“Cháy đơn hàng”
“Cháy hàng” là từ được bà T.M., đại diện bán hàng cho một số thương hiệu trong top 10 thế giới về pin mặt trời cho biết về tình hình chốt đơn mua pin mặt trời áp mái nhà trong 10 ngày trở lại đây tại Việt Nam.
Không có những đơn hàng lớn cỡ 50 MW trở lên như khi chạy tiến độ 30/9/2019 của các trang trại điện mặt trời quy mô lớn, nhưng các đơn hàng 10 MW, 5 MW được các nhà đầu tư và nhà thầu EPC thi công chốt đơn khiến vị đại diện này tất bật cả ngày để giao dịch.
Nhiều dự án điện mặt trời mái nhà kết hợp trang trại đang khẩn trương thi công. |
Cũng để các nhà đầu tư nhỏ chủ động tính toán thời gian để kịp tiến độ vận hành trước ngày 31/12/2020 nhằm kịp hưởng ưu đãi giá mua điện 8,38 UScent/kWh, bà T.M. thậm chí đã phải thông báo cho các đối tác về lịch làm việc của phía cấp pin.
“Lịch nghỉ tết Trung thu và Quốc khánh của các đối tác bán pin ở Trung Quốc sẽ bắt đầu từ ngày 1-8/10, nên những ngày đó không thể chốt được đơn. Các anh chị có làm ăn với các đối tác Trung Quốc nên biết để cân đối, tranh bị động”, nhà bán hàng này nói.
Trực tiếp bán pin tới các khách hàng là nhà đầu tư hoặc các nhà thầu thi công xong bán lại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, bà T.M. hiểu khá rõ quy trình và thời gian cần thiết để thực hiện các công việc liên quan.
“Các đơn hàng được chốt tuần qua sẽ về tầm cuối tháng 11/2020. Lắp các tấm pin mặt trời ở trang trại lớn thì 3 đến 5 MW chỉ mất 10 ngày do thi công bên dưới khá thuận lợi và khi cần có thể huy động được 100 người cùng thi công một lúc. Còn với các tấm pin lắp trên mái nhà sẽ có khó khăn hơn một chút do phải cẩu pin lên để làm mái nhưng do làm ở nơi đất trống, đồng vắng nên cũng thuận tiện và nhiều đội cùng làm một lúc nên lắp 1 MW cũng chỉ tầm 3 ngày thôi”, bà này nói.
Khách hàng hiện đang chốt đơn mua tấm pin mặt trời dịp này cũng chả phải là những gương mặt mới mẻ, lạ lẫm mà vẫn là những nhà đầu tư đã có tên được ngành điện các địa phương thống kê ở các trạng thái đang đầu tư, đang thương thảo hợp đồng mua bán điện và đấu nối trong danh sách được đưa ra từ cách đây 1 tháng tại cuộc họp giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Tổng công ty Điện lực với Bộ Công thương nhằm thống nhất phương pháp xử lý các tình huống cụ thể trong quá trình thực hiện Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.
“Trước họ đăng ký sẵn, đi đàm phán đấu nối và vay ngân hàng, giờ ngân hàng thẩm định xong và giải ngân thì nhà đầu tư chính thức xuống tiền mua pin, nên đơn hàng nổ liên tục”, bà này cho hay.
Không cần chờ hướng dẫn
Cũng không cần chờ đợi hướng dẫn chính thức của Bộ Công thương về điện mặt trời áp mái nhà với các trang trại - điểm đã từng khiến các nhà đầu tư lo lắng “mất ăn, mất ngủ” trong khoảng 1 tháng trở lại đây do sợ mất tiền, nhiều chủ đầu tư dự án mặt trời áp mái nhà theo hình thức kết hợp với trang trại đã chủ động thực hiện các giải pháp để tháo gỡ cho mình.
Các dự án điện mặt trời áp mái kết hợp trang trại chưa đủ thủ tục chuyển đổi đất và chưa có Giấy phép xây dựng nếu không khẩn trương hoàn thiện thủ tục đúng quy định thì dù phát điện lên lưới vẫn không được trả tiền. |
Trao đổi trong các nhóm làm điện mặt trời cũng cho thấy, trước kia các nhà đầu tư cá nhân chỉ nhanh nhạy nắm bắt tình hình để làm luôn điện mặt trời trên đất canh tác hiện có, thậm chí không cần chờ đợi xong mùa thu hoạch hiện có và cũng không chú ý tới hiện trạng đất cát thì giờ nhà đầu tư đang khẩn trương thực hiện các yêu cầu liên quan dù chưa có hướng dẫn chính thức.
