Ngân hàng
Nguy cơ “nợ ngập đầu” của người trẻ
Hà Tâm - 26/05/2024 11:31
Dùng thẻ tín dụng vô tội vạ, vay nóng từ các app cho vay trực tuyến…, thói quen phóng tay chi tiêu đang khiến nhiều người trẻ rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Một bộ phận giới trẻ đang ngập trong nợ do thói quen sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm không kiểm soát. Ảnh: shutterstock

Vay nợ ngày càng thoáng với giới trẻ

“Thế hệ 8x trở về trước vẫn giữ thói quen khá cẩn trọng trong việc chi tiêu, tiết kiệm, nhưng đa số người trẻ hiện nay ngày càng cởi mở hơn về thói quen chi tiêu và trải nghiệm cuộc sống”, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT nhận xét.

Số liệu về phân bổ chi tiêu trong các gia đình trung lưu do FIDT thực hiện trên 300 khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập của người trên 35 tuổi cao hơn 10-15% so với người trẻ dưới 35. Bên cạnh đó, khả năng đón nhận và thích ứng với công nghệ và xu hướng mới tốt hơn cũng giải thích cho việc có đến 89% người trẻ tại các thành phố lớn sở hữu thẻ tín dụng, so với 40% của những người trên 30 tuổi.

Thực tế hiện nay, một bộ phận giới trẻ (20-30 tuổi) đang ngập trong nợ nần do thói quen mua trước trả sau, từ mua sắm đồ gia dụng, đồ điện tử đến vui chơi, du lịch, giải trí… đều sử dụng thẻ tín dụng. Nhiều người có trong tay 3-4 thẻ tín dụng, bị cám dỗ bởi các khoản chi tiêu, sau đó rơi vào vòng luẩn quẩn lương không đủ trả nợ thẻ tín dụng, sau đó lại quẹt thẻ (vay nợ) tiếp để chi tiêu.

Các cố vấn tài chính cho hay, lứa tuổi 20-30 thường không biết quản lý tài chính, không thiết lập mục tiêu tài chính rõ ràng; không xây dựng kỷ luật tài chính; thiếu kiến thức tài chính cá nhân; không biết quản lý nợ và không đầu tư sớm. Điều này dẫn tới cảnh nợ ngập đầu khi đang còn trẻ.

“Việc mắc nợ không kiểm soát có thể trở thành một cơn ác mộng trong tương lai. Đừng vội vàng mượn tiền hoặc trả nợ bằng thẻ tín dụng một cách không cần thiết. Tìm hiểu về cách quản lý nợ và lãi suất để không bị rơi vào tình huống khó khăn về tài chính. Hãy tận dụng thời gian để học hỏi về các lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là các khoản đầu tư có lợi suất cao và rủi ro phù hợp”,  một cố vấn tài chính đưa ra lời khuyên.

TS. Đỗ Thị Hà Thương (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, người dân không nên tùy tiện mở thẻ tín dụng mà không hiểu biết kỹ. Khách hàng cần nắm bắt kỹ các loại phí, lãi (đặc biệt là lãi phạt), ngày thanh toán…, để tránh trường hợp như một khách hàng tại Eximbank tiêu 8,5 triệu đồng bị phạt 8,8 tỷ đồng. Ngoài ra, khách hàng cần bảo mật thẻ và nâng cao ý thức phòng ngừa rủi ro từ thanh toán điện tử, về ăn cắp thông tin, gian lận thẻ tín dụng… để tránh bị mất tiền oan.

Quản lý gia sản ngay từ khi chưa giàu

Theo các cố vấn tài chính dày dạn, hiện nay, rất nhiều người trẻ 20-30 tuổi gặp sai lầm trong quản lý tài chính cá nhân, “vung tay quá trán”, dẫn tới cảnh nợ nần. Để khắc phục tình trạng này, người trẻ nên có ý thức chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư song song với nhau một cách bài bản từ khi còn chưa giàu.

