Dù ở cương vị nào, anh cũng luôn thể hiện trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần khát vọng, vượt lên chính mình giữ vững ngọn lửa đam mê và truyền cho thế hệ kế cận.
Doanh nhân Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch Hội DNT Thanh Hóa, Phó chủ tịch Hội DNT Việt Nam |
Trao đổi với Phóng viên Báo Đầu tư trước thềm Đại hội Hội doanh nhân trẻ (DNT) Thanh Hóa lần thứ VI nhiệm kỳ 2018 – 2021, doanh nhân Nguyễn Hồng Phong kỳ vọng thế hệ lãnh đạo Hội DNT khoá mới sẽ làm tốt và kế thừa những giá trị mà các thế hệ lãnh đạo Hội cùng hàng nghìn Hội viên suốt 20 năm qua đã dày công vụ đắp.
Ông Thào Xuân Sùng Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thăm trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật sản xuất phân bón Tiến Nông. |
Thưa anh, anh có thể khái quát một số chương trình cụ thể và thành tựu của Hội DNT Thanh Hóa nhiệm kỳ vừa qua?
Trong nhiệm kỳ qua, hội viên Hội DNT đã phát huy sự năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp, khắc phục khó khăn, tái cấu trúc doanh nghiệp, đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhiều dự án mới được triển khai, các nhà máy được xây dựng, nhiều nguồn vốn được huy động phục vụ sản xuất kinh doanh tạo nên một luồng sinh khí mới trong phong trào khởi nghiệp – lập nghiệp của tuổi trẻ tỉnh Thanh Hoá. Hội DNT Thanh hóa đã phối hợp với Trung ương Hội DNT Việt Nam, các sở ban, ngành trong tỉnh tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng mềm nhằm nâng cao nghiệp vụ, kiến thức quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp hội viên, giúp các hội viên nắm bắt kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước; kết nối hội viên tham gia các hoạt động đối ngoại và xúc tiến thương mại, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh với Hội DNT các tỉnh, thành bạn, gặp gỡ các tổ chức quốc tế, Hội doanh nghiệp nước ngoài thông qua đó tạo môi trường để các doanh nghiệp được mở rộng hợp tác, giao lưu kinh tế, tạo sự khích lệ các doanh nhân không ngừng phấn đấu vươn lên trở thành những nhà quản lý giỏi, quy mô sản xuất lớn góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Bên cạnh đó, để giúp hội viên có được điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường rèn luyện, phát triển kỹ năng cá nhân, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm thành công trong cuộc sống cũng như trong công việc, đồng thời giúp các DN chia sẻ, kết nối giao dịch tiêu thụ sản phẩm của nhau, giúp các doanh nghiệp ngày càng phát triển, trong nhiệm kỳ qua Hội đã tổ chức thành công 19 chương trình “ Café Doanh nhân trẻ” (4 lần/ năm)….
Đối với công tác xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh các doanh nghiệp hội viên, Hội DNT Thanh Hóa đã khuyến khích, động viên các doanh nghiệp tham gia các giải thưởng do Trung ương Hội DNT Việt Nam tổ chức như giải thưởng Sao vàng đất Việt, giải thưởng DNT khởi nghiệp xuất sắc. Cụ thể, trong nhiệm kỳ qua, Hội đã có 02 lượt doanh nghiệp đoạt giải thưởng “Sao Vàng Đất Việt”, 05 Doanh nhân đoạt “Giải thưởng Sao đỏ- Doanh nhân trẻ tiêu biểu Việt Nam”, 12 Doanh nhân đoạt danh hiệu “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc” (trong đó 03 Doanh nhân lọt vào Top10)…
Từ kinh nghiệm thực tế, anh có đánh giá thế nào với tư cách là hội viên khi tham giam vào Hội doanh nhân trẻ?
