. |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi phát biểu khai mạc Hội nghị đã nhấn mạnh một trong những quan điểm phát triển mang tính cốt lõi của vùng ĐBSCL chính là “lấy thích ứng với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến, muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng”.
Còn bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thì khẳng định tính dễ tổn thương vì biến đổi khí hậu, nước biển dâng của khu vực ĐBSCL và nói rằng, không thể “chống” lại xu hướng đó, mà phải dựa trên các kịch bản dự báo khác nhau về biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL để lập quy hoạch mới và có hướng đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu theo khía cạnh “ít hối tiếc” và “không hối tiếc”.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị. |
“Như thế mới bước tiếp được các bước quan trọng trong quá trình phát triển”, bà Carolyn Turk nói.
Trên thực tế, dù có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng ĐBSCL trong thời gian qua phát triển chưa như kỳ vọng. Đặc biệt, khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng…
Biến đổi khí hậu là khó lường, thậm chí theo Liên danh tư vấn Royal Haskoning HDV & GIZ, những xu hướng hiện tại là không thể “ngăn chặn” được, mà buộc phải thuận theo xu hướng đó mà phát triển.
Chính vì vậy, khi tư vấn xây dựng Quy hoạch ĐBSCL, Liên danh tư vấn Royal Haskoning HDV & GIZ cũng đề xuất nguyên tắc phát triển “thuận thiên”.
“Phát triển thuận thiên không nên dừng lại ở việc tận dụng một cách hiệu quả nhất các điều kiện tự nhiên để tăng trưởng kinh tế; mà cần coi các thách thức này là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị đối với các hoạt động phát triển”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng đã nói như vậy.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL chia sẻ về “nguyên tắc không hối tiếc trong quy hoạch ĐBSCL”. |
Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dẫn câu chuyện của Israel - quốc gia thiếu nước ngọt, nhưng họ lại có nền nông nghiệp phát triển và hiệu quả nhất thế giới với các phương thức canh tác chưa từng thấy; và Dubai - không có nhiều tài nguyên (dầu mỏ) và toàn xa mạc nhưng vẫn có nhưng đô thị phát triển mà nhiều người nổi tiếng muốn đến sống (như Đảo Cọ), để nhấn mạnh việc phải thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội.
“Đây là một quan điểm mang tầm nhìn tích cực, trong đó, không nhìn nhận vùng ĐBSCL là vùng khó khăn, toàn thách thức, mà ngược lại, cần coi biến đổi khí hậu, nước biển dâng là điều kiện không thể tránh khỏi, bắt nó phục vụ cho phát triển, điều quan trọng nhất là con người vận dụng, điều chỉnh và kiểm soát chúng thế nào để phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Không chỉ là “thuận thiên”, mà một nguyên tắc quan trọng khác cũng được nhấn mạnh khi xây dựng Quy hoạch ĐBSCL chính là nguyên tắc “không hối tiếc”, mà bà Carolyn Turk đã nói tới.
Ngay cả Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi phát biểu khai mạc Hội nghị cũng đã nhắc tới điều này. Ông nói rằng, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hữu hạn, trong khi nhu cầu tổng thể cho phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu là rất lớn…, thì việc xác định nhu cầu đầu tư, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư trong giai đoạn tới cần dựa trên quy hoạch vùng và phải tuân thủ nguyên tắc “không hối tiếc” trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của thượng nguồn có nhiều yếu tố bất định, khó lường đoán.
Nguyên tắc này cũng đã được ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL làm rõ hơn. Ông đã có một bản tham luận với rất nhiều thông tin về “nguyên tắc không hối tiếc trong quy hoạch ĐBSCL”.
“Cần áp dụng nguyên tắc không hối tiếc là vì bối cảnh không chắc chắn về tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hơn nữa, hành động thích ứng có thể đúng, có thể sai, có thể lợi về trước mắt, mà hại bộc lộ về lâu dài lợi dễ nhận thấy, hại khó nhận ra, lợi hẹp mà hại rộng. Hơn nữa, nguồn lực bao giờ cũng hạn chế, cần phải ưu tiên hóa”, ông Nguyễn Hữu Thiện nói.
Áp dụng nguyên tắc không hối tiếc, theo ông Thiện, có nghĩa là phải tính toán các phương án theo hướng có thể sửa đổi được nếu nhận ra sai lầm, tránh “đâm lao phải theo lao”, không loại bỏ các phương án thích ứng khác trong tương lai; đồng thời hành động ở nơi này, của ngành này không gây ảnh hưởng nơi khác, ngành khác.
Vị chuyên gia này đã nhắc tới một số ví dụ “hối tiếc” trước đây, như thâm canh lúa ba vụ ở một số nơi đã đem lại lợi ích ban đầu, song làm đất đai suy kiệt và về lâu dài có thể ảnh hưởng an ninh lương thực, làm mất không gian hấp thu lũ, mất tài nguyên thủy sản.
Hay việc xây dựng đê bao làm tăng ngập nơi khác, gây ra thực trạng “ngoài đồng không có nước, nhưng có rất nhiều nước trong thành phố”.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, thì việc thực hiện tốt Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, Luật Quy hoạch, cũng như Quyết định 593 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL sẽ giúp giải quyết được những vấn đề nội tại ĐBSCL, đưa vùng này phát triển. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng vào “tương lai tươi sáng” của ĐBSCL.