Trong năm 2024, Nhà Đà Nẵng lên kế hoạch doanh thu 74,71 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 61,01 tỷ đồng, giảm 72% so với thực hiện trong năm 2023.
Về định hướng kinh doanh, Nhà Đà Nẵng cho biết sẽ hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất căn hộ Monarchy Block B và tiếp tục bàn giao các căn hộ đủ điều kiện, đồng thời mở bán căn hộ còn lại hoặc đầu tư nội thất và cho thuê các căn hộ chưa bán thuộc dự án.
Đối với thị trường chứng khoán, ưu tiên bảo vệ thành quả của danh mục đầu tư, đầu tư vào các kênh đầu tư tài chính ít rủi ro, ưu tiên đầu tư vào cổ phiếu có chỉ số Beta thấp và kỳ vọng tăng trưởng cao.
Đối với dự án mới, thực hiện các thủ tục xin phép, và cấp phép cho dự án 13 Nguyễn Chí Thanh; tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, hoặc mua lại quỹ đất từ các đối tác bất động sản uy tín, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị cho chiến lược phát triển.
Về chính sách cổ tức, mặc dù lãi tăng đột biến trong năm 2023 từ lỗ 142,96 tỷ đồng sang lãi 218,1 tỷ đồng (tăng 361,06 tỷ đồng) nhưng Nhà Đà Nẵng vẫn quyết không trả cổ tức cho cổ đông. Trong đó, lý do được đưa ra để bù đắp các khoản lỗ năm 2022 và đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) do điều chỉnh quy hoạch dự án Monarchy Block B (dự án đã bàn giao và ghi nhận lãi đột biến trong các năm qua).
Có lãi trở lại trong năm 2023
Một điểm đáng lưu ý, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán và Định giá ASCO đã thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2024 của Nhà Đà Nẵng. Trong đó, đơn vị kiểm toán đã nêu ra một số vấn đề cần nhấn mạnh.
Đầu tiên, theo kết quả sơ thẩm vụ án liên quan đến các vấn đề trước khi cổ phần hoá tại Nhà Đà Nẵng giai đoạn năm 2010 liên quan tới ông Nguyễn Quang Trung, Cục thi hành án thành phố Đà Nẵng đã tạm giữ 22 tỷ đồng mà Nhà Đà Nẵng đã nộp để khắc phục hậu quả và khoản tiền gửi không kỳ hạn của Công ty với số tiền 214,62 tỷ đồng tiếp tục bị tạm giữ để phục vụ thi hành án.
Như vậy, tổng số tiền tạm giữ để thi hành án là 236,62 tỷ đồng.
Ngoài ra, Nhà Đà Nẵng cũng có nghĩa vụ hoàn trả cho UBND thành phố Đà Nẵng số tiền 81,24 tỷ đồng, số tiền này được trích từ hai khoản tạm ứng ở trên.
Và thứ hai, để khắc phục hậu quả liên quan đến vụ án, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Nhà Đà Nẵng đã thông qua việc sử dụng các nguồn vốn như lợi nhuận chưa phân phối các năm trước (kể từ năm 2022 trở về trước), quỹ thưởng ban điều hành Công ty, quỹ khen thưởng phúc lợi, quỹ đầu tư phát triển để khắc phục hậu quả của vụ án.
Được biết, ngày 4/1/2024, Toà án Nhân dân TP. Đà Nẵng đã ban hành bản án xét xử sơ thẩm đối với ông Nguyễn Quang Trung (Nguyên Tổng giám đốc Nhà Đà Nẵng) về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Và cuối cùng, Báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC, khác đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2023. Trong đó, kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022 đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc Công ty chưa ghi nhận chi phí lãi phát sinh từ việc chậm bàn giao căn hộ theo điều khoản hợp đồng mua bán căn hộ.
Tuy nhiên, tại Báo cáo kiểm toán năm 2023, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán và Định giá ASCO không đề cập tới vấn đề chưa ghi nhận chi phí lãi phát sinh từ việc chậm bàn giao căn hộ theo điều khoản hợp đồng mua bán căn hộ.
Xét về hoạt động kinh doanh, kết thúc năm 2023, Nhà Đà Nẵng ghi nhận doanh thu tăng thêm 432,34 tỷ đồng, lên 435,76 tỷ đồng (cùng kỳ ghi nhận 3,42 tỷ đồng); và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 218,15 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 142,96 tỷ đồng, tức tăng thêm 361,11 tỷ đồng.
Nhà Đà Nẵng thiếu dự án mới khi bàn giao và ghi nhận phần lớn doanh thu đặt cọc của khách hàng dự án Monarchy - Block B trong năm 2023
Ngoài ra, về quy mô tài sản, tính tới 31/12/2023, tổng tài sản của Nhà Đà Nẵng giảm 11,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 172 tỷ đồng, về 1.325,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 771,6 tỷ đồng, chiếm 58,2% tổng tài sản; bất động sản đầu tư ghi nhận 167,4 tỷ đồng, chiếm 12,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 152,8 tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 133,2 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Điểm đáng lưu ý, trong năm tài sản biến động mạnh chủ yếu tồn kho giảm 66,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 267,6 tỷ đồng, về 133,2 tỷ đồng; đầu tư chứng khoán tăng 39,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 123,1 tỷ đồng, lên 433,6 tỷ đồng và bằng 32,7% tổng tài sản.
Đối với tồn kho, giá trị giảm chủ yếu do dự án Khu phức hợp Monarchy - Block B đã giảm tồn kho từ 390,99 tỷ đồng, về 123 tỷ đồng, tức giảm 267,98 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với dự án mới, dự án công trình A2.2 Phan Đăng Lưu tiếp tục duy trì chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 11,23 tỷ đồng, tương đương đầu năm, điều này cho thấy dự án tiếp tục không được triển khai và Công ty không có dự án mới sau khi đã bàn giao phần lớn dự án Monarchy - Block B trong năm 2023.
Được biết, đối với danh mục đầu tư chứng khoán, tại thời điểm 31/12/2023, danh mục đầu tư chủ yếu hơn 90 tỷ đồng cổ phiếu DGC, hơn 78 tỷ đồng cổ phiếu STB, hơn 72,8 tỷ đồng cổ phiếu HPG…
Ngoài ra, cũng tại thời điểm cuối năm 2023, người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm tới 89,3% so với đầu năm, tương ứng giảm 405,7 tỷ đồng, về 48,6 tỷ đồng và chỉ bằng 3,7% tổng nguồn vốn (đầu năm ghi nhận 454,3 tỷ đồng và bằng 30,3% tổng nguồn vốn). Trong đó, chủ yếu do khoản mục khách hàng trả trước khu phức hợp Monarchy - Block B giảm từ 454,2 tỷ đồng, về 48,5 tỷ đồng, tức giảm 405,7 tỷ đồng.