Đầu tư Phát triển bền vững
Nhà ở phòng, tránh lũ - "đai an toàn" cho giảm nghèo bền vững ở miền Trung
B.T - 02/11/2020 18:38
Giữa cảnh nhà cửa bị lũ lụt cuốn trôi, vẫn có không ít ngôi nhà an toàn. Đó là những ngôi nhà được cất lên theo chính sách hỗ trợ người nghèo ở 14 tỉnh miền Trung...
Căn nhà tránh lũ của bà Trương Thị Tình ở đội 2, Mai Xá, xã Gio Linh, huyện Gio Linh (Quảng Trị).

Đợt lũ lịch sử vừa qua, có tới 90% số nhà tại thôn Mỹ Thủy, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bị ngập trong nước. Toàn xã bị cô lập nhiều ngày. Nhà ngập thấp nhất cũng cao đến 2/3 tường, nhà ngập nặng nhất thì lút mái.

Tuy nhiên, vẫn có gia đình may mắn tránh khỏi cảnh trắng tay vì tài sản bị lũ cuốn trôi nhờ vào những căn nhà vượt lũ được xây dựng từ nguồn tín dụng chính sách. Chẳng hạn, căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Được, xây từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình, đã giúp gia đình ông có nơi tránh lũ, đồng thời bảo vệ được tài sản. Với gia đình chị Dương Thị Trình, nhờ 15 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cộng với chút tiền dành dụm, gia đình chị đã cất được căn nhà vượt lũ. Căn nhà không chỉ là chỗ trú ẩn của gia đình chị, mà còn là nơi trú ngụ qua những ngày mưa lũ vừa qua cho nhiều bà con làng xóm.

Ở Quảng Trị, ngồi trong căn nhà khô ráo và ấm áp sau khi cơn lũ đi qua, bà Trương Thị Tình ở đội 2, Mai Xá, xã Gio Linh, huyện Gio Linh cảm thấy mình đã rất may mắn và đã có quyết định đúng đắn khi vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để xây nhà tránh lũ, vừa đảm bảo an toàn cho gia đình, vừa giữ gìn được tài sản tích cóp từ những đồng vốn chính sách để chăn nuôi lợn, trâu.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình, ông Trần Văn Tài cho biết, kể từ khi triển khai Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, Chi nhánh đã chủ động tiếp cận, khuyến khích các hộ nghèo xây nhà chống lũ. Đến nay, Chi nhánh đã giải ngân cho vay được gần 68% số hộ theo Đề án. Trên địa bàn Quảng Bình, gần 2.500 ngôi nhà vượt lũ đã giúp ít nhất từng đó hộ dân sống an bình trong trận lũ lịch sử gần 30 năm qua này.

Trong khi đó, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết, Chi nhánh đã cho vay 1.439 hộ nghèo xây nhà tránh lũ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg. Với những hộ gia đình chính sách không có trong Đề án, Chi nhánh đã tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ người dân xây sửa nhà để an cư lạc nghiệp.

Với việc triển khai rộng và giám sát hiệu quả tại 14 tỉnh miền Trung, đến nay, số hộ vay vốn xây nhà theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg đang còn dư nợ 192,91 tỷ đồng với 13.148 khách hàng, trong đó, từ đầu năm 2020 đến ngày 30/9/2020 đã giải ngân cho 453 hộ vay với số tiền gần 6,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế khảo sát tại các địa bàn cho thấy, vẫn còn những nút thắt khiến Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thể đẩy nhanh việc hỗ trợ xây nhà phòng, tránh lũ. Mức hỗ trợ của ngân sách và mức cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (15 triệu đồng) là quá thấp so với nhu cầu vốn cần thiết để hoàn thành một ngôi nhà phòng, tránh bão, lụt, trong khi nguồn lực tự có của hộ nghèo rất hạn chế. Thậm chí, ở một số địa phương, kể cả khi có thêm nguồn hỗ trợ 30 triệu đồng/căn nhà tránh lũ do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ, thì người dân vẫn không mấy mặn mà. Vì vậy, vốn cho vay xây nhà tránh lũ còn, nhưng giải ngân rất chậm. Thêm vào đó, một số hộ dân đã làm nhà, nhưng sai quy định, nên UBND cấp xã không xác nhận tiến độ làm nhà, nên không đủ điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho vay.

Để mở rộng hơn nữa nhà tránh lũ cho người nghèo trong bối cảnh diễn biến khí hậu ngày càng bất thường và gây hậu quả nghiêm trọng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình, ông Trần Văn Tài đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cùng nghiên cứu kéo dài chương trình cho vay hộ nghèo để xây dựng nhà ở, phòng chống bão lụt, nâng mức cho vay và mức hỗ trợ ngân sách nhà nước, đồng thời mở rộng cho đối tượng hộ cận nghèo cũng có thể được vay.

Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị Chính phủ cấp vốn kịp thời cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay đến các đối tượng thụ hưởng. Đối với UBND các cấp, cần chỉ đạo việc rà soát, xét duyệt, xác nhận đối tượng thụ hưởng kịp thời, chính xác để Ngân hàng Chính sách xã hội có cơ sở triển khai cho vay theo đúng quy định và đúng thời gian để người dân nghèo có thêm một “đai an toàn” đảm bảo con đường thoát nghèo bền vững.

Tin liên quan
Tin khác