Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhà đầu tư ngoại mua 100% vốn ngân hàng Việt: Chưa “tay chơi” nào… ghi điểm
Anh Minh - 27/06/2019 20:26
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang mong muốn đầu tư cả chục nghìn tỷ đồng vào các ngân hàng Việt Nam, nhất là ở những nhà băng đã được bán 0 đồng trước đó gồm: CBBank, Oceanbank, PGBank... Tuy nhiên, điều kiện để mua lại 100% vốn ngân hàng Việt là không dễ.

Chuyển động mới

Cuối tháng 3 vừa qua, lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn J Trust (Nhật Bản) đã có cuộc tiếp kiến và làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và sau đó là Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.

Trong dịp này, kế hoạch J Trust mua lại CBBank được đặt ra. Ông Nobiru Adachi, Giám đốc điều hành cấp cao J Trust bày tỏ, Tập đoàn quan tâm đến cơ hội tham gia cơ cấu lại CBBank. Không chỉ về vốn, J Trust muốn hỗ trợ về công nghệ, nghiệp vụ tại CBBank. Tập đoàn này mong muốn Chính phủ, NHNN Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong việc đàm phán và giao dịch.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ Việt Nam muốn tìm đối tác bán lại CBBank để cơ cấu lại ngân hàng này. Phó Thủ tướng đề nghị J Trust nghiên cứu, trao đổi với CBBank và NHNN về phương án chào bán. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, giải quyết.

Theo Phó Thủ tướng, chủ trương của Chính phủ là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, quản trị mua lại và phát triển các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam, trong đó có CBBank.

Việc J Trust muốn tham gia cơ cấu lại CBBank một lần nữa xới lên câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài được mua 100% vốn của ngân hàng Việt Nam đang tái cấu trúc. Cùng thời điểm, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng có buổi làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Clermont (Singapore). Clermont bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng thông qua việc tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam…

Trước đây, đã có một số nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, đặt vấn đề, thậm chí đến bước đàm phán để mua lại ngân hàng 0 đồng của Việt Nam, nhưng chưa đến đích. Dù từ đầu năm 2016 đến nay, không có thêm trường hợp nào sáp nhập, hợp nhất hoặc mua lại ngân hàng, nhưng trong mắt giới “buôn tiền” thì tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đi tiếp một bước dài, tạo đột phá quan trọng để mở ra cơ hội, triển vọng vực dậy ngay cả những trường hợp khó khăn như CBBank, Ocean Bank và cả GPBank.

Trên thực tế, lần đầu tiên sau nhiều năm tái cơ cấu, cuối năm 2017, toàn ngành ngân hàng Việt Nam mới đạt được kết quả lớn: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng được ban hành, trọng tâm tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu. Cùng đó, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu ra đời, tạo thêm động lực xử lý các tồn tại lưu cữu. Giá trị của những khung pháp lý lần đầu tiên có được đó mang tính bao trùm, mang tính quyết định cho kết quả tái cơ cấu và xử lý nợ xấu về sau, mà không hẳn chỉ thể hiện bằng số học các vụ hợp nhất, sáp nhập, mua lại…

Thống đốc Lê Minh Hưng từng cho biết, ưu tiên hàng đầu của tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tháo gỡ và hỗ trợ các ngân hàng thương mại và nhà đầu tư. Với quan điểm xuyên suốt là tái cơ cấu không được dùng đến ngân sách thì chỉ có khung khổ pháp lý mới; được tháo gỡ và hỗ trợ, việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu sau đó mới có thêm cơ sở để thúc đẩy. Đó cũng chính là lý do để các nhà đầu tư ngoại quan tâm nhiều hơn, với triển vọng tạo động lực, nguồn lực vực dậy CBBank, Ocean Bank và GPBank.

Giới phân tích tài chính cho rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải chờ đến bây giờ mới thúc đẩy kế hoạch tham gia bởi họ phải chờ cơ chế đủ thông thoáng, rành mạch. Điều này cũng góp phần giải thích vì sao tiến trình tái cơ cấu thời gian qua tưởng như chậm. Đồng thời, sau khi NHNN mua lại 0 đồng, ba ngân hàng trên thuộc sở hữu nhà nước, chịu sự giám sát, quản lý các cấp, bộ ngành liên quan nên thủ tục triển khai các bước sẽ phức tạp, chặt chẽ hơn.

Có dễ mua lại 100% vốn?

Nhưng đã hơn 3 năm kể từ khi NHNN lần lượt mua lại bắt buộc CBBank, Ocean Bank và GPBank. Quá trình tái cơ cấu hệ thống cũng đang đi đến nửa cuối của giai đoạn 2 (2016 - 2020). Có những chuyển động trong triển vọng tái cơ cấu 3 ngân hàng trên trong hơn 3 năm qua từng thắp lên kỳ vọng tạo chuyển biến, nhưng chưa có các đích đến cụ thể. Từ các kênh khác nhau, đã có một số thời điểm nhà đầu tư nước ngoài vào tìm hiểu, lên kế hoạch và đàm phán, nhưng vẫn chưa đạt kết quả cuối cùng.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu tại hệ thống ngân hàng Việt Nam không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, để sở hữu được 100% vốn của ngân hàng trong nước không phải là chuyện dễ. Trước đó, một ngân hàng 0 đồng khác là OceanBank cũng có đối tác nước ngoài muốn mua lại. Thời điểm đầu năm 2018 khi thông tin chính thức được đại diện NHNN công bố thì đối tác ngoại đã ở giai đoạn 2 của việc tìm hiểu. Tuy nhiên, đến nay, thông tin về thương vụ này vẫn chưa được tiết lộ.

