Thưa ông, là người hoạt động báo chí đã tròn nửa thế kỷ, trong đó có hơn 30 năm đất nước đổi mới, hội nhập, ông đánh giá thế nào về đóng góp của báo chí và người làm báo đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước?
Hơn 30 năm đổi mới và hội nhập, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, được bạn bè quốc tế cảm phục. Đó là những thành tựu mà như văn kiện Đảng ta đã ghi là “to lớn, có ý nghĩa lịch sử”.
Để đạt những thành tựu đó, bên cạnh những đóng góp, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, thì báo chí, những người làm báo, vừa với tư cách là những công dân, vừa với tư cách một lực lượng đặc biệt - những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đã có những đóng góp quan trọng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Nhà báo, PGS.TS Hồng Vinh |
Với chủ trương “phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội”, coi như “kiềng ba chân” trong xây dựng đất nước ta phát triển theo hướng nhanh và bền vững, báo chí đã thực sự “vào cuộc”, vừa phản ánh, phân tích, vừa phản biện, đề xuất, góp ý cả về đường lối và tổ chức thực hiện đường lối.
Báo chí đã tích cực phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời tham gia tích cực đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, các hành vi cản trở sự phát triển. Đặc biệt, báo chí đã tham gia cuộc đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, mưu toan bóp méo, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vai trò lãnh đạo của Đảng.
Nói riêng về lĩnh vực kinh tế, báo chí đã thực hiện vai trò của mình ở những khía cạnh nào, thưa ông?
Tôi rất mừng là trong sự phản ánh toàn diện về đời sống kinh tế - xã hội nói chung thì báo chí rất quan tâm phản ánh hoạt động kinh tế - đúng với tinh thần kinh tế là trọng tâm. Cụ thể là:
Tôi là một độc giả đọc Báo Đầu tư từ lâu, rất mừng là Báo có tính chuyên sâu, từ nhiều năm trước đã đi tiên phong trong làng báo về thông tin kinh tế, nhất là thông tin về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tới nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, Báo Đầu tư vẫn giữ được độ chững chạc, đứng đắn, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo mang tính đặc thù, chuyên sâu.
Tham gia Hội đồng Chung khảo Báo chí quốc gia nhiều năm qua, tôi thấy Báo Đầu tư ngày càng có thêm nhiều tác phẩm tốt, được đông đảo đồng nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin nồng nhiệt chúc mừng và mong rằng, Báo sẽ tiếp tục có những tác phẩm chất lượng, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.
Nhà báo, PGS.TS Hồng Vinh
Thứ nhất, báo chí thông tin kịp thời về chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta.
Thứ hai, báo chí thông tin về các hoạt động thực hiện đường lối kinh tế đó thông qua việc phản ánh những chính sách cụ thể, những hoạt động cụ thể của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thứ ba, qua việc phản ánh, thông tin đó, báo chí phát hiện những vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách khi áp dụng vào thực tiễn; những phát sinh, nổi cộm trong môi trường đầu tư… để kiến nghị, đề xuất điều chỉnh, bổ sung hay tháo gỡ. Ví dụ, vừa qua, báo chí đồng hành cùng các doanh nghiệp phản ánh những bất cập, góp phần thúc đẩy các cơ quan quản lý cắt giảm hàng trăm, hàng ngàn điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính nhằm làm môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch hơn, thông thoáng hơn, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động hiệu quả hơn.
Trên cơ sở thông tin, phản biện và đề xuất đó, báo chí góp phần nâng cao hiểu biết, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của đất nước.
Đặc biệt, khi các thế lực xấu cố tình bóp méo, xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, cho rằng kinh tế thị trường là mâu thuẫn với “định hướng XHCN”, báo chí đã tập trung phản ánh, phân tích bản chất đời sống kinh tế ở nước ta, góp phần chỉ rõ, kinh tế thị trường là thành tựu của nhân loại, chúng ta vận dụng thành tựu đó vào nước ta nhưng theo định hướng XHCN, mà bản chất của nó là đem lại lợi ích cho nhân dân. Điều đó rất khác với các nước tư bản là chỉ nhằm tăng lợi nhuận, phục vụ lợi ích của một nhóm người có thế lực. Tôi cho rằng, điểm này báo chí ta đã làm tốt bước đầu.
Thực tiễn công cuộc đổi mới những năm qua cũng như chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi mới đối với báo chí như thế nào, thưa ông?
Bên cạnh những đóng góp tích cực như đã nêu trên, thực tiễn cuộc sống và đời sống kinh tế - xã hội đòi hỏi báo chí phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa. Theo tôi, báo chí ta cần có thêm nhiều bài viết phân tích với luận chứng vững chắc, khoa học, gắn lý luận với thực tiễn sinh động về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, để làm rõ, sâu sắc và thuyết phục hơn nữa về tính đúng đắn của đường lối phát triển quan trọng này. Điều cần nhấn mạnh là, công cuộc đổi mới đã được nhìn nhận, đánh giá, tổng kết ở những mức độ, phạm vi khác nhau, nhất là trong Văn kiện Đại hội Đảng. Nhưng báo chí không phải là “bản sao” văn kiện, mà phải góp sức tham gia tổng kết, khẳng định cả về thành tựu cũng như mặt chưa được, nhất là phân tích, chỉ rõ những mắt xích quan trọng cần tháo gỡ, đề xuất những giải pháp tạo động lực mới phát triển nền kinh tế.
Phải chăng động lực đó là phải tích cực và kiên trì tái cơ cấu nền kinh tế? Đâu là mũi nhọn, đâu là mấu chốt của tái cơ cấu? Đâu là trọng tâm của CNH, HĐH, nhất là công CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn? Ngành nào cần hiện đại hóa nhanh? Động lực từ ứng dụng công nghệ cao trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0? Những cơ chế, chính sách đột phá nào để tăng thu hút vốn đầu tư? Theo tôi, đó là những câu hỏi lớn mà báo chí - với tính chất nhạy bén, tiên phong có thể tham gia tích cực để tìm câu trả lời từ thực tiễn.
Thưa ông, trong bối cảnh kinh tế thị trường, báo chí chịu không ít tác động, thậm chí là tác động tiêu cực. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này ?
Báo chí là hoạt động trong đời sống, gắn bó chặt chẽ với đời sống, không thể tách khỏi mối tương tác qua lại với đời sống, nên báo chí chịu những tác động từ kinh tế thị trường là đương nhiên. Có những tác động tốt, tích cực, giúp báo chí trở nên nhanh nhạy hơn, hiện đại hơn, phát triển tốt hơn. Đáng tiếc là cũng có những tác động tiêu cực từ kinh tế thị trường tới các cơ quan báo chí và một số người làm báo hiện nay.
Đã có hiện tượng một số nhà báo phản ánh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực quá đà, chỉ tập trung săm soi, tìm những kẻ hở, những sai phạm, sai sót của một số doanh nghiệp để đe dọa, trục lợi.
Đã xuất hiện tình trạng “đánh hội đồng”, tập hợp những phóng viên của một vài tờ báo cùng nhắm vào một cá nhân, một doanh nghiệp, nhằm tạo sức ép với mục đích “trục lợi”. Dư luận cũng băn khoăn hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” của một số báo mạng vừa qua. Những điều đó suy cho cùng là xuất phát từ động cơ không trong sáng của người làm báo.
Những tiêu cực đó là nỗi xót xa của những nhà báo chân chính. Đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”, từ thực trạng đó, nhân dân giảm niềm tin vào báo chí.