Về quê khởi nghiệp
Chàng trai sinh năm 1987 quê Bắc Ninh kể, năm 2009, anh tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin một trường đại học tại Hà Nội. Cũng như bao sinh viên từ các tỉnh khác khi ra trường, Thành chọn ở lại Hà Nội để làm việc. Tuy nhiên, Thành kể, dù công việc ổn định, mức lương khá cao, nhưng trong anh vẫn luôn ấp ủ mong muốn kinh doanh.
“Nhà tôi có truyền thống kinh doanh. Hồi nhỏ, tôi rất thích thú khi thấy cảnh bố mẹ làm kinh doanh. Khi lớn lên, đam mê công nghệ đã hút tôi vào học ngành thông tin. Tuy nhiên, về sau, cái máu kinh doanh lại lấn át đam mê công nghệ. Thêm vào đó, cảm giác của kẻ làm thuê rất ức chế trong tôi. Chính vậy, tôi đã quyết định nghỉ việc để về quê làm kinh doanh”, Thành kể.
Doanh nhân Nguyễn Hữu Thành |
Lựa chọn đầu tiên của Thành là phát triển kinh doanh một ngành thương mại tại Bắc Ninh. Tuy nhiên, không kiến thức kinh doanh, vốn mỏng khiến anh nhanh chóng thất bại.
Quyết tâm làm lại từ đầu, tiếp tục xin vào làm việc cho Công ty FPT Chi nhánh tại tỉnh Bắc Ninh, Thành nhanh chóng khẳng định mình khi được đề bạt chức trưởng phòng chỉ trong thời gian ngắn làm việc. Nhưng một lần nữa, Thành chia tay ngành công nghệ vì trong tay có đủ số tiền cần thiết để tiếp tục xây dựng đam mê kinh doanh.
“Tôi về tìm hiểu ở tỉnh thì không có mô hình trang trại nông nghiệp sạch nào, các tỉnh khác thì quá xa và cũng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vậy là tôi quyết định về gia đình trồng rau sạch, nuôi heo, gà, cá sạch”, Thành chia sẻ.
Mọi chuyện sang trang từ năm 2013. Khi đó, nhiều nhà máy, khu công nghiệp mọc ra nhiều tại tỉnh Bắc Ninh. Thành chuyển hướng sản xuất suất ăn công nghiệp cho công nhân, lượng suất ăn ngày càng cao, nguyên liệu thực phẩm mỗi lúc cần một nhiều mà gia đình Thành không thể đáp ứng đủ.
Thành kể, lúc này anh bắt đầu nghĩ tới mô hình trang trại nông nghiệp sạch. Nhưng vốn ít, quỹ đất không có, kinh nghiệm thiếu nghiêm trọng. Nhiều ngày suy nghĩ, Thành cho rằng, chỉ liên kết mới có thể thực hiện được mô hình này. Sau đó, đi nhiều nơi tìm đối tác, cuối cùng, Thành tìm được một trang trại rộng hơn 7 ha đã xây xong, nhưng chưa hoạt động. Cái bắt tay giữa hai bên nhanh chóng diễn ra.
Vốn thì Thành đi vay mượn, còn kỹ thuật thì Thành quyết định đi nhiều tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên… để học hỏi mô hình trang trại chăn nuôi mới.
“Cái tôi thấy được là hiệu quả rất cao, đồng thời tôi nhận ra rằng, với các trang trại như thế này thì máy móc, công nghệ chăn nuôi hiện đại đáp ứng tốt về an toàn chất lượng sản phẩm sạch”, Thành kể.
Năm 2013, chàng trai sinh năm 1987 đã thành lập Công ty TNHH Thương mại An Huy Vina - chuyên kinh doanh nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng và các thiết bị công nông nghiệp khác… bằng mô hình “Khu chăn nuôi tự động và trồng rau hữu cơ”.
Chiến lược bắt tay phát triển
Thành kể, năm 2015, sau 2 năm hoạt động, thu nhập của Thành ghi nhận bằng trang trại nuôi gà, lợn, bò, các loại rau... Sản phẩm được tiêu thụ tại chính cơ sở sản xuất suất ăn công nghiệp của mình và phục vụ các nhà hàng, khách sạn... Tuy nhiên, đây lại không phải là mục tiêu chính mà Thành nhắm tới, bởi anh nhận thấy rằng, cần có hướng đi mới cho thị trường mới.
“Thị trường đã bắt đầu có sự cạnh tranh, đã có những doanh nghiệp mới như doanh nghiệp của tôi, lượng lớn sản phẩm sạch đưa ra thị trường. Chính vì vậy, tôi quyết định thay đổi bằng việc đặt câu hỏi nuôi con gì, trồng rau gì mà người dân cần và cam kết đảm bảo sản phẩm sạch”, Thành chia sẻ.
Thành cho rằng, hướng đi mới này khó, nhưng vẫn có thể thực hiện được. Để thực hiện mục tiêu đó, Thành bắt tay vào việc đi tìm những đối tác mới từ các tỉnh, tìm những vùng đất mới có khí hậu tốt, chất lượng đất an toàn, cách xa khu công nghiệp, thành phố ô nhiễm để mở trang trại.
Khi đó, ông chủ Nguyễn Hữu Thành xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng được chuỗi trang trại nông nghiệp sạch, tạo bàn đạp trước khi đẩy mạnh kinh doanh. Chỉ như vậy mới có thể bước ra thị trường tốt. “Cần tạo bàn đạp vững chắc trước khi phát triển mạng lưới tiêu thụ. Khi có nguồn cung ổn định, tôi sẽ tìm cách đưa sản phẩm vào các siêu thị, chợ và quán ăn”, Thành cho biết.
Để thực hiện được chiến lược đó, Thành tham gia Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp Việt Nam. Thành định hướng ngay việc liên kết với các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực trong Câu lạc bộ. Qua đó, Thành học hỏi thêm về mô hình các doanh nghiệp đang làm để chọn lựa việc nuôi con gì, trồng rau gì cho phù hợp và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Tôi nhận ra, khi tham gia một tổ chức, câu lạc bộ nào đó, tôi sẽ dễ dàng tiếp cận các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực. Khi đó, doanh nghiệp dễ hiểu nhau và dễ dàng tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhau dựa vào thế mạnh của mình, như người có vốn, người có đất và người có chuyên môn để liên kết phát triển”, Thành nói.
Cũng từ đây, Thành đúc kết được rằng, đã khởi nghiệp đương nhiên là khó khăn, thiếu thốn từ vốn tới kiến thức, nhưng nếu biết kết hợp với những doanh nghiệp, doanh nhân cùng chí hướng để bắt tay khởi nghiệp thì công việc sẽ rất suôn sẻ.
Với câu chuyện bỏ việc về quê lập nghiệp của mình, Thành chia sẻ, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp không khó, song các bạn trẻ lại đang quay mặt với nó, bởi họ có tư tưởng muốn thoát khỏi lũy tre làng để lập nghiệp ở các đô thị. “Các bạn trẻ không hiểu rằng, đằng sau lũy tre làng, cơ hội làm giàu, cơ hội khởi nghiệp làm chủ là rất lớn”, Thành nói.