- Doanh nhân Lưu Thị Thanh Mẫu: Hậu M&A, hai bên sẽ cùng thắng nếu biết cộng hưởng sức mạnh
- Phạm Quang Tú, Giám đốc điều hành Prep: Nâng cấp trải nghiệm luyện thi tiếng Anh cùng “giáo viên AI”
- Hiến pháp năm 2013: Dần hiện hữu trong cuộc sống
- 35 người chết do giẫm đạp ở Thượng Hải trong lễ đón năm mới 2015
Nguyễn Đỗ Dũng, đồng sáng lập, Tổng giám đốc enfarm Agritech. |
Để người nông dân không còn đơn độc
Trong quá trình làm công tác quy hoạch cho các địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh như Bến Tre, Bình Phước, Tây Ninh…, Nguyễn Đỗ Dũng nhận thấy, hầu hết nông dân trồng cây dựa trên kinh nghiệm và không có bất kỳ một dữ liệu nào hỗ trợ. Người nông dân rất đơn độc trên con đường làm nông nghiệp, vừa phải đối mặt với rủi ro về mùa màng, khí hậu không thuận lợi…, vừa phải đối mặt với rủi ro về thị trường, được mùa mất giá...
Đây chính là lý do anh cùng với Hồ Long Phi - một người con của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu - thành lập enfarm Agritech. Họ quyết tâm xây dựng một công ty ứng dụng Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm phát triển công nghệ bón phân thông minh với mong muốn tăng thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường và tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Anh có thể chia sẻ thêm thông tin về bộ phân tích thiết bị SF23-01?
Thiết bị mang tên enfarm F là sản phẩm dành cho nông hộ và enfarm F+ dành cho hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp. Trong đó, enfarm F+ có tính tự động hóa cao hơn và bắt buộc người sử dụng đầu tư hệ thống kết nối về tín hiệu, phủ sóng tín hiệu…, nên chi phí sẽ cao hơn enfarm F.
Enfarm Agritech đã làm gì để đưa thiết bị đến gần hơn với nhà nông?
Tháng 7/2023, enfarm Agritech đã ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Cụ thể, enfarm Agritech cùng Viện thực hiện các thí nghiệm và giới thiệu công nghệ đến với các vườn cà phê tại Tây Nguyên. Với công nghệ này, bất kỳ người nông dân nào cũng có thể làm chủ kỹ thuật nông nghiệp, nắm bắt tín hiệu thị trường để tăng thu nhập trên mảnh đất của mình và phát triển các phương thức canh tác bền vững hơn.
Kế hoạch tiếp theo của enfarm Agritech là gì?
Kết nối với doanh nghiệp và thị trường là bước tiếp theo trong quá trình nâng cấp ứng dụng Enfarm. Trong đó, enfarm Agritech đóng vai trò là đơn vị trung gian, giới thiệu nông sản chất lượng của bà con nông dân và kết nối với những nhà thu mua phù hợp, mang lại lợi ích kép: nhà nông bán được sản phẩm với giá cao hơn, còn người mua sẽ biết được nguồn gốc sản phẩm thông qua các dữ liệu mà ứng dụng Enfarm thu thập được.
Nguyễn Đỗ Dũng chia sẻ, enfarm Agritech lựa chọn phát triển công nghệ bón phân thông minh, trước tiên, vì phân bón là yếu tố rất quan trọng trong trồng trọt. Các chuyên gia nông nghiệp ước tính, phân bón đóng góp 40% trong việc gia tăng sản lượng cây trồng ở Việt Nam. Trong khi đó, phân bón lại là khoản chi phí đầu vào rất lớn đối với bà con nông dân. “Giá phân bón đã tăng gấp 3 lần trong 3 năm qua, do tác động từ nền kinh tế toàn cầu”, anh Dũng thông tin.
Về tác động của ngành nông nghiệp đến môi trường, theo một nghiên cứu công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phân bón hiện chưa được sử dụng hiệu quả và bền vững ở Việt Nam. Hiệu suất bón phân chỉ đạt 40%, tức còn khoảng 60% lượng phân không được cây trồng hấp thụ bị giữ lại trong môi trường.