Đầu tiên là phải xác định thu nhập, xem xét các khoản tiết kiệm và đầu tư hiện có, lập ra một kế hoạch tài chính cá nhân chi tiết để xác định mức độ chi tiêu cũng như tiết kiệm của mình. Sau đó, phải xác định được các mục tiêu tài chính quan trọng cho mình (mua nhà, mua xe…) và có kế hoạch để đạt mục tiêu đó. Với những khách hàng đang trong vòng xoáy nợ nần, phải ưu tiên kế hoạch trả nợ, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, tuân thủ nguyên tắc “trả tiền trước, tiêu tiền sau”.

Sau khi trả hết nợ nần, có được một khoản tiết kiệm, người trẻ cần tính đến kế hoạch đầu tư và xây dựng một khoản dự phòng. “Sai lầm của người trẻ về quản lý tài chính cá nhân chủ yếu do thiếu kiến thức tài chính, không có kỹ năng chi tiêu và quản lý tiền bạc. Vì vậy, lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia, các cố vấn tài chính là bước khởi điểm đầu tiên để có được kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư thông minh và hợp lý”, một cố vấn tài chính đưa ra lời khuyên.

Nhiều người cho rằng, tài sản phải lên tới hàng triệu USD mới cần tính đến quản lý gia sản, song theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, người dân nên tìm tới dịch vụ quản lý gia sản ngay từ khi còn trẻ và còn nghèo, bởi quản lý gia sản trước hết phải từ tiết kiệm, tích lũy sau đó mới đến đầu tư.

Theo chuyên gia này, nhà đầu tư cá nhân có tài sản từ 50 triệu đồng đã có thể tìm tới đơn vị tư vấn quản lý gia sản. Đây là cách tốt nhất để tăng trưởng và bảo toàn vốn đầu tư của mình. Tất nhiên, các đơn vị quản lý tài sản thích khách hàng có tổng tài sản lớn vì phí cao, nhưng muốn thị trường phát triển lớn mạnh thì đơn vị tư vấn phải “nuôi” từ các khách hàng nhỏ, tiềm năng.

“Hiện số nhà đầu tư Việt Nam tham gia đầu tư tài chính mới chiếm 7-8% dân số, trong khi tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, tỷ lệ này lên tới 40-80%. Tốc độ tăng tài sản tích sản của Việt Nam cũng vào nhóm cao nhất thế giới, cho thấy cơ hội đầu tư rất lớn. Nếu chúng ta có được nền tảng pháp lý tốt và xây dựng được những định chế đủ mạnh, thì thị trường quản lý gia sản của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt”, ông Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.

Ứng biến trong vạn biến

Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024/Vietnam Wealth Advisor Summit (VWAS) 2024 - diễn đàn duy nhất do Báo Đầu tư và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức sẽ diễn ra vào thứ Năm, ngày 6/6//2024, tại Khách sạn Pullman, Hà Nội.

VWAS 2024 có chủ đề “Ứng biến trong vạn biến/Adapting to Uncertainties”, với sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín trong nước và quốc tế. Diễn đàn sẽ thảo luận chuyên sâu về các kịch bản kinh tế toàn cầu và Việt Nam nói riêng; về các cơ hội, tỷ trọng các tài sản đầu tư nhằm đạt hiệu quả trong danh mục và chuyên sâu về danh mục cổ phiếu.

DVWAS 2024 bao gồm các hoạt động sau: Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, gồm 2 phiên trình bày và thảo luận với các chủ đề “Kịch bản kinh tế vĩ mô”, “Danh mục tài sản đầu tư và Danh mục cổ phiếu”; Vinh danh sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu năm 2024 cho 6 hạng mục: Dịch vụ khách hàng ưu tiên tiêu biểu - Priority Services of the Year, Dịch vụ môi giới tài chính tiêu biểu - Brokerage Award, Dịch vụ quản lý tài sản đầu tư tiêu biểu - Assets Management Award, Sản phẩm công nghệ và chuyển đổi số tiêu biểu - Digitalization of the Year, Giải pháp tài chính cá nhân sáng tạo - Personal Finance Innovation, Nhà phát triển bất động sản có giải pháp tài chính toàn diện - Smart Finance Solution Real Estate Developers.
Tin liên quan
Tin khác