Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đủ điều kiện để tổ chức thu phí. |
Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) vừa chính thức lên tiếng về việc vận hành thu phí, hoàn vốn Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Nỗ lực của doanh nghiệp và hiệu quả của tuyến đường
Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau 13 năm thi công (2009 - 2022) đã hoàn thành vào ngày 30/4/2022.
Trong giai đoạn đầu (2009 - 2019), nhóm nhà đầu tư do Đinh Ngọc Hệ (sau đó bị bắt), Dự án chỉ thực hiện chỉ được10 % khối lượng. Giai đoạn 2019-2022, dưới sự điều hành của Tập đoàn Đèo Cả, Dự án hoàn thành 90% khối lượng còn lại đúng cam kết, đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, tuân thủ Hợp đồng BOT đã ký.
Trong 3 năm qua, Tập đoàn Đèo Cả đã phải xử lý các tồn tại liên quan đến nhà đầu tư, nhà thầu cũ năng lực yếu, biến đổi khí hậu dẫn đến hạn, xậm nhập mặn, khan hiếm nguồn vật liệu, thi công trên nền đất yếu, dịch bệnh Covid-19 tấn công... với sự nỗ lực của các bên là các nhà đầu tư, nhà thầu mới, các ngân hàng hợp vốn… đã đưa dự án hoàn thành sau 3 năm.
Mặc dù vẫn đang trong quá trình thi công nhưng xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của người dân, doanh nghiệp dự án đã thu xếp, tổ chức lưu thông tạm trên tuyến để phục vụ nhân dân trong 2 dịp Tết cổ truyền 2021 và 2022.
Việc phục vụ người dân không thu phí là thiện chí của nhà đầu tư, đồng thời qua đó để đánh giá khách quan về chất lượng và tìm ra các bất cập cần phải giải quyết để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ của công trình.
Hiện nay, đơn vị quản lý vận hành đã huy động 200 nhân sự và hàng chục đầu thiết bị máy móc nỗ lực vận hành tuyến đường này trong tình trạng lưu lượng tăng đột biến. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã phục vụ hơn 2,2 triệu lượt xe (lưu lượng trung bình trong 30 ngày gần đây là 30.512 lượt xe/ngày đêm), xử lý hơn 50 vụ va chạm, cứu hộ 550 trường hợp xe gặp sự cố và tiếp nhận giải đáp 1.172 cuộc gọi của người tham gia giao thông thông qua tổng đài điện thoại khẩn cấp.
Đáng chú ý, trong số các vụ va chạm trên tuyến, nguyên nhân tới 43% do lái xe chuyển hướng không đúng quy định, 36% chạy quá tốc độ, 6% sử dụng rượu bia… Cho thấy trước mắt dự án cần được thu phí để góp phần điều tiết lưu lượng và nhà nước sớm triển khai xây dựng giai đoạn 2, hoàn thiện dự án.
Theo doanh nghiệp dự án, với vai trò là tuyến đường huyết mạch quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dù mới hoàn thành giai đoạn 1 nhưng tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã giải quyết được tình trạng căng thẳng do ùn tắc gây bức xúc cho người dân kéo rất nhiều năm trước, đẩy nhanh sự liên thông kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó càng cho thấy sự cấp thiết của dự án và chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ khi đã quan tâm chỉ đạo các biện pháp tháo gỡ sớm đưa dự án vào sử dụng.
Những hệ quả khi chậm đưa vào thu phí
Hiện nay, các yêu cầu của tỉnh Tiền Giang (vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền), Bộ GTVT và Hội đồng kiểm tra nhà nước (Bộ Xây dựng) đã được doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, đảm bảo điều kiện đưa dự án vào khai thác.
Các mức phí từng loại xe cũng đã được doanh nghiệp dự án thống nhất điều chỉnh giảm theo đề nghị của tỉnh Tiền Giang. Các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, ứng cứu xử lý các sự cố cũng đã được đơn vị quản lý vận hành thực hiện. Doanh nghiệp dự án cũng cho kéo dài thời phục vụ miễn phí thêm 30 ngày (tổng cộng 90 ngày) để chờ quyết định nhưng chưa có ý kiến chính thức. Điều đó dẫn đến những thiệt hại:
Thứ nhất, việc lưu thông không thu phí không kiểm soát được tải trọng xe, chất lượng xe, không kiểm soát được lưu lượng dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao, đẩy rủi ro về phía người tham gia giao thông.
Thứ hai, không có chi phí bảo trì, bảo hành, sửa chữa công trình dẫn đến xuống cấp, lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội tương tự tuyến Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Thứ ba, gây mất niềm tin của doanh nghiệp và người dân đối với các dự án hạ tầng giao thông thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP). PPP chính là mô hình Chính phủ xác định là xương sống để hoàn thành 5.000 km đường cao tốc tính đến năm 2030.
Thứ tư, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng khi phương án tài chính, kế hoạch tài chính đã được cụ thể hoá trong các điều khoản hợp đồng không được thực hiện.
“Đối với doanh nghiệp, việc chậm đưa vào thu phí sẽ gây thất thu hàng trăm tỷ đồng dẫn đến không có chi phí để tiếp tục quản lý vận hành tuyến đường”, đại diện doanh nghiệp dự án lo lắng.