Điểm nóng
Nguyên nhân tỷ lệ tử vong thấp vì dịch bệnh Covid-19 tại Đức
Nguyễn Viễn - 24/03/2020 09:32
Mặc dù dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại châu Âu, nước Đức đang chứng tỏ khả năng hồi phục đáng kinh ngạc khi tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức rất thấp.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch từ người dân để xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại Gross-Gerau, Đức ngày 9/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

 

Nước Đức đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19. Số lượng ca dương tính với COVID-19 gia tăng nhanh chóng và các trường học, nhà máy, dịch vụ giải trí trên khắp nước Đức phải đóng cửa. Chính phủ Đức cũng đang áp dụng thêm nhiều biện pháp hà khắc nhằm ngăn chặn việc bùng phát dịch bệnh.

Tuy nhiên, Đức đang chứng tỏ khả năng hồi phục đáng kinh ngạc khi tỷ lệ tử vong trên tổng số ca dương tính với COVID-19 vẫn ở mức rất thấp.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tới chiều 19/3/2020, Đức có tổng cộng 13.979 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, chỉ đứng sau Trung Quốc, Italy, Iran và Tây Ban Nha. Trong khi đó, nước này mới chỉ ghi nhận 42 trường hợp tử vong.

So với các nước láng giềng ở châu Âu, Pháp có 9.058 ca nhiễm và 243 ca tử vong. Tây Ban Nha có 17.395 ca nhiễm và 803 ca tử vong. Mỹ, Anh, Italy và thậm chí Hàn Quốc có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với Đức.

Tỷ lệ tử vong thấp đáng kinh ngạc này đã làm dấy lên tranh luận ở Đức và trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ tử vong thấp tại Đức chủ yếu phản ánh thực tế là nước này mới chỉ ở giai đoạn đầu bùng phát dịch COVID-19 và độ tuổi những người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Đức thấp hơn nhiều so với các nước khác.

Các trường hợp nhiễm Covid-19 có độ tuổi trẻ hơn và không có nhiều bệnh nền giúp cải thiện đáng kể khả năng sống sót trước dịch bệnh so với các bệnh nhân cao tuổi. 
Một nhân tố khác có thể giúp giải thích điều khác biệt này là số lượng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cao bất thường được tiến hành tại Đức.

Theo Giáo sư Lothar Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch, các phòng thí nghiệm tại Đức có khả năng tiến hành khoảng 160.000 xét nghiệm mỗi tuần, nhiều hơn tổng số xét nghiệm mà một số nước châu Âu đã làm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Thậm chí Hàn Quốc, nước đang tiến hành 15.000 xét nghiệm mỗi ngày và được coi là một hình mẫu trong phòng chống COVID-19, dường như còn tiến hành ít xét nghiệm hơn so với Đức.

Giáo sư Wieler cho biết: “Đây là vấn đề về năng lực. Năng lực của Đức là rất, rất đáng kể. Chúng tôi có thể tiến hành hơn 160.000 xét nghiệm một tuần và con số này còn có thể tăng hơn nữa.”

Theo chuyên gia này, năng lực này có thể được nâng lên một phần nhờ chuyển đổi các phòng thí nghiệm chuyên về thú ý sang xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, không có dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt các bộ kit xét nghiệm tại Đức.

Ít nhất trong ngắn hạn, việc xét nghiệm quy mô lớn sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong nhờ phát hiện sớm các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, ngay cả khi người bệnh có ít hoặc không có các biểu hiện, qua đó mang lại cơ hội sống sót cao hơn.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Đức có ít ca bệnh chưa bị phát hiện hơn so với các quốc gia không có khả năng xét nghiệm quy mô lớn.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ngày 17/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một điểm đáng chú ý khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Đức là số lượng cao các bệnh nhân tương đối trẻ. Theo số liệu của Viện Robert Koch, hơn 80% trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Đức có độ tuổi dưới 60.

Ông Matthias Stoll, Giáo sư Y khoa tại Đại học Hanover nhận định: “Đặc biệt khi dịch bệnh mới bùng phát tại Đức, chúng tôi phát hiện nhiều ca có liên quan với những người vừa trở về từ các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết. Đa phần họ là những người dưới 80 tuổi và có đủ sức khỏe để trượt tuyết hay tham gia các hoạt động tương tự. Nguy cơ tử vong ở những người này tương đối thấp.”

Trong khi đó, ông Hans-Georg Kräusslich, Giáo sư Y khoa và là Trưởng Khoa Vi trùng học tại Bệnh viện Đại học Heidelberg cho biết: “Hầu hết các trường hợp dương tính đều bị nhẹ, có ít các triệu chứng và chúng tôi cho rằng việc phát hiện các ca bệnh nhẹ như vậy có sự khác biệt ở mỗi quốc gia. Về mặt thống kê, điều này dẫn tới sự khác biệt về tỷ lệ tử vong.”

Tuy nhiên, Giáo sư Kräusslich lưu ý tình hình tại Đức có thể thay đổi trong vài tuần hay vài tháng tới bởi Đức mới ở giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh. Phần lớn các bệnh nhân ở Đức mới nhiễm bệnh một, hai tuần trước và nước này có thể sẽ phải đối mặt với nhiều ca bệnh nặng hơn trong thời gian tới, khiến tỷ lệ tử vong tăng lên.

Nhiều nhà vi trùng học và dịch tễ học trên khắp nước Đức cũng đưa ra những cảnh báo tương tự. Hầu hết các chuyên gia này cho rằng tỷ lệ tử vong do virus SARS-CoV-2 ở các quốc gia khác nhau sẽ đồng nhất khi thời gian trôi qua và thêm nhiều nước phát hiện số lượng ca nhiễm thực sự.

Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng chỉ ra rằng Đức ít nhất có cơ hội chuẩn bị cho sự bùng phát các ca bệnh nguy kịch khi nhiều bệnh viện trên khắp nước Đức đang tăng cường năng lực chăm sóc đặc biệt và nâng cao số lượng y, bác sỹ. Chính phủ Đức cũng đang mua sắm nhiều thiết bị y tế cần thiết trong khả năng có thể.

Tuần trước, Đức đã đặt mua thêm 10.000 máy thở, bổ sung vào số 25.000 máy thở đang được sử dụng tại các bệnh viện của nước này. Thành phố Berlin, nơi ghi nhận 391 ca dương tính với COVID-19, đang chuyển đổi một phần khu triển lãm thương mại thành bệnh viện với 1.000 giường bệnh cho các bệnh nhân COVID-19. Nhiều biện pháp tương tự cũng đang được thực hiện trên khắp nước Đức./.

 

 

Tin liên quan
Tin khác