Báo Đầu tư trân trọng giới thiệu bài viết.
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác đối ngoại theo tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện mang tính lịch sử vì đây là lần đầu tiên Bộ Chinh trị - Ban Bí thư triệu tập một cuộc họp toàn quốc về chủ đề trọng yếu này.
Nhân dịp này tôi xin chia sẻ đôi điều suy ngẫm riêng tư về “văn hóa ngoại giao Việt Nam” với cái nghĩa là minh triết ứng xử của người Việt chúng ta trong mối bang giao với thiên hạ. Bách khoa toàn thư của nước Anh Britanica từng định nghĩa ngoại giao là “khoa học và nghệ thuật điều hành quan hệ quốc tế”. Định nghĩa trên cho thấy bản thân hoạt động ngoại giao đã mang trong mình nội hàm văn hóa.
Qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã vun đắp nên nền văn hiến huy hoàng, trong đó có văn hóa ngoại giao độc đáo. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là sự kết tinh và phát triển những giá trị vô giá được tích tụ qua các thời đại Lý, Trần, Lê, Tây Sơn... Không phải ngẫu nhiên UNESCO từng vinh danh Bác Hồ của chúng ta là “anh hùng giải phóng dân tộc” đồng thời là “nhà văn hóa kiệt xuất”!
Nội hàm “văn hóa ngoại giao” rất rộng, đòi hỏi sự nghiên cứu sâu sắc; ở đây tôi xin mạo muội chia sẻ những điều suy nghĩ riêng tư theo 4 nhóm đặc trưng.
Một là, trên thế giới hiếm có dân tộc nào giống dân tộc ta phải đổ biết bao xương máu để gìn giữ giang sơn trước các cuộc xâm lăng của các thế lực thù địch mạnh hơn gấp bội. Hận mất nước đã hun đúc thêm lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường sắt đá bảo vệ cho được quyền độc lập của dân tộc, chủ quyền của quốc gia.
Những câu thơ hào sảng trong bài “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt thể hiện mạnh mẽ lòng tự tôn và ý chí kiên cường dân tộc:
“Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành kham thủ bại hư”[1]
Trong “Hịch tướng sỹ” Trần Hưng Đạo đã trút hết tâm can thề rằng: “… dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa” cũng nguyện phanh thây quân Nguyên Mông xâm lược trà đạp nước Nam.
Tiếp nối truyền thống hào hùng của người xưa, 76 năm trước, cũng trên quảng trường Ba Đình này, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc tuyên bố trước toàn thế giới:
“Nước Việt nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[2].
Gắn liền với ý chí sắt đá bảo vệ độc lập của nước nhà, quyền tự do của nhân dân, văn hóa ngoại giao Việt Nam luôn hàm chứa tinh thần hòa hiếu.
Nghĩa quân Lam Sơn đã từng thả 10 vạn tù binh của nhà Minh về nước vào ngày 19 tháng 12 năm 1284 do:
“Nghĩ kế nước nhà trường cửu,
Tha cho mười vạn hàng binh.
Gây lại hòa hảo cho hai nước,
Dập tắt chiến tranh cho muôn đời”[3] như Nguyễn Trãi từng giãi bầy.
Một trong những biểu hiện sáng ngời về văn hóa hòa hiếu trong thời hiện đại là tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”[4].
Thể hiện tinh thần hòa hiếu, sau Cách mạng tháng Tám Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành hoạt động ngoại giao sôi động nhằm cứu vãn hòa bình. Người đã trực tiếp đàm phán với đại diện chính quyền Pháp để ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, tiếp đó đích thân thăm chính thức nước Pháp gần 5 tháng trời để chỉ đạo đoàn đàm phán của nước ta tại hội nghị Phôngtennơblô đồng thời để tranh thủ dư luận Pháp và thế giới ủng hộ nguyện vọng độc lập, thống nhất của nhân dân ta; đến phút chót, trước khi lên đường về nước, Người đã nỗ lực đàm phán để ký Tạm ước 14/9 nhằm tranh thủ thêm thời gian chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược không thể tránh khỏi.
Chuyến thăm Pháp năm 1946 của Bác thực sự là hiện tượng độc nhất vô nhị trong quan hệ quốc tế, khi nguyên thủ quốc gia từng bị cái gọi là “mẫu quốc” thực dân kết án tử hình vắng mặt, nay lại dùng máy bay và tàu chiến chính của họ sang thăm Pháp trên danh nghĩa thượng khách! Quả là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm và khí phách vô song của một vị anh hùng hiên ngang “vào hang bắt cọp” với niềm tin sắt đá vào chính nghĩa của sự nghiệp và sự đồng lòng triệu người như một của toàn dân!
