Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để mở rộng hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp |
Năm nào Bộ Tài chính cũng có báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước gửi đại biểu Quốc hội. Ông đánh giá ra sao về hiệu quả của vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp?
Đúng là năm nào, Bộ Tài chính cũng có báo cáo về hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước, gồm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp trên 50% và doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước. Nhưng đây chỉ là đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp với các chỉ tiêu tổng tài sản, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách, nợ phải thu, nợ phải trả, hàng tồn kho, đầu tư tài chính trung hạn và dài hạn...
Nhìn vào bức tranh tổng thể về hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước hàng năm thì thấy cũng ổn khi so với các loại hình doanh nghiệp khác. Nhưng Quốc hội, Chính phủ không biết được hiện tại vốn, tài sản, đất đai, lao động, công nghệ, thiết bị, dây chuyền, máy móc... tại những doanh nghiệp này thế nào, đặc biệt là với doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước, vì không có cơ quan nào kiểm tra, kiểm toán, giám sát như đối với doanh nghiệp trên 50% vốn nhà nước.
Báo cáo của Bộ Tài chính đưa ra các con số, nhưng đó là những con số chung của doanh nghiệp, còn việc đồng vốn, tài sản nhà nước ở đó được quản lý, sử dụng thế nào thì không biết được. Hiệu quả khai thác tài sản, nhất là đất đai ra sao cũng chưa có báo cáo cụ thể, chi tiết. Lao động trong những doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước tăng lên, nhưng đó là những người được tuyển dụng sau khi cổ phần hóa (CPH), còn thực ra có bao nhiêu lao động đã bị mất việc, buộc phải nghỉ việc sau khi chuyển đổi sở hữu cũng không ai nắm được.
Nhưng mục tiêu CPH, thoái vốn là phát triển doanh nghiệp đã đạt được, thưa ông?
Tôi nhấn mạnh rằng, đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là nhằm mục tiêu phát triển doanh nghiệp. Bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp có nhiều biện pháp, trong đó, CPH, thoái vốn chỉ là một trong những biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà thôi.
Rất nhiều doanh nghiệp đã từng là “cánh chim đầu đàn”, là niềm tự hào của trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như sản xuất sắt thép, lương thực, cao su... sau khi CPH làm ăn bết bát, thua lỗ liên miên, càng thoái vốn, thì hoạt động càng không hiệu quả. Vì vậy, nếu nói CPH, thoái vốn đã đạt mục tiêu là phát triển doanh nghiệp thì cần phải xem lại.
Thưa ông, đó chỉ là thiểu số?
Ngay cả với những doanh nghiệp sau CPH được coi là làm ăn hiệu quả cũng cần phải xem lại. Bởi hiệu quả không chỉ lấy thước đo doanh thu, lợi nhuận, cổ tức chia cho cổ đông, mà còn phải đánh giá dựa vào các tiêu chí khác nữa như thu nhập của người lao động. Khi bão lũ, dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là đợt dịch Covid-19 năm 2020 và 2021, những doanh nghiệp này có sát cánh, chia sẻ khó khăn cùng Chính phủ và các địa phương không, hay chỉ có doanh nghiệp nhà nước làm việc này.
Ngoài ra là việc bình ổn giá cả thị trường. Những doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước có tham gia bình ổn giá không, hay vẫn tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ như doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong kinh doanh, thì những doanh nghiệp này không sai, nhưng nếu nói doanh nghiệp sau CPH, thoái vốn hoạt động hiệu quả hơn, thì cần phải cân nhắc, đánh giá cụ thể mặt được, mặt chưa được và không coi CPH, thoái vốn là “cây đũa thần”, chỉ cần chạm vào đâu là ở đấy trở lên lung linh, đẹp đẽ.
Ý ông là không vội vã CPH, thoái vốn?
Đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu là bắt buộc để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước, trong đó, CPH và thoái vốn chỉ là một trong những biện pháp để đạt được mục tiêu. Trong giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ của tái cơ cấu phải đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ đã được nêu rõ trong Thông báo 37/TB-VPCP (ngày 28/2/2022) là cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; duy trì, củng cố và phát triển các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có thương hiệu tốt. Làm rõ, tránh đồng nhất việc cơ cấu lại là thực hiện CPH. Tôi xin nhắc lại thông điệp của Thủ tướng là “cơ cấu lại những đơn vị yếu kém, thua lỗ; duy trì, phát triển đơn vị hoạt động hiệu quả, có thương hiệu tốt và đặc biệt phải tránh đồng nhất cơ cấu lại với CPH, thoái vốn”.
Nghĩa là không CPH, thoái vốn bằng mọi giá, thưa ông?
Quyết định 360/QĐ-TTg (ngày 17/3/2022) đã nói rõ rồi: “Xác định lộ trình phù hợp để CPH và thoái vốn. Khi CPH, thoái vốn phải phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đánh giá chính xác, xác định đầy đủ giá trị doanh nghiệp, bao gồm cả nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu; không làm mất thương hiệu, bản sắc doanh nghiệp, không để thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Với những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ triền miên thì Nhà nước sử dụng nguồn lực theo quy định của pháp luật để hỗ trợ việc giải thể, phá sản, gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước”.
“Duy trì, phát triển đơn vị hoạt động hiệu quả, có thương hiệu tốt”, phải hiểu thế nào cho đúng?
Nhiều người cứ nghĩ CPH, thoái vốn là “cây đũa thần”. Phải thay đổi lại tư duy này. Nhà nước cũng là nhà đầu tư, thậm chí là nhà đầu tư “khủng”, nhiều nước có quỹ đầu tư nhà nước, đem tiền nhà nước đi đầu tư tại những dự án cả trong và ngoài nước, tiền đẻ ra tiền, vậy tại sao mình cứ bán những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có thương hiệu, có tương lai phát triển. Vì vậy, không chỉ phải cân nhắc việc thoái vốn, CPH doanh nghiệp làm ăn tốt, mà Nhà nước thông qua quỹ đầu tư có thể mua lại cổ phần tại những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả đã từng bán, ví dụ như Vinamilk, Sabeco… chẳng hạn. Trước đây, mình bán rất được giá, giờ giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này giảm mạnh, trong khi doanh nghiệp vẫn làm ăn hiệu quả, tại sao Nhà nước lại không mua vào.
Hiện tại, Nhà nước không thể đầu tư vốn vào những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, vì không thuộc những lĩnh vực đầu tư nhà nước theo Luật 69/2014/QH13 và cũng chưa có Quỹ Đầu tư nhà nước. Để giải bài toán này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Chính phủ là sớm sửa Luật 69/2014/QH13, nhằm mở rộng phạm vi, lĩnh vực đầu tư vốn nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và sẽ thành lập Quỹ Đầu tư nhà nước trên cơ sở tổ chức lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.