Nhiều nhà hàng vắng khách vì dịch bệnh Covid-19. |
Doanh thu giảm 30-90%
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc vận hành Tập đoàn Golden Gate - doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà hàng Ashima, SumoBBQ, Kichi Kichi, Vuvuzela, iSuhi, Phố ngon 37… cho biết, doanh nghiệp này đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.
“Từ sau Tết đến nay, doanh thu của Golden Gate sụt giảm mạnh. Các chuỗi nhà hàng có nhiều cửa hàng như Gogi House và Kichi Kichi giảm tới 30%, các thương hiệu khác trong Tập đoàn cũng sụt giảm tương tự”, ông Khánh cho hay.
Theo ông Khánh, hiện Golden Gate đang phải tạm hoãn các kế hoạch sửa chữa, giảm tuyển dụng nhân viên mới, cắt giảm phi phí, đẩy mạnh kênh giao hàng tại nhà… để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Hàng loạt nhà hàng, cơ sở ăn uống cũng phản ánh, sau khi có Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lượng khách giảm 20-30%, nay cộng thêm dịch bệnh, lượng khách giảm từ 50-90%.
Từng là một trong những chuỗi nhà hàng phát đạt nhất Hà Nội, doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi ngày, nhưng nay, hệ thống chuỗi nhà hàng Lan Chín đã phải đóng cửa.
Bà Nguyễn Thị Lan, chủ chuỗi nhà hàng Lan Chín cho hay, nhà hàng Lan Chín từ chỗ nườm nượp hàng ngàn khách mỗi ngày, doanh thu hàng trăm triệu đồng, giờ chỉ còn vài ba triệu đồng/ngày, trong khi chi phí thuê nhân viên, thuê mặt bằng của các cơ sở rất lớn. Việc Lan Chín dừng hoạt động 5 cơ sở ăn uống đồng nghĩa hàng trăm nhân viên mất việc.
Anh Nguyễn Văn Tài, một tài xế Grab cho biết: “Trước tết tôi làm nhân viên chạy bàn cho nhà hàng hải sản gần cầu Tân Đệ (Nam Định). Thế nhưng, năm nay, do có Nghị định 100, cộng thêm dịch bệnh nên doanh thu sụt giảm tới 90%, hàng loạt nhân viên mất việc. Tôi tạm thời lên Hà Nội chạy Grab trong thời gian tìm việc mới”.
Không chỉ nhà hàng, các khách sạn cũng rơi vào cảnh tương tự khi khách du lịch giảm sút. Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc chuỗi khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel cho biết, chuỗi khách sạn này đã phải đóng cửa nhiều cơ sở vì không có khách, nhưng mỗi ngày mất hàng trăm triệu đồng chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên, chi phí điện nước…
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các nhà hàng, khách sạn phải cắt giảm gần 10% nhân sự vì không có việc để bố trí, đồng thời tiết giảm chi phí.
Khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp
Ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ ăn uống, nhà hàng khách sạn, du lịch đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, dồn dập các khó khăn bủa vây thời gian qua khiến ngành này đang bị thiệt hại nặng nề. Các chuyên gia cho rằng, cần khẩn trương đưa ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành này phục hồi.
Cụ thể, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, cần phải sớm ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Về tiền tệ, cần nhanh chóng triển khai miễn, giảm phí, giảm lãi suất, giãn nợ, cơ cấu lại nợ. Đồng thời, khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ về thuế.
“Chính phủ nên xem xét giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế và nộp bảo hiểm xã hội. Chính phủ cũng cần sớm trình Quốc hội phương án giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ năm 2018 đã cho phép hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, song chúng ta triển khai khá chậm. Đây là thời điểm thích hợp để áp dụng", ông Lực đề nghị.
Trong khi đó, Sở Du lịch TP.HCM và Hội đồng Tư vấn du lịch cũng đồng loạt kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Việc có các chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại và phục hồi khi dịch bệnh trôi qua.
Được biết, Hội đồng Tư vấn du lịch đã đề nghị Chính phủ giảm thuế VAT du lịch từ 10% xuống 5%, cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng; miễn khoản đóng bảo hiểm xã hội, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp cho tới khi dịch Covid-19 kết thúc, giảm tiền sử dụng đất, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Đức Độ, chuyên gia ngân hàng cho rằng, doanh nghiệp nhiều ngành như khách sạn, nhà hàng, du lịch… đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là có thật. Vì vậy, cần nhanh chóng ban hành các giải pháp giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng các loại thuế theo lộ trình, theo ông Độ, cũng chưa nên áp dụng bởi “hàng loạt nhà hàng, khách sạn, chủ quán kinh doanh bia rượu đang chết”.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp và hộ kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn, xuất nhập khẩu. Do vậy, cần có các biện pháp hỗ trợ, đồng hành từ phía cơ quan nhà nước. Một trong các biện pháp là giảm, giãn thuế.
Theo tôi, nên gia hạn thời gian kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế. Đối với những đơn vị phải nộp theo tháng, thời gian gia hạn nộp có thể là 60 ngày, chứ không phải là 20 ngày của tháng sau, còn đơn vị nộp theo quý thì sau 2 quý chứ không phải chỉ 30 ngày như hiện nay (giãn thời gian nộp thuế từ 1-3 tháng). Bởi với số tiền thuế giá trị gia tăng được gia hạn, người nộp thuế sẽ tạm thời "chiếm dụng" tiền thuế đó trong lúc khó khăn này. Thực tế, có một số doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng để nộp thuế.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế