Kiên trì với những thử nghiệm
Năm 2013, sau khi kết thúc khóa học nghiên cứu hóa sinh biển tại Đại học Tokyo (Nhật Bản), chị Thu Hồng trở về nước và bắt đầu với cuộc sống của một công chức "làm công ăn lương" tại Viện Hải dương học (Nha Trang). Đây cũng là thời điểm mà chả cá bẩn (ướp hàn the, chloramphenicol, ure, hoặc nguyên liệu cá ươn thối…) “tung hoành”. Lúc đó chị đã nghĩ, tại sao mình không bắt đầu với chả cá?
Học ngành hóa sinh, nghe những nghiên cứu về cơ chế tạo dai của chả cá tại Nhật Bản, thưởng thức chả cá Kamaboko, chính bản thân chị bị món ăn này hấp dẫn. Với sự quyết tâm, chị khẳng định với một giáo sư tại trường là sẽ phát triển chả cá tại Việt Nam và bắt tay thực hiện từ tháng 8/2013.
Nguyễn Thu Hồng (áo đỏ), người sáng lập thương hiệu chả cá Kamaboko. |
“Từ ý tưởng đến sản phẩm cuối cùng trải qua rất nhiều giai đoạn. Tôi mất khoảng 10 tháng để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại Việt Nam, rồi đến phòng thí nghiệm tại Nhật. Tiếp đến, qua thực tế 10 tháng nữa và cuối cùng đã ra được sản phẩm chả cá Kamaboko như hiện tại. Nghĩa là gần 3 năm thì mới có sản phẩm tạm hài lòng và giới thiệu đến cộng đồng”, chị Hồng chia sẻ.
Ban đầu phải tự chế dụng cụ thí nghiệm, tìm hiểu kiến thức từ sách, báo, Internet, đôi khi phải nhờ bạn học ở Nhật trợ giúp. Không chỉ vậy, vào mỗi dịp tham gia các khóa học ngắn hạn tại Nhật, chị lại mang chả cá (sản phẩm dù chưa hoàn hảo) sang bán để có tiền chi tiêu. Đam mê tạo thành cơ hội. Chị được một giáo sư ở trường hỗ trợ vé máy bay, phòng trọ.
“Biết các bạn Việt tại Nhật thích chả cá, cứ mỗi chuyến đi từ Việt Nam sang, tôi bắt đầu mang theo 30-40 kg chả cá của mình làm để qua bán với giá 400.000 đồng một kg. Có lần bước qua tháng Hai, thời tiết rất lạnh, tay tê cóng, môi nứt chảy máu mà vẫn cố gắng kéo lê đống hành lý ‘khủng’ như thế lên tàu. Thực sự, đã có lúc tôi ứa nước mắt và tự thương thân mình. Sau hai năm làm việc quá vất vả, to bị đau nhức cột sống do mang vác quá mức, chưa kể việc học ở Nhật rất cực, toàn từ sáng đến khuya”, chị Hồng cho biết.
Chị nhận ra thuận lợi và khó khăn luôn cùng tồn tại, điều quan trọng là mình có dám kiên trì thực hiện mục tiêu đã đề ra hay không. Những khó khăn đã tạo cho chị sức mạnh, sự nhẫn nại và càng khó khăn, chị càng dặn lòng phải cố gắng nhiều nữa. “Chả cá Kamaboko được sinh ra từ quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm và quá trình này vẫn đang tiếp tục. Có sản phẩm mất cả năm mới được, như “A-ge kamaboko” (còn gọi là Kamaboko nướng) chúng tôi mới thành công chỉ cách đây 2 tuần, mặc dù dòng sản phẩm này đã được bắt đầu làm từ 2015”, chị Thu Hồng cho chia sẻ.
Theo sau đam mê là cơ hội
“Hàng ngày, cứ sáng sớm tôi lên làm việc tại cơ quan, tối về làm chả cá đến 2 giờ sáng, sau đó 5 giờ thì đóng hàng để bán hàng qua mạng xã hội là chính. Nhưng được khoảng một tháng thì tôi mệt mỏi vì mất sức, phải nhập viện, trong khi việc kinh doanh vẫn chưa hiệu quả”, chị Hồng kể.
Chị nhận ra trong kinh doanh, để thành công không bao giờ đến từ một người, mà nó được tạo bởi một đội nhóm. Thế là, chị tìm đến những cộng sự mới, những người cũng từng là du học sinh Nhật như chị, hiểu được giấc mơ chả cá và tiềm năng của sản phẩm. Mỗi người một việc, có hoạch định rõ ràng, trong nhóm cũng cam kết chịu khổ và trung thành với mục tiêu của dự án. Sau một thời gian vật lộn, chị đã tiếp cận được nhà đầu tư lớn có cùng nhiệt huyết và cùng chị sang Nhật Bản để gặp gỡ giám đốc của các công ty sản xuất chả cá uy tín tại Nhật Bản để hợp tác phát triển chả cá tại Việt Nam.
Chả cá Kamaboko được biết đến là sản phẩm hoàn toàn sạch, có độ dai tự nhiên vì không có hóa chất tạo dai nào. Ngoài ra, loại chả cá này còn có những đặc điểm nổi bật như chất dinh dưỡng chủ yếu là các protein, ít béo và nhiều khoáng chất, tốt cho sức khỏe, não, góp phần chống lão hóa, điều hòa đường huyết…
Hiện mỗi ngày, cơ sở của nhóm chị ở Nha Trang (Khánh Hòa) sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 30 kg chả cá. “Chúng tôi có khoảng 10 dòng sản phẩm. Với kỹ thuật chúng tôi đang làm, thì chả cá Kamaboko rất đa dạng, vì có thể tạo nhiều hình dạng mình muốn mà vẫn điểu khiển được độ dai của nó. Độ dai còn thêm độ sần sật, mềm mại một cách tự nhiên, thơm mùi cá, chứ không phải mùi gia vị như các sản phẩm trên thị trường hiện tại. Ai tinh ý sẽ thấy điều đó”, chị Hồng nói.
Chả cá Kamaboko của chị Hồng hiện chủ yếu phân phối tại các nhà hàng và siêu thị ở Khánh Hòa và TP.HCM. Một số cửa hàng đại lý bán thực phẩm sạch cũng đã liên hệ với chị để bán Kamaboko.
Trong chuyến công tác gần đây cùng đồng nghiệp ở Viện Hải dương học đến Bến Tre, chị được một lãnh đạo ở đây kết nối với nhà đầu tư. Sắp tới, một cơ sở sản xuất chả cá 2.000 m2 sẽ được xây dựng. Khi đó, chị sẽ liên kết để đưa các sản phẩm vào hệ thống siêu thị và hướng đến việc xuất khẩu. Nhưng trước hết, chị muốn mọi người Việt đều được sử dụng sản phẩm sạch này, vì “dân tộc mình không khỏe mạnh thì sao có thể phát triển được”.
Chị còn cho biết, từ khi có Kamaboko, chị có nhiều đam mê hơn và cảm thấy việc nghiên cứu của mình thú vị hẳn lên, vì càng làm càng thấy hấp dẫn trước biển kiến thức vô vàn. Tiếp xúc với chị, ai cũng có thể cảm nhận rõ sự đam mê mãnh liệt mà doanh nhân này đành cho chả cá Kamaboko, để phải đồng ý với chị rằng: “Có đam mê, có tâm huyết, chắc chắn sẽ có cơ hội”.