Theo đó, đang diễn ra làn sóng xin chuyển đổi đất trang trại sang thành đất nông nghiệp khác theo quy định của Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT (ngày 28/2/2020) tại một số nơi có nhiều dự án điện mặt trời áp mái kết hợp với trang trại, sau đó xin Giấy phép xây dựng để có công trình có mái và lắp tấm pin lên trên để được tính giá điện áp mái nhà.
Nếu đi đúng thì cũng chỉ mất độ 1-1,5 tháng là xong hết các thủ tục. Tất nhiên trong lúc đó nhiều công trình vẫn song song thi công để không bị lố thời gian cuối cùng là 31/12/2020 hoặc bị đầy tải ở khu vực đấy.
“Mình cũng khuyến cáo các nhà đầu tư làm điện mặt trời áp mái nhà kết hợp trang trại phải lưu ý chỉ có thể bán điện khi có đủ các yếu tố pháp lý như đất nông nghiệp khác, Giấy phép xây dựng thì mới được công nhận đủ điều kiện vận hành thương mại của dự án. Nếu không đủ pháp lý về đất và công trình xây dựng để áp mái thì đầu tư xong phát được điện lên lưới cũng chả thu được xu nào vì ngành điện không có cơ chế trả tiền dù có tiếp nhận điện đi nữa”, là trao đổi của nhiều nhà bán hàng và tư vấn các dự án điện mặt trời mái nhà với các chủ đầu tư.
Giá pin tăng mạnh do chạy mốc 31/12/2020
Trao đổi trên các nhóm làm năng lượng tái tạo cũng cho thấy, giá pin mặt trời mua từ Trung Quốc hiện đã tăng khoảng 25%-30%.
Lý giải thực tế này những người làm năng lượng tái tạo cũng cho hay, giá tăng có phần do một số sự cố diễn về thời tiết , cháy nổ diễn ra tại một vài nhà máy trong chuỗi sản xuất tấm pin mặt trời ở Trung Quốc, khiến sản lượng sản xuất pin mặt trời giảm xuống, trong khi nhu cầu ngay tại Trung Quốc đang tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên về dài hạn thì sẽ giảm.
Riêng việc tấm pin mặt trời tăng giá ở Việt Nam còn có thêm lý do từ thời hạn giá mua điện mặt trời các loại hiện nay chỉ áp dụng tới hết ngày 31/12/2020. Sau thời gian đó, các dự án điện mặt trời quy mô lớn sẽ theo hình thức đấu thầu, đấu giá để chọn nhà phát triển dự án. Các dự án điện mặt trời áp mái nhà sẽ áp dụng giá nào thì chưa có hướng dẫn nên các nhà đầu tư đang cố chớp cơ hội hiện nay.
“Các nhà đầu tư điện mặt trời áp mái nhà loại xấp xỉ 1 MW hay 1 số dự án lớn đang chốt đơn ào ạt dịp này chả khác gì cuộc chạy đua để kịp vận hành thương mại trước ngày 31/6/2019. Điều này được các nhà bán hàng tận dụng để đẩy giá lên kiếm lời hơn cũng chả có gì lạ”, ông Nguyễn B., một nhà tư vấn và đầu tư năng lượng tái tạo nhận xét.
Tìm hiểu của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn được biết, giá mua pin mặt trời hiện vào khoảng 250.000 USD/MW giao tại cảng, nếu tính tất cả các khoản đầu tư vào đất, làm công trình có mái thì đầu tư 1 MW điện mặt trời mái nhà vào tầm 13-15 tỷ đồng.
Với bài tính, thời gian hoạt động trung bình từ 6 -7 tiếng/ngày, giá bán là 8,38 UScent/kWh và hoạt động 30 ngày/tháng, doanh thu của 1 MW điện mặt trời cũng được tầm 160-200 triệu đồng/tháng khiến cho Đình Phương, vốn là nhà thầu thi công lắp đặt tấm pin mặt trời cho các nhà đầu tư đã quyết định vay ngân hàng để đầu tư 2 MW điện mặt trời áp mái dịp này.
“Cũng phải thế chấp nhà để đi vay ngân hàng vì số tiền đầu tư ban đầu cũng không nhỏ với điều kiện gia đình, nhưng nhìn người bạn đầu tư 1 MW điện mặt trời mà mỗi tháng thu được gần 200 triệu đồng nên cũng ham”, Đình Phương cho hay.
Thực tế này cũng giúp lý giải được vì sao làn sóng đầu tư vào điện mặt trời áp mái nhà đang bùng nổ thời gian qua, nhất là tại các địa phương có nguồn bức xạ tốt và đất đai còn chưa được khai thác nhiều như Gia Lai, Đắc Nông, Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận… cho dù chả phải để tự dùng là chính như mục tiêu ban đầu đặt ra khi khuyến khích làm điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.