Động thái mới
Thông tin vừa đăng tải trên tờ The Investor (Hàn Quốc) cho biết, Công ty quản lý tài sản Mirae Asset Global Investments, thành viên của Tập đoàn tài chính Mirae Asset Financial Group (Hàn Quốc) sẽ mua lại 100% cổ phần của Công ty cổ phần Quản lý quỹ Tín Phát, sau đó bán 30% cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thành lập một liên doanh tại Việt Nam.
Theo lời của ông Park Hyeon-joo, Chủ tịch Mirae Asset, liên doanh này sẽ là cơ sở của Mirae tại Đông Nam Á. Theo kế hoạch, ngoài các khoản đầu tư truyền thống lâu nay vào các công ty ở Việt Nam và trong khu vực, Mirae cũng sẽ ra mắt các quỹ mới tại Việt Nam, đồng thời đa dạng hóa danh mục đầu tư sang các lĩnh vực như bất động sản, kết cấu hạ tầng và đầu tư tư nhân.
Techcombank chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty tài chính Techcom Finance cho Lotte Card Co., Ltd, thuộc Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc). Ảnh: Lê Toàn |
Thực tế, Mirae Asset Global Investments đã có mặt tại Việt Nam từ 12 năm trước, để đầu tư, mua cổ phần của các công ty trong nước của Việt Nam. Cách đây ít lâu, chính Mirae Asset
Venture Investment và Korea Invesment Partners (KIP) đã dốc vốn vào Appota - một start-up công nghệ Việt tiên phong trong lĩnh vực xây dựng các nền tảng công nghệ cho điện thoại di động tại Việt Nam. Khoản đầu tư này có giá trị 10 triệu USD.
Trong khi đó, thông tin gần đây cũng cho biết, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), thông qua công ty con là Lotte Card Co., Ltd, đã hoàn tất các thủ tục để nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Techcombank tại Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ thương (Techcom Finance). Qua thương vụ này, Lotte Card chính thức trở thành công ty thẻ tín dụng Hàn Quốc đầu tiên có giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Thông tin chi tiết không được tiết lộ, song theo truyền thông Hàn Quốc, thương vụ này được định giá lên tới hàng chục tỷ won (1 tỷ won tương đương gần 20 tỷ đồng Việt Nam).
Như vậy, chỉ trong những ngày đầu năm Mậu Tuất, đã liên tiếp có thông tin về hai thương vụ đầu tư mới của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam. Động thái này thêm một lần nữa khẳng định xu hướng mới của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam hiện nay.
Ngã rẽ mới
Thực tế, không phải tới đầu năm nay, mà thời gian gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài “nhắm” đến lĩnh vực tài chính ở Việt Nam, bao gồm cả các công ty fintech. Thậm chí, fintech còn đang là “điểm nóng” thu hút các khoản đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thương vụ Mirae Asset Venture Investment và KIP đầu tư vào Appota có thể coi là ví dụ điển hình. Chưa kể, Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs vào năm 2016 cũng đã rót một khoản đầu tư trị giá 28 triệu USD vào M_Service, đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo.
Cộng đồng start-up fintech Việt cũng chứng kiến những thương vụ rót vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài, như khoản đầu tư trị giá 28 triệu USD từ Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs rót cho M_Service. Hay Quỹ đầu tư Champion Crest thuộc Credit China Fintech Holdings Limited - một nhà cung cấp dịch vụ tích hợp fintech có trụ sở ở Hồng Kông - cũng đã chi 12,73 triệu USD để sở hữu số lượng lớn cổ phần tại Công ty cổ phần Công nghệ Bằng Hữu (Amigo).
Tháng 7/2017, Công ty Chứng khoán Samsung (Samsung Securities) cũng đã công bố việc hợp tác với Caldera Pacific, một quỹ đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân ở Hồng Kông, để mua 40% cổ phần của Dragon Capital, trong đó, Chứng khoán Samsung sẽ nắm giữ 10% cổ phần. Khoản đầu tư này của Samsung Securities được coi là “hợp thời”, nhằm giúp Công ty nhanh chóng bắt kịp các đối thủ cạnh tranh.
Theo nhận định của ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam và đang xúc tiến mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh tại thị trường này. Do vậy, khu vực tài chính, ngân hàng cũng sẽ nhận được những ảnh hưởng tích cực từ xu hướng đó.
“Khi hoạt động kinh doanh và kinh tế phát triển sẽ kéo theo nhu cầu tài chính - ngân hàng tăng, tạo ra các cơ hội lớn cho sự phát triển của ngành ngân hàng cả về lượng và chất”, ông Hải nói.
Đây cũng chính là cơ hội để dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy vào lĩnh vực này.