Năm 1997, tôi tham gia vào Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Tp.Thanh Hóa với tư cách là Chủ Doanh nghiệp Tiến Nông, nay là Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông; khi đó Tiến Nông cũng mới thành lập được hai năm. Đó là những năm đầu khởi nghiệp, Tôi ví hình ảnh của mình lúc ấy “Tay thì với Chân thì nghến” tất cả mọi thứ đều mới mẻ doanh nghiệp Tiến Nông mới “tập tọe” vào thị trường, doanh thu thấp (cả năm dưới 10 tỷ đồng) và quy mô nhỏ, (sử dụng lao động khoảng chừng 30 người)…
Nhưng đúng với tinh thần của tuổi trẻ, cá nhân tôi đã xác định không riêng chỉ doanh nhân, mà đối với mỗi người bình thường muốn thành công trong cuộc sống thì phải biết chia sẻ. Bởi đơn giản “cho đi chính là nhận lại”, cho đi không hẳn là những giá trị vật chất, cho đi đơn giản chỉ là một nụ cười, niềm tin, cái bắt tay ấm áp, một ánh mắt thân thiện … Để rồi từ đó chúng ta nhận lại sự ân cần, giao tiếp cởi mở, chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện mình và có cách tiếp cận công việc đúng đắn và làm việc hiệu quả hơn mỗi ngày.
Trên góc độ một doanh nhân, với tôi “cho đi là nhận lại” càng thấm nhuần như một triết lý hàng ngày và xem đây chính là nền tảng của sự thành công. Cũng chính từ những chia sẻ và học hỏi những bài học kinh nghiệm của các thế hệ đàn anh đi trước, của những doanh nghiệp lớn, doanh nhân thành đạt và của chính những hội viên trong hiệp hội. Tôi luôn tự hỏi tại sao các doanh nghiệp khác thành công được? tại sao họ làm được?, tại sao… Từ đó đã “ngộ” ra triết lý kinh doanh cho chính mình và dần hình thành ý tưởng cũng như sứ mệnh của doanh nghiệp Tiến Nông. Kinh doanh là phụng sự khách hàng, phụng sự xã hội. Khi khách hàng thỏa mãn được lợi ích, xã hội phát triển thì doanh nghiệp mình mới phát triển được. Cụ thể đối với doanh nghiệp Tiến Nông, mục tiêu kinh doanh được xác định là phụng sự lợi ích của người nông dân, giúp nông dân làm giàu làm tôn chỉ mục đích hành động.
Quá trình tham gia, lãnh đạo phong trào của Hội. Tôi ý thức được trách nhiệm của mình là phải luôn giữ lửa, thắp sáng ý tưởng, khơi gợi tinh thần của các hội viên, cổ vũ anh em thành viên nuôi dưỡng khát vọng, vươn ra biển lớn,… đó cũng là động lực để thay đổi tư duy và hoàn thiện mình, hoàn thiện tổ chức doanh nghiệp của mình hơn nữa.
Anh đánh giá như thế nào về vai trò của doanh nhân hiện nay, đặc biệt là doanh nhân trẻ?
Ngược dòng lịch sử, trong thời kỳ phong kiến chúng ta chịu ảnh hưởng của đạo Khổng. Ở đó, xã hội phân biệt giai tầng rõ rệt, khi mà giới doanh nhân được xếp cuối cùng trong các tầng lớp xã hội (Sỹ, Nông, Công, Thương). Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, dưới ánh sáng của Đảng và nhà nước, doanh nhân đã được trở lại đúng vai trò của mình. Hai tiếng doanh nhân dù có dùng các từ hoa mỹ hay trần trụi đến đâu đi nữa cũng không thể phủ nhận được vai trò quan trọng của một lực lượng đang tạo ra của cải vật chất, tạo công ăn việc làm,… đóng góp cho sự phát triển phồn thịnh của nước nhà.