Từ đó, nông dân phải bỏ thêm phân, gánh thêm chi phí, lại khiến đất càng tăng độ chua. Vòng luẩn quẩn giữa bón phân và thoái hóa đất sẽ bào mòn thu nhập của nông hộ và hủy hoại môi trường. Phần phân bón dư bị rửa trôi theo nước mặt khi mưa xuống, thẩm thấu vào tầng nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước. Tính theo giá phân bón hiện nay, ước tính quy mô thất thoát hàng năm lên tới 3,6 tỷ USD/năm.
“Trong quá trình phát triển công nghệ, IoT và sensor (cảm biến) trong lĩnh vực đô thị thông minh, tôi nhận thấy, đây là cơ hội để giải quyết các vấn đề của nông nghiệp Việt Nam hiện nay”, Tổng giám đốc enfarm Agritech chia sẻ mục tiêu theo đuổi tiêu chí xanh và công nghệ của đội ngũ enfarm Agritech.
Công nghệ là yếu tố cốt lõi
Phát triển giải pháp thiết bị công nghệ bón phân thông minh, giúp đo lường, tiết kiệm phân bón, enfarm Agritech đặt yếu tố dữ liệu và mức độ tiết kiệm chi phí lên hàng đầu.
“Khi có dữ liệu về đất, độ dinh dưỡng, độ ẩm…, AI sẽ khuyến cáo người nông dân bón loại gì, lượng bao nhiêu. Bên cạnh đó, AI cũng đưa ra những khuyến cáo ‘bắt bệnh’ cho cây trồng theo các tiêu chí khoa học mà dữ liệu cung cấp, từ đó giúp nông dân giảm thời gian, tiết giảm chi phí đầu vào, công chăm sóc…”, anh Dũng nói.
Bí quyết giảm chi phí của enfarm Agritech nằm ở công nghệ xử lý dữ liệu tập trung và đưa ra các khuyến nghị thông qua ứng dụng Enfarm trên điện thoại thông minh.
Bộ phân tích thiết bị SF23-01 của enfarm Agritech gồm 2 cấu phần: thiết bị cảm biến cắm xuống đất sâu 30 cm để thu thập thông tin liên quan đến quá trình sinh trưởng của cây trồng và dinh dưỡng trong đất và thiết bị ghi, truyền dữ liệu về máy chủ đặt tại TP.HCM với tần suất 15 phút/lần để phân tích, trả thông tin đến người nông dân qua ứng dụng Enfarm. Nhờ xác định hàm lượng phân bón dễ tiêu trong đất theo thời gian thực, SF23-01 có thể khuyến nghị từng chủ vườn khi nào cần bón phân, loại gì và liều lượng như thế nào.
Ngoài chức năng thông báo về phân bón, thổ nhưỡng, ứng dụng
Enfarm còn được tích hợp thêm nhiều công dụng khác, như dự báo thời tiết; cung cấp thông tin về độ ẩm, độ pH, mức tưới tiêu và sức khỏe của cây trồng; quản lý nông trại… Không những thế, Enfarm còn có thể xác định sâu bệnh bằng AI. Cụ thể, chỉ cần chụp hình lá cây, thân cây..., ứng dụng sẽ cho biết cây đang gặp sâu bệnh gì, hướng giải quyết ra sao. Trong tương lai, nhà nông có thể dùng công cụ này để đăng ký các chứng nhận về nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ…
“Như vậy, với Enfarm, người nông dân luôn có một chuyên gia nông nghiệp đồng hành 24/7, vừa giải đáp thắc mắc, vừa cung cấp thông tin nhằm giúp nông dân trở thành chuyên gia nông nghiệp, thông thạo thời tiết, giá cả và thấu hiểu các chỉ số của đất đai. Đây là định hướng của enfarm Agritech trong giai đoạn tới để hướng đến cuộc cách mạng nông nghiệp xanh”, anh Dũng tự tin nói.
Vị CEO 42 tuổi chia sẻ, trong quá trình hoạt động, đội ngũ
enfarm Agritech luôn tâm niệm, phải làm ra những sản phẩm hữu ích, dễ sử dụng và xây dựng lòng tin với người nông dân.
Đối với lĩnh vực khoa học về đất, nông nghiệp, enfarm Agritech đang rất tự tin vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên và chuyên gia nông nghiệp, môi trường của Công ty. Cùng với đó, enfarm Agritech đang tiếp tục đầu tư công nghệ để phát triển, nâng cấp ứng dụng, để truyền tải dữ liệu và đưa ra khuyến cáo có độ chính xác cao, gia tăng độ hữu ích, tạo niềm tin vững chắc đối với nhà nông.
