GE Hải Phòng - Nhà máy thông minh tiêu chuẩn Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh |
Đảm bảo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư
Năm 2022, Việt Nam tận dụng được cơ hội phục hồi nhanh chóng sau đại dịch và có mức tăng trưởng rất ấn tượng, nhưng năm 2023 khó khăn hơn rất nhiều trước diễn biến của kinh tế toàn cầu. Để tiếp tục đảm bảo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, Chính phủ có thể chú trọng phát triển một số chính sách có tác động tích cực và giúp nền kinh tế tăng tốc.
Đầu tiên, về năng lượng, việc phê duyệt Chính sách Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và ban hành hướng dẫn rõ ràng về quy trình lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo (đặc biệt là năng lượng gió) sẽ là ưu tiên quan trọng trong ngắn hạn với doanh nghiệp trong các ngành.
Thứ hai là các biện pháp thực thi thuế tối thiểu toàn cầu và việc tiếp tục giữ được sự hấp dẫn của đầu tư Việt Nam trong bối cảnh các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp không còn khả thi. Việc hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí, các sáng kiến về nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển bền vững do Nhà nước tài trợ có thể vừa trung hòa doanh thu thông qua tăng doanh thu thuế doanh nghiệp, vừa giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp toàn cầu.
Hơn nữa, các thủ tục linh hoạt hỗ trợ quy trình xuất khẩu của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Thêm vào đó, việc duy trì ổn định các loại thuế trong nước đủ để giữ sức hấp dẫn của Việt Nam, vì vậy, bất kỳ thay đổi nào về luật thuế cũng cần phải được xem xét cẩn thận.
Chúng ta có cơ hội để hỗ trợ nhiều hơn nữa và khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực từ công nghệ đến hậu cần. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ, việc cơ chế chính sách như hậu kiểm được đưa ra trong các lĩnh vực từ phát hành phim trực tuyến đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, đều có thể được áp dụng trong các chính sách khác và sẽ khuyến khích đầu tư.
Ngoài ra, khi các quy định được ban hành, cần có thời gian chuyển đổi phù hợp và hướng dẫn rõ ràng từ các cơ quan liên quan giúp doanh nghiệp tin tưởng hơn vào môi trường chính sách của Việt Nam.
Cuối cùng, với lĩnh vực vô cùng quan trọng là chăm sóc sức khỏe, chúng tôi có 3 khuyến nghị. Về tiếp cận sản phẩm chăm sóc sức khỏe, cần hợp lý hóa các quy trình đăng ký và hoàn trả chi phí để bệnh nhân có thể tiếp cận nhanh hơn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sáng tạo, cứu sinh mạng con người và chất lượng cao (bao gồm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tiêu dùng, thuốc, thiết bị và vật tư y tế).
Đối với thương mại điện tử, cần thiết lập khung chính sách để tăng cường các quy định về thương mại điện tử (bao gồm bán thuốc trực tuyến) và dán nhãn điện tử để bảo vệ sức khỏe và an toàn cộng đồng, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Đối với chuỗi nhà thuốc, cần xây dựng khung chính sách thay thế Thông tư 03/2009/TT-BYT đã bị bãi bỏ, đặc biệt về phạm vi hoạt động, quyền ưu tiên, chính sách ưu đãi đối với chuỗi nhà thuốc đạt GPP nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi nhà thuốc bán lẻ hoạt động và phát triển, đồng thời tăng cường công tác quản trị trong quản lý dược phẩm.
Và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, cần tăng cường tính minh bạch, khách quan và hiệu quả của hệ thống pháp luật, bao gồm tòa án, cảnh sát và viện kiểm sát. Đảm bảo khả năng thực thi của hợp đồng là rất quan trọng đối với niềm tin của nhà đầu tư. Mặc dù trọng tài có thể là một giải pháp thay thế, nhưng trên thực tế, vẫn tồn tại những thách thức như phán quyết trọng tài có thể bị hủy bỏ hoặc không công nhận. Điều quan trọng là cải cách luật pháp - vốn đã tụt hậu so với cải cách kinh tế, cơ sở hạ tầng và chính trị.
Kích thích tài chính phục hồi
Chúng tôi nhận thấy, chi đầu tư từ ngân sách nhà nước đã tăng với tốc độ mạnh hơn, với tỷ lệ 28,4% trong tháng 7/2023 sau khi đã tăng lên 25% trong tháng 6/2023. Tính đến nửa đầu năm 2023, Chính phủ mới giải ngân được 20% kế hoạch năm tài chính 2023, cho thấy nhiều khả năng tăng chi tiêu công được đẩy mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Trong bối cảnh lạm phát giảm dần và nới lỏng tiền tệ, việc kích thích tài chính phục hồi là điều đáng khích lệ. Điều này trực tiếp hỗ trợ ngành xây dựng vốn lao đao dưới tác động của suy thoái bất động sản.
Việt Nam là một trong những nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, xuất khẩu sang các quốc gia năng lượng mặt trời hàng đầu như Hoa Kỳ và Nhật Bản. Việc vươn lên và trở thành 10 quốc gia hàng đầu trên thế giới về công suất điện mặt trời đã thúc đẩy các nhà đầu tư năng lượng mặt trời tiếp tục đầu tư vào thị trường này.
Thương mại điện tử tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2023. Các nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm hơn 90% thị phần bán hàng thương mại điện tử trong nửa đầu năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng tiếp tục nhận được sự đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài vào phân khúc này dựa trên các yếu tố chính như thị trường tiêu dùng nội địa lớn và đang phát triển.
Các công ty công nghệ lớn và truyền thống của nước ngoài cũng tích cực đầu tư vào lĩnh vực này. Tính đến thời điểm này, cả 3 nền tảng thanh toán Samsung Pay, Google Pay và Apple Pay đều đã được người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng.
Sản xuất hàng điện tử là một trong những lĩnh vực được đầu tư rất mạnh. Các công ty của Đài Loan, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đang dẫn đầu lĩnh vực này tại Việt Nam.
Việt Nam cũng đang đi lên trong chuỗi giá trị để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn. Xuất khẩu thiết bị điện, điện tử và linh kiện tăng trưởng 9,7% CAGR trong 5 năm qua, đạt 114 tỷ USD vào năm 2022. Các động lực tăng trưởng chính đang khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà sản xuất toàn cầu nhằm đa dạng hóa năng lực sản xuất ra ngoài Trung Quốc.
Chúng tôi vui mừng thấy Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác để thúc đẩy Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). AmCham rất quan tâm thúc đẩy thương mại, phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.