Quan điểm trên được bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) đưa ra khi trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn bên lền Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 do Báo Đầu tư vừa tổ chức.
Thưa bà, dù năm nay tổng giá trị của các thương vụ M&A có phần sụt giảm, song M&A vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng trong bối cảnh khó khăn, biến động bất thường, chưa từng có tiền lệ của kinh tế toàn cầu?
Thống kê trong 20 năm qua cho thấy, Việt Nam có hơn 4.000 thương vụ M&A với giá trị đạt gần 50 tỷ USD, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về giá trị M&A. Việt Nam được đánh giá là quốc gia năng động trong hoạt động M&A khi thu hút được dòng vốn ngoại và nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường. Trong đó, các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn so với các thương vụ M&A trong lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, biến động bất thường, khó lường của thị trường trong và ngoài nước thì việc các nhà đầu tư sử dụng phương thức đầu tư M&A như thế nào? M&A vẫn còn tiếp tục là kênh đầu tư ưa chuộng trong thời gian tới là bài toán cần lời giải. Theo tôi, mặc dù thị trường có nhiều khó khăn và biến động bất thường nhưng M&A vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng trong thời gian tới.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang trao đổi bên lề Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 do Báo Đầu tư tổ chức. Ảnh: Lê Toàn. |
Tuy nhiên, các nhà đầu tư sử dụng phương thức M&A để tăng trưởng doanh nghiệp sẽ có sự thận trọng hơn và có chiến lược hơn trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, các nhà đầu tư sẽ thận trọng quan sát các vấn đề liên quan đến chính sách và thể chế. Chẳng hạn, hiện nay các nhà đầu tư đang chờ các chính sách mới sau khi các Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới vào đầu năm 2024.
Nếu trước đây các nhà đầu tư tham gia các thương vụ M&A liên quan đến các dự án nhằm mục tiêu có lợi nhuận cao và thu hồi vốn nhanh thì đến nay các nhà đầu tư có chiến lược tham gia các thương vụ M&A trong các lĩnh vực tiềm năng như liên quan đến các dự án phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ví dụ như dự án bất động sản xanh, phát triển đô thị xanh, năng lượng xanh… hay các lĩnh vực công nghệ cao. Bởi lẽ, những loại dự án này Nhà nước sẽ có chính sách thúc đẩy, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong thời gian tới.
Ngoài ra, các biện pháp của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, ưu tiên các dự án liên quan đến yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG), xây dựng niềm tin của nhà đầu tư và việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã ảnh hưởng tích cực đến thị trường M&A.
Bên cạnh đó, có nhiều cơ sở để thị trường Việt Nam được đánh giá hấp dẫn, giàu tiềm năng bậc nhất trong khu vực đối với các tập đoàn quốc tế, trong đó, ngoài nhu cầu đa dạng của gần 100 triệu dân, cơ hội mở rộng và nhộn nhịp hơn khi kinh tế Việt Nam ngày càng mở, hội nhập sâu toàn cầu mang đến các dòng vốn đa chiều từ các bên.
Mặt khác, theo đánh giá của một số nhà đầu tư khi thị trường khó khăn cũng là thời điểm “vàng” để thực hiện các hoạt động đầu tư. Đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh mở rộng thị trường, củng cố vị thế thông qua các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác.
Do đó, theo tôi, phương thức đầu tư M&A tại Việt Nam trong thời gian sẽ tiếp tục phát triển và được các nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Đối với các thương vụ M&A liên quan đến các dự án bất động sản sẽ “sôi động” hơn sau khi Quốc hội thông qua các Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bà có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm của Phúc Khang trong việc M&A thành công với nhà đầu tư nước ngoài?
Có rất nhiều việc phải làm trong quá trình thực hiện các thương vụ đối với quốc tế và liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu tiên là phải xác định rõ mục tiêu và lợi thế nào của đối tác mình cần hợp tác. Chẳng hạn, nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý, thương hiệu, công nghệ… từ đó xác định mục tiêu và chiến lược phù hợp cho thương vụ M&A.
Thứ hai là phải tìm hiểu kỹ thông tin về chiến lược, văn hóa của đối tác nhằm tránh tình trạng bất đồng, sốc văn hóa trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động hợp tác.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cùng các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023. Ảnh: Lê Toàn |
Điểm thứ ba là, cần có đội ngũ luật sư giỏi hiểu biết sâu sắc về M&A và quy định pháp luật Việt Nam, các Hiệp định mà Việt Nam là thành viên cũng như các quy định pháp luật quốc gia của đối tác quốc tế để có thể xác định quyền lợi, nghĩa vụ của các đối tác quốc tế khi đầu tư tại Việt Nam, có thể đánh giá hồ sơ pháp lý do đối tác quốc tế cung cấp và đảm bảo mọi hoạt động trong M&A diễn ra hợp pháp.
Đồng thời cần soạn thảo kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng, chuẩn bị các phương án giải quyết tranh chấp cụ thể trong hợp đồng để hạn chế những rủi ro trong và sau khi hoàn thành giao dịch M&A.
Điểm cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng là có công tác chuẩn bị và kế hoạch cho thương vụ M&A bảo đảm khả năng thành công cao.
Trong phiên thảo luận thứ 2 tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 với chủ đề “Cộng hưởng sức mạnh”, bà có đưa ra nhận định, "sau khi M&A thành công, phải coi đây như là cuộc hôn nhân có trách nhiệm, đồng hành cùng nhau". Bà có thể làm rõ hơn về sức mạnh cộng hưởng khi thực hiện M&A?
Trong thời gian qua, các thương vụ M&A tăng nhanh về số lượng cũng như quy mô các thỏa thuận, vì thế đã đến giai đoạn cần chất hơn là số lượng. Và mục tiêu của M&A là người bán thắng mà người mua cũng phải thắng, người bán có trách nhiệm và người nhận cũng có phải trách nhiệm. Tức là phải biết cộng hưởng sức mạnh với nhau.
Đầu tiên là giá trị cộng hưởng tài chính. Điều này giúp việc khai thác và phân bổ vốn hiệu quả hơn, gia tăng quy mô của một công ty thông qua việc các công ty hỗ trợ vốn lẫn nhau.
Thứ hai là giá trị cộng hưởng quản lý, tức là sự kết hợp đội ngũ quản lý giỏi của từng bên để cải thiện hiệu suất hoạt động và hiệu quả chi phí.
Thứ ba là giá trị cộng hưởng hoạt động, tức là việc tăng sức mạnh thị trường thông qua sự kết hợp ưu thế về thương hiệu, công nghệ, cơ sở vật chất, nguồn lực nhân sự, khách hàng của từng bên.
Cuối cùng là giá trị cộng hưởng về công nghệ và nguồn lực. Một bên có thể tiếp thu được các công nghệ cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ đối tác cùng thực hiện dự án…v.v.
Tóm lại, trong bối cảnh hiện, yếu tố quyết định giá trị cộng hưởng trong một thương vụ M&A là mỗi bên xác định lợi thế của mình và tìm kiếm các đối tác có những lợi thế mà mình có nhu cầu khai thác các lợi thế đó. Bởi, ngoài lợi thế của các bên để đạt được giá trị cộng hưởng trong một thương vụ M&A còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như văn hóa doanh nghiệp, thiện chí các bên, môi trường kinh doanh, thể chế, chính sách, tiềm năng của thị trường.