Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội. |
Hoa Kỳ và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị bền chặt, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, như y tế toàn cầu, giáo dục, an ninh khu vực, an ninh lương thực và năng lượng, ứng phó thảm họa…
Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ là một tín hiệu rõ ràng rằng, mọi thứ đang trở lại bình thường sau hơn 2 năm gián đoạn do đại dịch gây ra. Đây không phải là thời điểm dễ dàng đối với các doanh nghiệp và áp lực lạm phát toàn cầu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và cuộc xung đột Nga - Ukraine đang khiến các công ty phải xem xét kỹ mức độ rủi ro và kế hoạch kinh doanh của mình.
Trong môi trường này, điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam phải tập trung vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh.
Yếu tố quan trọng nhất đối với môi trường đầu tư thuận lợi và đảm bảo tăng trưởng cho chuỗi cung ứng sản xuất là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và tinh gọn, coi trọng đổi mới - không chỉ để thu hút đầu tư mới, mà còn duy trì và tăng trưởng đầu tư đã có. Sự ổn định và nhất quán của các quy hoạch và hướng dẫn tổng thể của địa phương cũng rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Tôi tin rằng, sự minh bạch và khả năng dự đoán cao hơn trong hệ thống thuế của Việt Nam sẽ củng cố môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là tránh các phán quyết và đánh giá có hiệu lực hồi tố.
Đẩy mạnh hợp tác
Hiện là thời điểm tuyệt vời để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam có nhiều việc có thể làm ngay bây giờ để tạo môi trường hấp dẫn hơn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chẳng hạn, cần đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, công nghệ tài chính (fintech), điện toán đám mây hiện đại và giảm tổng thể giấy tờ và tiền mặt cho tất cả doanh nghiệp. Việc thực hiện nhanh các mục tiêu số này sẽ giảm đáng kể chi phí hành chính và gánh nặng thời gian cho doanh nghiệp, đồng thời sẽ thu hút các nhà đầu tư mới.
Một lĩnh vực đầy hứa hẹn khác là tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các dự án sạch. Việc cải thiện mối quan tâm về quản lý chất thải và chất lượng không khí ở Việt Nam bằng cách đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng sạch, phương tiện sạch, nông nghiệp sạch, giảm thiểu năng lượng kém hiệu quả và lãng phí sẽ giúp xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ hơn và thúc đẩy tạo việc làm.
Ngày nay, Hoa Kỳ và Việt Nam là những đối tác và bạn bè thân thiết - điều mà người ta từng cho là không thể tưởng tượng được - và các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ đang hoạt động tích cực trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, giúp đất nước hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm có chất lượng và làm cho đất nước vận hành hiệu quả hơn, an toàn hơn, sạch hơn. Người dân hai nước đều ghi nhận rằng, chúng ta đã có thể vượt qua những bi kịch trong quá khứ để xây dựng một mối quan hệ bền chặt và sôi động như vậy.
Kể từ khi thành lập, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) đã cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao không chỉ giúp phát triển nền kinh tế Việt Nam, mà còn giúp phát triển toàn bộ hệ sinh thái của các công ty và doanh nhân địa phương tại đây. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và sự tham gia tích cực của họ vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự phát triển nhanh chóng của các mối quan hệ kinh tế và những lợi ích kinh tế to lớn mà cả hai bên có được trong việc duy trì và mở rộng mối quan hệ khiến Hoa Kỳ và Việt Nam buộc phải phát triển tầm nhìn cho tương lai của mối quan hệ thương mại. Cộng đồng doanh nghiệp hai nước đều muốn trở thành đối tác trong việc phát triển tầm nhìn này nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại và đầu tư.
Mở rộng thương mại và đầu tư
Ngày nay, chúng tôi nhận thấy những cơ hội to lớn cho cả khu vực kinh doanh trong nước và nước ngoài. Căng thẳng thương mại toàn cầu hiện nay đã làm nổi bật mối quan tâm về việc tập trung sản xuất ở một quốc gia duy nhất, điều mà Việt Nam có thể có một số cơ hội. Việc thực hiện hiệu quả các cam kết trong các hiệp định thương mại của Việt Nam có thể nâng cao hơn nữa cơ hội này.
