Trong quý II/2024, Nhà Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt 9,52 tỷ đồng, giảm 90,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 7,68 tỷ đồng, giảm 87,5% so với thực hiện trong quý II/2023. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 53,4%, về 17,8%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 96,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 50,33 tỷ đồng, về 1,69 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 225,8%, tương ứng tăng thêm 30,12 tỷ đồng, lên 43,46 tỷ đồng; chi phí tài chính ghi nhận dương 32,94 tỷ đồng so với cùng kỳ ghi nhận âm 9,72 tỷ đồng, tức tăng chi phí tài chính thêm 42,66 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 47,2%, tương ứng giảm 2,02 tỷ đồng, về 2,26 tỷ đồng; và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý II, Nhà Đà Nẵng ghi nhận lỗ 33,51 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 57,46 tỷ đồng, tức giảm tới 90,97 tỷ đồng.
Như vậy, với việc hụt doanh thu và biên lợi nhuận gộp thu hẹp, lợi nhuận gộp mà Nhà Đà Nẵng tạo ra đã không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Công ty thoát lỗ do doanh thu tài chính tăng đột biến.
Lý giải về kết quả kinh doanh tiếp tục lao dốc trong quý II, bà Cao Thị Thiện, người được uỷ quyền công bố thông tin tại Nhà Đà Nẵng cho biết nguyên nhân lợi nhuận giảm do doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản giảm.
Hụt doanh thu chuyển nhượng bất động sản trong nửa đầu năm 2024
Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm 2024, Nhà Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt 24,03 tỷ đồng, giảm 92,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 40,18 tỷ đồng, giảm 76% so với nửa đầu năm 2023.
Theo thuyết minh Báo cáo tài chính về biến động doanh thu và doanh thu tài chính nửa đầu năm 2024, Nhà Đà Nẵng cho biết thêm doanh thu tài chính giảm do doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm 94,8%, tương ứng giảm 293,37 tỷ đồng về 16,07 tỷ đồng; và doanh thu tài chính tăng đột biến do lãi đầu tư chứng khoán là 69,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 0,17 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2024, Nhà Đà Nẵng lên kế hoạch doanh thu 74,71 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 61,01 tỷ đồng, giảm 72% so với thực hiện trong năm 2023.
Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với lợi nhuận đạt 40,18 tỷ đồng, Nhà Đà Nẵng đã hoàn thành 65,9% so với kế hoạch lãi 61,01 tỷ đồng trong năm 2024.
Bên cạnh kinh doanh lao dốc, xét về dòng tiền trong nửa đầu năm 2024, Nhà Đà Nẵng ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 194,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 137,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 114,48 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 81,6 tỷ đồng.
Được biết, trước đó trong năm 2023, Nhà Đà Nẵng cũng đã ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 266,9 tỷ đồng, đây là giá trị dòng tiền kinh doanh âm lớn thứ hai từ năm 2010 tới nay (dòng tiền âm kỷ lục năm 2021 với giá trị âm 678,48 tỷ đồng).
Mang hơn 45,6% tổng tài sản đi đầu tư chứng khoán
Tính tới 30/6/2024, tổng tài sản của Nhà Đà Nẵng tăng 1,2% so với đầu năm, lên 1.341,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 818,7 tỷ đồng, chiếm 61% tổng tài sản; bất động sản đầu tư ghi nhận 182,7 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 130,1 tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng tài sản; và các khoản mục khác.
Danh mục đầu tư chứng khoán của Nhà Đà Nẵng tại thời điểm 30/6/2024 (Nguồn: Nhà Đà Nẵng) |
Điểm đáng lưu ý, tại thời điểm cuối quý II/2024, tổng giá trị đầu tư chứng khoán đã tăng 41% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 177,6 tỷ đồng, lên 611,2 tỷ đồng và chiếm tới 45,6% tổng tài sản. Trong đó, chủ yếu đầu tư 68,9 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG, 60,5 tỷ đồng vào cổ phiếu NVL, 55 tỷ đồng cổ phiếu STB, 15,6 tỷ đồng vào cổ phiếu DGC, 8,7 tỷ đồng vào cổ phiếu QTP, và còn lại 402,4 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác (đầu tư mới cổ phiếu NVL trong nửa đầu năm 2024, trích lập dự phòng 14,99 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 24,76% tổng giá trị đầu tư).
Như vậy, nếu xét vào danh mục đầu tư, Nhà Đà Nẵng đã tăng quy mô đầu tư vào thị trường chứng khoán khi tăng đầu tư cổ phiếu NVL và các cổ phiếu khác, ngược lại giảm đầu tư cổ phiếu DGC, HPG, STB.
Ngoài ra, cũng tại thời điểm cuối quý II/2024, chỉ báo tiềm năng ghi nhận doanh thu trong tương lai, khoản mục người mua trả tiền trước tiếp tục giảm 27,6% so với đầu năm, tương ứng giảm 13,4 tỷ đồng về còn 35,2 tỷ đồng và chỉ chiếm 2,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, đỉnh điểm thời điểm 31/12/2020, khoản mục người mua trả tiền trước lên tới 967,1 tỷ đồng, chiếm 44,1% tổng nguồn vốn (quy mô tổng nguồn vốn thời điểm đó là 2.195 tỷ đồng).
Nhà Đà Nẵng có thuyết minh người mua trả tiền trước chủ yếu do ghi nhận 35,1 tỷ đồng khách hàng trả trước khi mua sản phẩm tại khu phức hợp Monarchy – Block B.
Tính đến cuối quý II/2024, dự án Monarchy - Block B gần như đã bàn giao xong, chỉ còn 100,9 tỷ đồng tồn kho (đầu năm là 123 tỷ đồng) và 35,1 tỷ đồng người mua trả tiền trước (hồi đầu năm 2020, dự án này ghi nhận tồn kho 721,7 tỷ đồng và người mua trả tiền trước 1.386,8 tỷ đồng).
Như vậy, nếu không có sự đột phá để triển khai dự án Paracel (vẫn duy trì giá trị xây dựng cơ bản dở dang là 11,2 tỷ đồng so với đầu năm), hoặc thực hiện M&A dự án khác, Nhà Đà Nẵng sẽ thiếu dự án gối đầu và lợi nhuận phụ thuộc vào hoạt động đầu tư tài chính.