Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương là người có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với “anh Đỗ Mười” (cách nhà báo lão thành Hữu Thọ xưng hô thân tình với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười), bởi trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ông công tác ở Thái Bình thuộc Khu III, thì đồng chí Đỗ Mười làm Bí thư Khu ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính, kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu Tả Ngạn sông Hồng; khi nhà báo Hữu Thọ làm Tổng biên tập Báo Nhân Dân, rồi Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, thì đồng chí Đỗ Mười là Tổng Bí thư, rồi Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn quan tâm và chỉ đạo sâu sát tình hình kinh tế đất nước. Trong ảnh: Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm một số hộ làm kinh tế giỏi ở Bắc Giang (9/1994) |
Trong nhiều câu chuyện được chứng kiến hoặc nghe những người tin cậy kể về Tổng Bí thư Đỗ Mười, nhà báo Hữu Thọ ấn tượng với những quyết sách, chỉ đạo của Tổng Bí thư trong một năm vào thời kỳ đổi mới mà ông cho rằng, thể hiện được phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tấm lòng với nước, với dân và những ý tưởng, chủ trương đúng đắn trong các thời khắc quan trọng của đất nước.
Đó là năm 1997, kinh tế đang diễn biến thuận lợi trong thời kỳ đổi mới, tiếp tục tăng trưởng 7-8%/năm, thì khoảng tháng 7/1997, xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, bắt đầu từ Thái Lan, sau đó lan rộng ra và ảnh hưởng sâu sắc tới nước ta. Cuộc khủng hoảng kinh tế lần này là dịp để chúng ta nhìn lại những việc làm được rất quan trọng và đặc biệt là những yếu kém để khắc phục trên con đường tiến lên.
Nước nào phát triển cũng phải đi vay, lúc đó ta mới nợ khoảng 8,5 - 9 tỷ USD, nhưng “té nước theo mưa”, một số định chế tài chính thế giới xếp nước ta vào danh sách 41 nước nợ lớn và cho rằng là một trong số 18 nước khó trả được nợ.
Chúng ta cũng nhận ra những yếu kém trong quản lý vĩ mô của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: để phân biệt giàu nghèo quá nhanh; việc giải quyết việc làm và những vấn đề xã hội, nhất là giải quyết nạn tham nhũng chưa tốt; vấn đề thực thi dân chủ còn có mặt hạn chế, mà Tổng Bí thư nói thẳng thắn, công khai: “Có nơi vi phạm nghiêm trọng quyền làm chủ của dân...”, không những làm giảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế, mà còn “tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định về kinh tế, xã hội” và nhân tố đó có phần tăng lên.
Nhưng quan trọng là phải có những biện pháp giải quyết vấn đề khủng hoảng kinh tế thế giới đang ảnh hưởng tới nước ta. Trong lúc này, chúng ta cần nhiều vốn để kích thích nền kinh tế, không để các doanh nghiệp đình đốn, làm cho thất nghiệp trở thành vấn đề xã hội lớn, trong khi vốn ngân sách rất eo hẹp. Còn nhớ lúc đó, nhiều nước sẵn sàng cho ta vay 500 triệu USD, nhưng điều quan trọng là với những ràng buộc mà nếu làm theo thì nền kinh tế và có khi cả chính trị cũng bị lệ thuộc, do đó Trung ương Đảng không chấp nhận.
Lúc ấy, ông Hữu Thọ là Ủy viên Trung ương, nghe ngóng diễn biến sự việc cảm thấy rất lo lắng. Trách nhiệm là phải có phương hướng làm yên lòng các cán bộ cốt cán trong thời buổi khó khăn này. Lúc đó, chuẩn bị họp mặt định kỳ các cán bộ cốt cán của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương để truyền đạt thì đồng chí Tổng Bí thư gọi điện sang nói: “Để tớ (đồng chí hay xưng hô thân mật như thế) sang trực tiếp gặp mặt anh chị em và truyền đạt Nghị quyết của Bộ Chính trị, vì lực lượng này quan trọng lắm”.
Tại cuộc họp, đồng chí Đỗ Mười say sưa phân tích thế và lực mới của đất nước, nêu thắng lợi, nhưng nói thẳng những khuyết tật của nền kinh tế, đồng thời nói rõ không thể chấp nhận vay tiền có điều kiện để bị ràng buộc, vì sẽ mất quyền tự chủ và gây ra những vấn đề xã hội phức tạp mới. Do đó, phải ra sức phát huy nội lực để vượt qua.
Đây có lẽ là lần đầu tiên, những cán bộ cốt cán của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương được đồng chí Tổng Bí thư nói sâu về thời cơ, thách thức, về tiềm lực mới sau 10 năm đổi mới và những quan niệm mới về nội lực của dân tộc. Nói về tiềm năng mới, đồng chí nêu, nông nghiệp nước nhà đã bước đầu trở thành nông nghiệp hàng hóa, tiềm năng công nghiệp đã khác trước, đặc biệt là tiềm lực con người Việt Nam với 76 triệu dân, 35 triệu lao động (lúc đó) và với ý chí và trí tuệ tiềm tàng..., nghĩa là thế lực đất nước đã thay đổi.
Đồng chí đã phân tích toàn diện về nội lực, bao gồm trước hết là năng lực ý chí, trí tuệ và năng lực mọi mặt của dân tộc, của con người Việt Nam. Đó là tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật. Đó là truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng... Nói về vốn là thứ mọi người quan tâm, thì đồng chí nêu rõ quan điểm của Trung ương, nói rõ vốn thì quan trọng, nhất là vốn con người, còn vốn tài chính thì không chỉ là vốn ngân sách, mà còn là vốn trong dân rất lớn. Nếu có chính sách hợp lý để huy động, thì không quá thiếu, do đó, dù vốn nước ngoài rất quan trọng, nhưng vốn trong nước là chính.
Nội lực, theo đồng chí, còn có tinh thần tiết kiệm, sự đầu tư hợp lý và có hiệu quả, là kiên quyết chống lãng phí, tham ô... Đồng chí nói: “Khi nói nội lực là phải nhớ tới nội lực toàn diện của dân tộc, khắc phục tình trạng người làm kinh tế thì chỉ nói về nội lực về kinh tế, người làm văn hóa thì chỉ nói nội lực về văn hóa. Nếu quan niệm nội lực toàn diện thì mới thấy nội lực của dân tộc là to lớn. Do đó, quyết tâm vượt qua thử thách bằng nội lực là chính để không phụ thuộc, không bị sức ép”.
Cuộc truyền đạt trực tiếp của Tổng Bí thư hôm ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc cho các bộ cốt cán, không chỉ vì lý lẽ, mà quan trọng là ở tấm lòng, lòng tin ở tính chiến đấu, lý lẽ thuyết phục của người lãnh đạo, về tinh thần độc lập tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế. Đó thực sự là bài học và cũng là kỷ niệm sâu sắc trong công tác của ông Hữu Thọ và các cán bộ Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.