Tuy nhiên, mỗi doanh nhân cũng phải ý thức được vai trò và sứ mệnh của mình là gắn với sự phát triển của doanh nghiệp với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong tổ chức doanh nghiệp của mình. Cao hơn nữa, mỗi doanh nhân phải xác định mục đích là người phụng sự xã hội, mang lại cho xã hội lợi ích từ các sản phẩm, dịch vụ hàng hóa mình cung cấp trên thị trường,…
Riêng đối với lực lượng doanh nhân trẻ ngày nay, tôi hoàn toàn tin tưởng vào họ, bởi họ là thế hệ được đào tạo bài bản, có năng lực, trình độ. Trên cơ sở kế thừa gia sản lớn về tinh thần cũng như vật chất của các thế hệ trước khi bước vào thương trường. Từ nền tảng đó để thấy rằng, với ý trí, tinh thần và nghị lực họ sẽ là lực lượng chinh phục những đỉnh cao hơn nữa so với thế hệ đi trước. Đặc biệt trong thời đại đất nước đã mở toang cánh cửa hội nhập, việc phát triển của doanh nhân không chỉ bó hẹp trong tư duy nội địa, mà nó phải mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Trong suốt nhiệm kỳ lãnh đạo phong trào doanh nghiệp, doanh nhân trẻ Thanh Hóa, anh tâm đắc nhất điều gì?
Điều mà tôi tâm đắc nhất là việc thông qua Chương trình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, chứng kiến các bạn sinh viên được hỗ trợ và khởi nghiệp thành công trở thành những doanh nhân đã và đang từng bước đứng vững trên thương trường. Đó có thể kể đến các doanh nhân trẻ như: Nguyễn Xuân Hưng tổng giám đốc công ty Xuân Hưng là một thanh niên trẻ kinh doanh tại Nông cống đã tham gia hội và vươn lên để trở thành doanh nghiệp có quy mô lớn hiện nay. Hay như Bùi Tiến Thành Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Tiến Thành Thảo đã tham gia Hội từ lúc còn là Sinh viên tại trường Hồng Đức; Hoàng Ngọc Thanh, Giám đốc công ty TNHH Minh Lộ và rất nhiều các gương mặt thành công khi tham gia hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa.
Việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cũng là một trong những tôn chỉ mục đích hoạt động của Hội doanh nhân trẻ Thanh Hóa ngay từ những ngày đầu thành lập. Hàng năm Hội đã phối hợp với Khoa kinh tế quản trị kinh doanh - Câu lạc bộ nhà doanh nghiệp tương lai, Trường đại học Hồng Đức tổ chức các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo”, “Sinh viên khởi nghiệp”. Tạo ra sân chơi bổ ích để phát hiện, bồi dưỡng các sinh viên tài năng có ý tưởng kinh doanh sáng tạo, tính khả thi cao tạo tiền đề khuyến khích phong trào học tập nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên các huyện tổ chức hơn 20 diễn đàn “Thanh niên phát triển kinh tế”, “Thanh niên khởi nghiệp” nhằm phát động tinh thần khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên và “Ươm mầm” lớp doanh nhân kế cận góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
Với vai trò là PCT Hội DNT Việt Nam, anh có gửi gắm gì đối với các bạn trẻ tỉnh Thanh Hoá trong phong trào khởi nghiệp hiện nay cũng như niềm tin, kỳ vọng của anh vào Thế hệ lãnh đạo mới của Hội DNT sẽ được Đại hội bầu ra lần này?
Phong trào khởi nghiệp hiện nay do các bạn trẻ làm nòng cốt đang dần tạo ra một thế hệ doanh nhân mới với tâm thế hoàn toàn khác so với thế hệ chúng tôi. Gọi là doanh nhân 4.0 được không? Thật tuyệt vời khi tôi vẫn được đồng hành cùng các bạn trẻ trên con đường “Tiên phong đổi mới, kiến tạo giá trị”. Sứ mệnh và bổn phận của Doanh nhân trẻ ngày càng được khẳng định góp phần và công cuộc đổi mới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thanh Hóa nói riêng và nhân dân cả nước.
Tôi xin được chia sẻ với các bạn doanh nhân trẻ khởi nghiệp cũng như thế hệ lãnh đạo mới của Hội DNT Thanh Hóa những điều mà cả đời mình tôi luôn tâm niệm:
“Được làm việc phải tận tâm
Được quan tâm phải chân thành
Được cống hiến phải đam mê
Được tôn vinh phải khiêm tốn
Được hưởng thụ phải sẻ chia”
Chúc các bạn thành công rực rỡ cùng với sự phát triển của quê hương, đất nước.