nhà ga, sân đỗ, đường băng theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.