Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu vừa thông báo việc khởi công Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu trong quý II/2022. Trước đó, vào quý IV/2021, dư luận cũng chứng kiến một số dự án điện khí LNG rầm rộ khởi động hoặc khởi công hợp phần kỹ thuật.
Dẫu mang lại hiệu ứng tích cực cho việc triển khai các dự án nói chung và dự án ngành điện nói riêng, nhưng để thực sự bắt tay xây dựng nhà máy chính, thì các công việc được giới chuyên môn đánh giá là “rất ngổn ngang” và “chưa biết bao giờ mới xong”.
Trong số những dự án điện khí LNG đang được triển khai, Dự án khí LNG Bạc Liêu được xem là đi trước với nhiều công việc đã hoàn thành. Các dự án LNG khác như LNG Quảng Ninh hay LNG Hải Lăng, LNG Cà Ná, LNG Long An, LNG Long Sơn… dù đã được bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh trong thời gian 2020-2021, nhưng cũng mới ở những bước đầu tiên. Chưa kể chặng đường phải đi cũng sẽ không có gì khác so với Dự án LNG Bạc Liêu.
Quay trở lại với LNG Bạc Liêu, nhà đầu tư đã hoàn thành hầu hết nhiệm vụ đặt ra của giai đoạn chuẩn bị.
Đó là lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án và Báo cáo Dự án đấu nối truyền tải điện. Chỉ còn khoảng 5% công việc liên quan đến thủ tục theo quy định của pháp luật cần thẩm định và phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
Những vướng mắc này tập trung vào 3 nội dung chính là phê duyệt cơ chế bảo đảm Nhà nước thực hiện dự án đầu tư, phê duyệt đường dây truyền tải điện và thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án, cùng đàm phán Hợp đồng Mua bán điện (PPA).
Song, để xử lý 3 nội dung này lại không hề đơn giản.
Có thể lấy ví dụ cụ thể về vấn đề được nhà đầu tư đặt ra là “Nghĩa vụ tiếp nhận điện hoặc trả tiền (Take or Pay) trong hợp đồng mua bán điện” hay “Cơ chế chuyển giá từ giá khí LNG sang giá bán điện trong hợp đồng mua bán điện”.
Không đơn giản, bởi theo quy định tại Thông tư 24/2019/TT-BCT về vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện cùng các văn bản pháp luật hiện hành, các nhà máy đầu tư dạng nhà máy độc lập (IPP) như LNG Bạc Liêu đều phải tham gia thị trường điện. Do vậy, hiện không có quy định bên mua điện phải bao tiêu sản lượng điện, trừ các nhà máy có ràng buộc về bao tiêu nhiên liệu và có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển ngang các quy định bao tiêu nhiên liệu của nhà máy trong hợp đồng cung cấp nhiêu liệu sang PPA.
Hiện, chủ đầu tư các nhà máy điện IPP có công suất lớn hơn 30 MW đều đàm phán, ký kết PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); tỷ lệ sản lượng điện năng thanh toán theo giá hợp đồng hoặc sản lượng hợp đồng và tham gia thị trường điện theo quy định hiện hành. Các nhà máy IPP này đều không có điều kiện bao tiêu, trừ các nhà máy điện tuabin khí dùng khí mỏ Nam Côn Sơn và khí PM3 theo các thoả thuận trước đây được cơ quan hữu trách chấp thuận.
Với thực tế, khi quyết định bổ sung nhiều dự án điện khí LNG mới vào quy hoạch điện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng không yêu cầu cam kết, bảo lãnh bất cứ nghĩa vụ gì của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam, nên việc ký PPA là thoả thuận thương mại giữa hai doanh nghiệp liên quan.
Với thực tế “hậu kiểm” rất khắt khe thời gian qua, chuyện Công ty Mua bán điện thuộc EVN chỉ đàm phán theo đúng hướng dẫn và mẫu hợp đồng quy định tại Thông tư 57/2020/TT-BCT của Bộ Công thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư dự án điện khí LNG là tất yếu. Mong muốn của chủ đầu tư (Bên bán điện) về đàm phán bằng tiếng Anh và các nội dung khác nằm ngoài mẫu hợp đồng của Thông tư này cũng được Bên mua điện từ chối.
Lẽ dĩ nhiên, đầu tư một dự án mà không đàm phán được PPA, không biết chính xác tới 80-90% dòng tiền thu về hàng năm từ bán điện là bao nhiêu, thì “khó mơ” các bên cho vay mở hầu bao.
Cũng theo quy định hiện hành, chưa có PPA thì không thể thực hiện khởi công xây dựng dự án. Bởi vậy, nếu không đàm phán được các điều khoản phục vụ hoạt động của dự án, trong đó quan trọng bậc nhất phải kể tới là PPA và dù dự án có khởi công công đoạn nào đó rất rầm rộ, thì sau đó cũng lại nằm chờ.
Vẫn chưa có giải pháp cụ thể, chi tiết nào được đưa ra nhằm tháo gỡ những ách tắc nói trên và hẳn nhiên, nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư dự án có vốn đầu tư nhiều tỷ USD, vẫn chưa thể tiêu tiền thật để ra công trình lớn.