“Đơn cử, nếu chỉ thông báo lượng kali trong đất, thì không có nhiều ý nghĩa. Quan trọng là, từ thông tin về lượng kali đó, người nông dân sẽ phải làm gì? Đây là bước chuyển từ việc cung cấp dữ liệu thô sang cung cấp khuyến cáo cho người nông dân. Không những thế, Enfarm đã áp dụng công nghệ AI để xác định được sâu bệnh, khuyến nghị người nông dân cần làm gì để kiểm soát sâu bệnh cho cây trồng…”, anh Dũng giải thích.
Nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản
Sau một hành trình học hỏi, chuẩn bị, có đủ nguồn lực và sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia về nông nghiệp, công nghệ thông tin, cuối năm 2022, enfarm Agritech bắt đầu triển khai kế hoạch thực hiện các thí nghiệm trên hàng ngàn mẫu đất nhằm tìm giải pháp đo chất dinh dưỡng trong đất hiệu quả nhất, tối ưu nhất, với chi phí hợp lý nhất.
Thí nghiệm ứng dụng công nghệ bón phân thông minh với 500 mẫu cà phê trồng trong ống tại TP.HCM mang lại kết quả khả quan, enfarm Agritech sẵn sàng lên rẫy để so sánh và kiểm chứng hiệu quả.
Tháng 7/2023, những mẫu sản phẩm đầu tiên đã được thử nghiệm tại vườn thực nghiệm của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Đến tháng 9, doanh nghiệp đã thí nghiệm triển khai thiết bị SF23-01 tại 2 hợp tác xã và 10 điểm hộ nông dân trên vùng trồng cà phê có diện tích gần 1.000 ha tại Đắk Lắk. Kết quả thí nghiệm tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên ghi nhận, đối với cây cà phê, thiết bị có thể giảm lượng phân bón lên đến 50% so với các kết quả ban đầu.
Anh Dũng cho biết, 50% cũng là một con số khá lớn, khi người nông dân thường phải bỏ ra 30 - 40 triệu đồng phân bón cho mỗi héc-ta cà phê. Như vậy, enfarm Agritech có thể giúp nông dân giảm được 15 - 10 triệu đồng chi phí phân bón trên mỗi héc-ta. Phương thức bón phân thông minh còn giúp mỗi nông hộ tiết kiệm khoảng 6 triệu đồng trên mỗi héc-ta canh tác, đồng nghĩa với tăng thu nhập gấp rưỡi hoặc gấp đôi cho nông dân. Do đó, enfarm Agritech tự tin bắt đầu cung cấp sản phẩm cho thị trường và bà con nông dân vào tháng 12/2023.
Cũng theo kết quả thí nghiệm tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đối với cây cà phê, việc bón phân với công thức phù hợp có thể tăng năng suất đến 20%. Với mức giá khoảng 65 triệu đồng/tấn cà phê nhân hiện nay và năng suất trung bình 3,5 tấn nhân/ha, thì 20% gia tăng năng suất tương đương 45 triệu đồng/năm.
“Các nhà thu mua cà phê lớn ở Việt Nam, như Nestlé, đều đặt tiêu chí bảo vệ môi trường khi tìm mua nông sản. Nếu bà con cắt giảm được phân hóa học, thì cà phê được cộng thêm điểm và được mua với giá cao hơn. Mới đây, châu Âu cũng đã có quy định về nông sản nhập khẩu không có nguồn gốc từ đất phá rừng. Với thiết bị cảm biến nằm trong đất của enfarm Agritech, có thể xác định được nguồn gốc đất, vị trí trồng cà phê…, rất thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm xuất khẩu. Vì vậy, enfarm Agritech hướng đến mục tiêu được cấp chứng chỉ và được công nhận bởi các nước nhập khẩu nông sản, các nhà xuất khẩu nông sản”, CEO 8X chia sẻ.
Trong năm 2024, enfarm Agritech đặt mục tiêu mở rộng và hoàn thành việc áp dụng công nghệ cho từ 1 đến 2 loại cây khác (như sầu riêng, thanh long), tập trung ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên và nỗ lực mở rộng đến Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2025. Tuy nhiên, để ứng dụng này có thể mở rộng danh mục ứng dụng trên nhiều loại cây trồng, anh Dũng kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước hay sự giúp sức của các tổ chức muốn thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, sạch trong tương lai…