Không còn nghi ngờ gì nữa, quan hệ tốt đẹp của hai nước đã đóng một vai trò chuyển đổi đối với sự phát triển của Việt Nam. Từ thực tiễn và công nghệ quản lý, đến các tiêu chuẩn và đạo đức dịch vụ, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại đây đã có ảnh hưởng tích cực đến Việt Nam và đầu tư nước ngoài đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động kinh doanh bắt đầu chậm chạp đối với người Mỹ ở đây. Năm 1995, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ chỉ đạt 451 triệu USD. Tuy nhiên, hai nước đã đạt 111,56 tỷ USD kim ngạch thương mại vào năm ngoái,các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ đang hoạt động tích cực trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Ngay cả trong những ngày đen tối nhất của đại dịch, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Khi Thủ tướng Việt Nam gặp các đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông sẽ nghe nói rằng, các công ty Hoa Kỳ đang đầu tư vào sự thành công liên tục của Việt Nam và họ đang hướng tới một tương lai tươi sáng ở Việt Nam. Thủ tướng và đoàn công tác cũng sẽ được nghe về những hạn chế trong thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng tôi tin, môi trường kinh doanh có thể được trợ giúp tốt nhất bằng các hành động giúp tăng năng suất và giảm chi phí cũng như rủi ro khi kinh doanh tại Việt Nam. Điều quan trọng là, giảm chi phí và mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp do Việt Nam làm chủ - nhiều doanh nghiệp trong số đó là các doanh nghiệp nhỏ - và sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh, đảm bảo khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam.
Các thành viên AmCham đại diện cho hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài, hàng chục ngàn nhân viên trực tiếp, hàng trăm ngàn nhân viên gián tiếp và một phần đáng kể trong xuất khẩu và doanh thu thuế của Việt Nam.
Cần biết rằng, trong khi số liệu thống kê đầu tư chính thức của Việt Nam xếp hạng Hoa Kỳ khá thấp, thì trên thực tế, Hoa Kỳ là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Sự hiểu lầm xuất phát từ luật thuế phức tạp của Hoa Kỳ và cấu trúc công ty sử dụng các hệ thống và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ví dụ, dự án 1,5 tỷ USD của Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM là một khoản đầu tư được thực hiện thông qua Intel Hồng Kông, nên được tính là khoản đầu tư tại Hồng Kông, mặc dù Intel là công ty của Hoa Kỳ.
Một ví dụ khác, nhà máy trị giá 100 triệu USD của P&G tại tỉnh Bình Dương là khoản đầu tư được thực hiện thông qua P&G Singapore, nên được tính là khoản đầu tư của Singapore, mặc dù P&G là một công ty nổi tiếng của Hoa Kỳ.
Có rất nhiều trường hợp như thế. Chúng tôi tin rằng, Hoa Kỳ là một trong 5 nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam và người Mỹ đang ở Việt Nam bán mỹ phẩm, nước ngọt - bia, ô tô, máy bay, phần mềm, hàng công nghiệp, dịch vụ giáo dục, ứng dụng di động, dịch vụ tài chính và pháp lý, nông sản...
Chúng ta đang sống trong một thế giới cạnh tranh. Hiện tại, hầu hết mọi quốc gia trong khu vực đều nỗ lực phát triển nền kinh tế số, hiện đại. Các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều cần một môi trường hỗ trợ để phát triển. Điều đó có nghĩa là mối quan hệ của họ với các cơ quan hành chính cần có sự hỗ trợ lẫn nhau.
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam là mảnh đất có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. AmCham sẽ tiếp tục làm việc để giảm bớt các rào cản đối với thương mại, giúp dễ dàng kinh doanh hơn và tạo ra một môi trường kinh doanh tiêu chuẩn cao, minh bạch và ổn định để đảm bảo rằng mọi người đều được tiếp cận công bằng với cơ hội đó.
Chúng tôi cam kết hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam để phát triển hệ sinh thái pháp lý, kết cấu hạ tầng vật chất và nhân tài nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và đổi mới. Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam giàu mạnh, độc lập và thịnh vượng.
Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ kính chúc Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác có chuyến thăm Hoa Kỳ hiệu quả và thú vị.