Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, tổng số công nhân khu công nghiệp đạt khoảng 7,2 triệu người. Số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.
Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở.
Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trên phạm vi cả nước, mới hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, mới đáp ứng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Như vậy, số lượng nhà ở cần đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là rất lớn.
Ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trên cả nước hiện chỉ có khoảng 28% công nhân có chỗ ở ổn định, còn lại thuê tạm chỗ chật hẹp, điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Như vậy, việc giải quyết chỗ ở cho công nhân đang là bài toán mà các cấp, ngành phải tìm lời giải trong thời gian tới.
Xã hội hóa đầu tư nhà ở công nhân là định hướng đúng. Ảnh: Lê Toàn |
Theo ý kiến của các chuyên gia, để phát triển mạnh loại hình nhà ở cho công nhân, thì xã hội hóa là phương án tối ưu nhất. Hiện nay, cũng đã có một số doanh nghiệp tiên phong xây dựng và hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, giúp công nhân an tâm, gắn bó với công ty.
Điển hình là hàng nghìn công nhân, nhân viên của Công ty Sam Sung Bắc Ninh đang được công ty này hỗ trợ nhà ở với giá thuê 50.000 đồng/tháng do Tổng công ty Viglacera xây dựng tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh.
Còn Công ty Sam Sung Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng khoảng 2.470 căn hộ tại Khu công nghiệp Yên Bình 1, tỉnh Thái Nguyên để giải quyết chỗ ở cho khoảng 20.000 công nhân. Tổng công ty Vinaconex cũng đã hoàn thành 1.100 căn hộ đáp ứng cho khoảng 5.500 công nhân tại Khu công nghiệp Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội…
Còn tại phía Nam, Tổng công ty Becamex Bình Dương đã hoàn thành đầu tư xây dựng trên 3.500 căn hộ cho công nhân tại Bình Dương, Tổng công ty IDICO (Bộ Xây dựng) đã hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 1.100 căn hộ cho công nhân tại tỉnh Đồng Nai.
Chia sẻ với phóng viên Báo đầu tư bất động sản, ông Trần Xuân Dưỡng, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết, hiện tại, Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) có khoảng gần 35.000 công nhân, trong đó lao động địa phương chiếm đến gần 75%.
“Nhu cầu về nhà trọ theo chúng tôi khảo sát khoảng 4.000 công nhân, nhưng trong thời gian tới, khi nhu cầu số lao động tăng lên và từ nơi khác đến, thì vấn đề nhà ở cho công nhân là rất cần thiết”, ông Dưỡng đánh giá.
Ông Dưỡng cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện đang triển khai hai dự án nhà ở cho công nhân, một dự án do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện với diện tích 4,2 ha và một dự án xã hội hóa do tư nhận tự bỏ tiền đầu tư, được triển khai trên khu đất rộng 2.000 m2.
“Nhằm giảm bớt áp lực nhà ở công nhân trong tương lai, hiện tại chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi xã hội hóa trong xây nhà ở cho công nhân. Xây dựng thêm các tiện ích phúc lợi như bệnh viện, trường học. Về cơ bản, vấn đề xây dựng nhà cho công nhân ở Hà Nam là thuận lợi, bởi địa phương đã có quỹ đất sạch, san nền đầy đủ, chỉ giao cho nhà đầu tư”, ông Dưỡng cho hay.
Ông Dưỡng cho biết thêm, xã hội hóa là phương án tối ưu để giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân. Nhà nước khó làm, vì còn liên quan đến quản lý, vận hành, chứ không đơn thuần là xây ra cho công nhân ở.
Về các chính sách hỗ trợ, theo các chuyên gia, Chính phủ cần quan tâm và bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở cho công nhân, như vay và sử dụng vốn ODA theo hướng bổ sung lĩnh vực xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên vay. Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ một cách phù hợp.