Hai là, một đặc điểm khác của văn hóa ngoại giao Việt Nam là tinh thần nhân văn, như Nguyễn Trãi từng bộc bạch:
“Xét như nước Đại Việt ta,
Thật là một nước văn hiến…,
Rút cục lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn,
Lấy chữ nhân mà thay cường bạo”[5].
Tiếp nối truyền thống người xưa, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc nhưng không nuôi hận thù dân tộc, luôn phân biệt rạch ròi giữa các tầng lớp nhân dân với các thế lực hiếu chiến; sau khi kết thúc chiến tranh luôn bày tỏ thiện chí “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”; ngay đối với tù binh cũng luôn đối xử nhân đạo. Một sự kiện khác cũng thuộc loại độc nhất vô nhị trong lịch sử thế giới là sau chiến dịch biên giới toàn thắng, Bác Hồ - một vị nguyên thủ quốc gia đã ngụy trang đích thân tới thăm tù binh Pháp và dặn dò anh em chăm lo chu đáo cho cuộc sống của họ.
Làm ngoại giao, cá nhân tôi có nhiều dịp đi thăm nước ngoài và tiếp xúc với nhiều nhân vật các nước khác. Một lần tới thăm Houston - thành phố lớn nhất ở bang Texas (Mỹ), cựu Tổng thống Mỹ G. Bush (cha) có gặp riêng tôi; trong câu chuyện ông ta kể lại rằng, vào năm 1994, khi đã nghỉ hưu ông tỏ ý muốn sang thăm Việt Nam thì nhiều người khuyên can không nên đi vì người Mỹ đã gây ra nhiều điều không hay, không phải ở đất nước này, tuy nhiên, ông vẫn quyết định lên đường.
Ông rất ngạc nhiên thấy suốt chuyến đi không một ai tỏ thái độ thù nghịch gì với ông ta, mà mọi người, kể cả nhiều cựu chiến binh Việt Nam đã ứng xử với ông rất thân mật! Ông hỏi tôi vì sao như vậy? Tôi bèn trả lời rằng, người Việt Nam chúng tôi luôn kiên định bảo vệ non sông, đất nước của mình đồng thời rất rộng mở, khi hết chiến tranh luôn sẵn sàng vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai quan hệ hữu nghị, hợp tác.
Các thượng nghị sỹ Kerry (Đảng Dân chủ), McCain (Đảng Cộng hòa) vốn đã từng ngồi trong Hilton Hà Nội (hàm ý nói tới Hỏa lò) lại là những người ủng hộ mạnh mẽ quan hệ tốt đẹp giữa hai nước! Nhiều người Nhật Bản, Hàn Quốc cũng nêu ra những câu hỏi tương tự như ông Bush; đáp lại tôi luôn trả lời nửa đùa nửa thật rằng, nếu người Việt Nam chúng tôi nuôi hận thù dân tộc mãi thì sống được với ai vì quá nhiều nước lớn đến xâm lược Việt Nam!
Thực sự tinh thần nhân văn đã giúp dân tộc ta “đánh vào lòng người, không chiến cũng thắng”[6] như Nguyễn Trãi bày tỏ.
Ba là, trong khi nêu cao niềm tự hào về nền văn hiến lâu đời và bản sắc riêng có của dân tộc, người Việt Nam không bao giờ khép kín mà luôn mở lòng tiếp nhận tinh hoa văn hóa của cả phương Đông lẫn phương Tây, luôn nhạy bén nắm bắt các xu thế tiến bộ lớn của thời đại; trong thương thuyết luôn kiên định bảo vệ lẽ phải, nhưng không ngạo mạn; trong giao tiếp luôn cởi mở, nhưng không xuồng xã; trong ứng xử luôn khiêm nhường, nhưng không quỵ lụy; khi đãi đằng khách quý luôn chu đáo, nhưng không gò bó… “Ngoại giao chiến lang”, “ngoại giao bắt nạt” là những kiểu hành xử rất xa lạ đối với văn hóa ngoại giao Việt Nam.
Đối với văn minh nhân loại, ngay từ năm 1919, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”[7]. Một minh chứng khác về tinh thần cởi mở của Người là tháng 12 năm 1946, trên ngưỡng cửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đã gửi cho Liên Hợp Quốc bức thư bày tỏ: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực.
a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.
c)Nước Việt Nam chấp nhận tham gia một tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc”[8].
Xem như vậy khái niệm “hội nhập quốc tế” đã được Bác Hồ nêu ra từ 75 năm trước chứ không phải tới 1996 mới xuất hiện trong văn kiện Đại hội VIII.