Tiến sĩ Nguyễn Long |
Một buổi chiều năm 1950, đám trẻ con xúm xít rủ nhau đi xem máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất. Chiếc Boeing 707 to lớn nhẹ nhàng hạ cánh xuống đường băng. Giữa tiếng hò reo của lũ trẻ, cậu bé Nguyễn Long lại lặng người sửng sốt về trình độ khoa học kỹ thuật của người Mỹ. Chẳng thể ngờ 35 năm sau (1985), chính cậu bé ấy lại là người sáng lập ra hãng Pragmatics, chuyên giải quyết những bài toán công nghệ cho Boeing và cả Chính phủ Mỹ.
Sau 30 năm hoạt động, Pragamtics đạt mức tăng trưởng cao nhất ở thị trường công nghệ dành cho chính phủ (30%/năm), với 700 kỹ sư và có doanh thu 150 triệu USD vào năm ngoái. Thành công của Pragmatics đã đưa Nguyễn Long vào danh sách 100 nhà lãnh đạo đóng góp nhiều nhất vào nền công nghệ thông tin của Chính phủ Mỹ; và tốp 100 gương mặt khởi nghiệp tiêu biểu của châu Á.
Kể từ ngày nhìn thấy chiếc Boeing 707, cậu bé Long đã quyết phải theo ngành công nghệ. Và đất nước mà cậu chọn học và lập nghiệp cũng là Mỹ. “Tìm hiểu về lịch sử Mỹ, tôi chợt nhận ra nơi này có nhiều gương khởi nghiệp và đầu tư hơn bất cứ đâu. Đầu óc họ giàu sáng tạo và thực tiễn, lấp đầy tinh thần có thể làm được tất cả. Tôi muốn học hỏi tinh thần đó,” ông nhớ lại.
Ở tuổi 20, Nguyễn Long đã đặt chân đến Mỹ qua học bổng toàn phần ngành Vật lý của Đại học North Carolina, rồi tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ Vật lý ở Đại học Virginia. Tốt nghiệp năm 1968, ông quay về Việt Nam đầu quân cho hãng IBM để lấy kinh nghiệm. Được 7 năm, ông trở về Mỹ học Tiến sĩ Khoa học Máy tính tại Đại học Iowa. Sau đó, ông đi dạy ở Đại học Georgetown và nhiều học viện khác. Đây là khoảng thời gian ông Long kết nối quan hệ và nghiên cứu sâu hơn vào mảng thị trường màu mỡ nhưng lắm rào cản: thầu các dự án công nghệ cho Chính phủ Mỹ.
Cuối cùng, cơ hội lập nghiệp đã đến với Nguyễn Long vào tuổi 42. Năm 1985, Chính phủ Mỹ phát động “8(a) Business Development Program”, một chương trình cấp vốn từ 4-6,5 triệu USD cho các ý tưởng kinh doanh. Công ty Pragmatics của ông Long là 1 trong 10.000 doanh nghiệp được cấp vốn vào thời điểm đó. Tuy là một nhà thầu vốn nhỏ, nhưng Pragmatics nhất quyết không xin thầu “ké” các công ty lớn. Để phát triển, ông yêu cầu tất cả nhân viên các cấp đều phải tự đi tìm và xin thầu chính cho dự án của cơ quan chính phủ. “Chúng tôi không đặt mục tiêu gì cả, trừ chất lượng tốt nhất”, ông cho biết.
Danh sách khách hàng bắt đầu tăng dần khi Pragmatics xây dựng thành công hệ thống quản lý và bảo vệ an ninh mạng cho các cơ quan chủ chốt của Chính quyền Mỹ như Bộ Lục quân, Bộ Hải quân, Bộ Ngoại giao, Cục Hệ thống bảo mật thông Tin... Doanh số Công ty tăng từ mức 80 triệu USD từ năm 2008 lên mức trên 100 triệu USD kể từ năm 2010. Giữa 2010, Pragmatics mua lại ISI, một tập đoàn tư vấn kỹ thuật ở bang Virginia. Không chỉ có trong tay các dự án lớn của Cục Hàng không liên bang, ISI còn nắm giữ công nghệ mới dựa vào hệ thống vệ tinh. “Có sự hỗ trợ của ISI, Pragmatics sẽ mở rộng hiện đại hóa hệ thống giao thông hàng không của Mỹ,” ông Long chia sẻ.
Nhìn lại thành công của Pragmatics sau 30 năm, Paul Cohen, Phó Giám đốc Pragmatics, mô tả Nguyễn Long chính là bí quyết của Pragmatics. “Ông ấy là nhà lãnh đạo thực tế biết cách ảnh hưởng mọi người, bằng cách tự lấy mình làm mẫu”, Paul nói. Ngay trong gia đình ông Long, nhiệt huyết và ý chí của cha đã thành cảm hứng cho hai người con thành tài từ Đại học Harvard. Ðó là Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Kim, Phó Giám đốc Ðiều hành Pragmatics; và Nguyễn Ben, bác sĩ giải phẫu thần kinh.
Còn với riêng ông Long, Pragmatics không chỉ hướng đến trở thành nhà thầu công nghệ lớn nhất ở Mỹ trong tương lai. “Thông qua dự án quốc gia, Pragmatics là cầu nối để chính tôi tri ân lại nước Mỹ, quê hương thứ hai này. Từ đó, Mỹ thành một nơi đẹp hơn cho chính gia đình mình, nhân viên mình và cả cộng đồng người nhập cư”, ông nói.