Nguyễn Thiện Mỹ, Giám đốc Dotata. |
Hợp tác để đi đường dài
“Chúng tôi đang chuẩn bị xuất khẩu lô hàng cà phê 13 tấn đi Mỹ”, Thiện Mỹ nói qua điện thoại, giọng đầy phấn khởi.
Cô kể, lô hàng này là cà phê mang thương hiệu Upta, được trồng theo chuẩn sản xuất châu Âu - Global GAP từ các nông trại ở huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) dưới sự tư vấn và đầu tư của ông Phạm Thái Hưng, người có thâm niên trồng cà phê ở Buôn Ma Thuột. Theo kế hoạch, cà phê Upta sẽ được xuất khẩu lô đầu tiên sang Thụy Sỹ vào đầu năm nay, nhưng do Covid-19, nên không thành. Thương lái bỏ cuộc, gia đình ông Hưng tình cờ biết được Dotata và đề nghị hỗ trợ.
Khi đó là tháng 5, Công ty TNHH Thương mại Mộc Thiên Ân (Dotata) chỉ mới khai trương được vài ngày. Thiện Mỹ kiểm tra lô cà phê và nhận thấy sự nghiêm túc của ông Hưng trong quy trình sản xuất sản phẩm. Cô thanh toán một phần giá trị và cam kết tìm đầu ra cho lô hàng.
Thông qua mạng lưới đối tác từ Bắc vào Nam, chủ yếu ở các thành phố lớn, chưa tới một tuần sau khi gửi mẫu sản phẩm để giới thiệu, Thiện Mỹ đã nhận được yêu cầu nhập hàng từ 4 chủ quán kinh doanh cà phê.
“Mỗi ngày, thị trường Việt Nam tiêu thụ vài trăm tấn cà phê, nên việc bán lô hàng đó không quá khó. Tôi dự tính, trong kịch bản kém khả quan nhất, sẽ tiêu thụ hết lô hàng trong 5 tháng, nhưng chỉ sau hơn một tháng đã hoàn thành”, Thiện Mỹ vui vẻ cho biết.
Không chỉ chuẩn bị đưa cà phê Upta đi Mỹ, Dotata còn gửi mẫu sản phẩm sang Singapore và Na-uy. Thiện Mỹ hy vọng sẽ thu về kết quả khả quan, vì Upta đã đạt chuẩn xuất sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ.
Dotata hoạt động theo mô hình khá đơn giản, đó là liên kết giữa doanh nghiệp - nhà sản xuất - nhà khoa học, trong đó, Dotata đảm nhận khâu thương mại, kết nối nông sản Việt với thị trường trong nước và quốc tế. Các sản phẩm nông sản được phân phối bởi Dotata đều được quản lý thương hiệu, thực hiện chuỗi cung ứng khép kín, đạt chuẩn Global GAP và hữu cơ (organic).
“Để giải bài toán nguồn lực có hạn, các bên nên đi cùng nhau. Nếu có sự phân công trách nhiệm, quyền lợi rõ ràng, thì sẽ cùng nhau đi xa hơn”, Thiện Mỹ tự tin nói.
Con đường thực hiện giấc mơ lớn
Thiện Mỹ tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh thương mại tại Bình Thuận. Trước khi thành lập Dotata, cô phụ giúp gia đình quản lý một công ty nội thất, song vẫn theo đuổi ước mơ giúp người nông dân có thu nhập cao với nghề nông. Chính vì thế, giữa lúc Covid-19 vẫn đang hoành hành, bỏ qua lời khuyên của bạn bè và người thân, Thiện Mỹ quyết định đưa Dotata đi vào hoạt động.
“Đây là lúc người nông dân cần sự giúp đỡ nhất”, Thiện Mỹ bảo, lý do chỉ đơn giản như vậy.
Quyết tâm giúp người nông dân đổi đời đã khắc sâu vào tâm trí Thiện Mỹ từ khi cô còn đang học phổ thông. Ba mẹ làm nông nghiệp ở Bình Thuận, nên hơn ai hết, Thiện Mỹ thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân khi sản phẩm phụ thuộc vào tự nhiên, thường xuyên đối mặt với cảnh được mùa, mất giá.
Có thời điểm, tại khu vực gia đình cô sinh sống, nhiều người sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ tràn lan, ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ dân trong khu vực lân cận. Năm đó, nông sản mất giá thê thảm, người thì đi nơi khác làm ăn, bỏ lại đồng ruộng hoang tàn; người phải tự vẫn bằng thuốc trừ sâu vì những món nợ khó trả. Điều đó ám ảnh tâm trí Thiện Mỹ trong thời gian dài.
Cô bảo, người làm nông nghiệp không có nhiều lựa chọn và luôn chịu thiệt thòi khi đứng ở cuối chuỗi cung ứng. Xuất khẩu với giá cao là câu chuyện xa vời với họ. Bản thân cô khi chứng kiến những vất vả của cha mẹ cũng không biết phải làm cách nào để giúp đỡ.
Thiện Mỹ nhớ mãi chia sẻ của một du khách người Pháp trước khi cô vào đại học: “Ở châu Âu, người nông dân không như vất vả như ở đây (Việt Nam)”.
“Vì sao đời sống của người nông dân ở châu Âu lại cao? Câu hỏi này theo tôi suốt những năm học đại học. Tôi luôn mơ ước có thể giúp người nông dân sống tốt với sản phẩm của mình”, Thiện Mỹ bộc bạch.
Sau khi ra trường, Thiện Mỹ công tác tại công ty chuyên hỗ trợ thủ tục visa xuất nhập cảnh và có cơ hội đi nhiều nước, tham quan cách người nông dân ở đó làm nông nghiệp. Được 2 năm, cô chuyển sang công ty xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng. Tại đây, Thiện Mỹ đã gây dựng được mối quan hệ với nhiều đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu, Mỹ, Australia...
Không những thế, cô còn tìm hiểu xem nước nào “chịu chi” cho nông sản của Việt Nam; thu thập thông tin, kết nối với các doanh nghiệp ở những quốc gia đó để chuẩn bị cho kế hoạch khởi nghiệp của mình.
Thiện Mỹ chia sẻ, sau thành công bước đầu với Upta, Dotata sẽ đầu tư sản xuất và phân phối mặt hàng tảo xoắn nước sâu chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp Tavina Health and Beauty. Đây là sản phẩm của công trình khoa học nuôi trồng thành công tảo xoắn nước biển sâu đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm đặc đặc trưng khác của Việt Nam là tiêu đỏ đạt chuẩn organic quốc tế cũng đang được đặt trong “chế độ chờ” của Dotata để phân phối, đặc biệt là xuất khẩu.
“Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện từng việc nhỏ để hoàn thành giấc mơ lớn hơn”, Thiện Mỹ nói.