Còn nhớ, tháng 9/2013, báo giới đã đưa tin, khả năng Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore sẽ mua 100% cổ phần của Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) nếu 2 bên đồng thuận. NHNN khẳng định đang xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu GPBank trên cơ sở có sự tham gia của tổ chức tín dụng nước ngoài. Thế nhưng, hơn 1 năm sau, tưởng như việc đàm phán gần như hoàn tất thì thương vụ lại được thông báo đã chính thức thất bại.

Theo thông tin đưa ra, sở dĩ GPBank không đồng ý bán bởi cho rằng, tài sản của mình có giá hơn thế. Tuy nhiên, cuối cùng nhà băng này phải bán lại giá 0 đồng cho NHNN.

Hiện hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đang được đẩy mạnh, trong đó đối tượng là các tổ chức yếu kém lại càng được quan tâm hơn với mục tiêu xử lý nhanh và dứt điểm. Theo NHNN, ngành ngân hàng tiếp tục cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực, thế giới, việc đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường là chủ trương cần đẩy mạnh.

Mặt khác, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, tăng vốn điều lệ là phương án nhanh nhất giúp 3 ngân hàng 0 đồng phục hồi hoạt động, nhưng lại cần nguồn lực lớn từ Nhà nước nên chưa thể thực hiện khi ngân sách còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, NHNN ưu tiên phương án bán cho nhà đầu tư mới hoặc sáp nhập, hợp nhất thông qua việc yêu cầu 3 ngân hàng này tìm kiếm đối tác có tài chính tốt, có kinh nghiệm quản trị, điều hành tham gia cơ cấu lại.

Một cách để xử lý các tổ chức tín dụng trục trặc nữa là ghép với các ngân hàng lớn trong ngành. Điển hình như Vietcombank “gánh” CBBank, hay VietinBank “gánh” thêm OceanBank. Mặc dù vậy, bản thân những ngân hàng lớn này chỉ có thể hỗ trợ một phần nào đó chứ khó có thể nhận sáp nhập, bởi dù sao cũng là những ngân hàng đã niêm yết, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản hiện có nếu nhận về những ngân hàng 0 đồng này.

Tuy NHNN “bật đèn xanh” cho nhà đầu tư ngoại mua cổ phần vượt trần tại ngân hàng yếu, nhưng không có nghĩa nhà đầu tư nào cũng có thể dễ dàng thâu tóm ngân hàng nội. Dù vậy, các nhà đầu tư ngoại có thể “nhìn vào” Thông tư 38/2014/TT-NHNN để kỳ vọng. Bởi NHNN đã định hướng 3 năm tới, thị trường chỉ còn 15 - 17 ngân hàng, tức thị trường sẽ rộng mở hơn, cạnh tranh sẽ bớt quyết liệt hơn. Đồng thời, việc xin được giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam không hề đơn giản.

Tại Diễn đàn M&A 2018 do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức ngày 8/8/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cho biết, tới đây, Chính phủ chủ trương không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn ngoại, nhưng khuyến khích các ngân hàng nước ngoài mua các ngân hàng yếu kém và đang có nhiều ngân hàng nước ngoài quan tâm tới các vụ mua bán - sáp nhập (M&A).

Trong khi đó, theo quy định Thông tư số 38/2014/TT-NHNN của NHNN hướng dẫn thi hành Nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, trong trường hợp đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tỷ lệ cổ phần vượt trần cho phép (30%) đối với ngân hàng yếu kém.

Tỷ lệ của từng trường hợp cụ thể sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định và điều này có nghĩa, nhà đầu tư nước ngoài có thể được mua cổ phần chi phối đối với ngân hàng yếu, thậm chí sở hữu 100% vốn ngân hàng yếu.  

Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có thương vụ mua - bán 100% vốn giữa nhà đầu tư ngoại và ngân hàng yếu kém của Việt Nam nào thành công. Tất nhiên, không phải chỉ có các ngân hàng yếu kém mới gặp khó trong việc bán vốn cho các nhà đầu tư ngoại.

Điển hình như thương vụ Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) thỏa thuận mua cổ phần Vietcombank từ năm 2016, nhưng mãi đến cuối năm 2018, ngân hàng này mới chỉ hoàn tất phát hành thêm để bán vốn được 3%, vẫn còn khoảng 7% nữa chưa hoàn thành. BIDV tìm đối tác nước ngoài từ năm 2014, nhưng mãi gần đây, Ngân hàng mới xin cổ đông thông qua việc bán 15% cổ phần sau phát hành cho Keb Hana (Hàn Quốc)…

Tin liên quan
Tin khác