Thông tin doanh nghiệp
Nhà sản xuất Universal Robots công bố mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam
Thế Hải - 09/08/2018 18:53
Universal Robots (UR), nhà sản xuất robot, nổi tiếng với các dòng robot hợp tác (Cobots) của Đan Mạch đã công bố mở rộng kinh doanh tại Việt Nam sau khi đạt doanh số tiêu thụ vượt kỳ vọng trong 2 năm đầu thăm dò thị trường.
Bà Shermine Gotfredsen, Tổng giám đốc Khu vực Đông Nam Á và châu Đại dương của UR (bên trái) giới thiệu sản phẩm của công ty tại Triển lãm quốc tế Vietnam Manufacturing Expo 2018 đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế I.C.E (91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội)

Triển lãm quốc tế Vietnam Manufacturing Expo 2018 (VME), triển lãm hàng đầu tại Việt Nam về máy móc và công nghệ cho ngành sản xuất và công nghiệp hỗ trợ đang diễn ra tại Hà Nội đã thu hút hơn 200 thương hiệu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trong ngành công nghiệp sản xuất và phụ trợ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… tìm cơ hội kinh doanh

Có mặt tại kỳ VME 2018, Universal Robots (UR), nhà sản xuất robots kỳ vọng sẽ tìm kiếm được nhiều đối tác, khách hàng mới là các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam bỏ vốn đầu tư mua các loại robot mới nhất do UR chế tạo.

Điểm nhấn mà UR mang đến tại kỳ VME năm nay và để thu hút khách hàng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là sản phẩm robots hợp tác (Cobots), dòng sản phẩm mới nhất phù hợp với đòi hỏi ngày càng gia tăng của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2016, doanh số bán robot hợp tác (cobots) của Universal Robots đã vượt quá sự mong đợi ban đầu. Công ty đang có kế hoạch đẩy mạnh mở rộng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tự động hóa trong cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam.

Là một công ty dẫn đầu thế giới về cobots với thị phần toàn cầu đạt 58%, UR hiện có hơn 25.000 cobots được triển khai trên toàn thế giới, mang lại lợi ích ở nhiều ngành khác nhau.

Trao đổi với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, bà Shermine Gotfredsen, Tổng giám đốc Khu vực Đông Nam Á và châu Đại dương của UR cho biết, nhu cầu Cobots dự báo tiếp tục gia tăng mạnh tại Việt Nam khi  dòng vốn FDI vẫn chọn Việt Nam làm điểm đến, chưa kể một lượng lớn doanh nghiệp trong nước trong các ngành điện tử, công nghiệp chế biến, sản xuất đồ uống, đồ gỗ…sẽ là địa chỉ đáng kể để UR gia tăng doanh thu bán hàng.

Được thiết kế nhỏ gọn, chắc chắn và linh hoạt, Cobots có khả năng ưu việt là làm việc trong không gian nhỏ và ở nhiều ngành công nghiệp khác nhau, hơn thế, so với robot công nghiệp truyền thống, thế hệ Cobots cũng có giá rẻ hơn, chi phí đầu tư thấp hơn, giúp doanh nghiệp thu hồi vốn nhanh hơn.

Số liệu được đưa ra tại kỳ VME 2018 cho thấy, việc đầu tư để phổ cập các loại robot vào sản xuất tại doanh nghiệp Việt dù đã được để ý hơn trong những năm gần đây nhưng so trong khu vực còn khá thấp.

Nếu Singapore dẫn đầu khi sử dụng 488 robot/10.000 lao động, Thái Lan 45 và Malaysia 35 thì Việt Nam vẫn đang bỏ lại khá xa so với các con số từ 3 quốc gia kể trên.

"Nhu cầu Cobot đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam khi các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ tiên tiến và robot để duy trì lợi thế cạnh tranh. Hơn nữa, chính phủ đã đưa cuộc Công nghiệp 4.0 trở thành ưu tiên hàng đầu, phát triển các kế hoạch hành động để thúc đẩy việc áp dụng công nghệ tự động mới và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn, đó là những lý do để UR không thể chậm trễ trong việc thúc đẩy kinh doanh ở phạm vi rộng lớn hơn", bà Shermine Gotfredsen cho biết thêm.

Cobots mang lại lợi ích vô tận cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, vì chúng làm tăng năng suất, cải thiện chất lượng đầu ra và tăng cường sức khỏe và hạnh phúc của người lao động. Việc sớm áp dụng công nghệ tự động hóa sẽ cho phép các nhà sản xuất vượt trội hơn đối thủ của mình, giúp họ giải quyết nhiều vấn đề như gia tăng chi phí hoạt động, cung cấp môi trường làm việc thân thiện.

Tại Việt Nam, UR có 2 đối tác là Công ty cổ phần Tự động hóa Tân Phát và Servo Dynamics Engineering nhằm cung cấp các giải pháp tự động hóa hiệu quả với chi phí hợp lý, thông qua dòng sản phẩm robot cộng tác hàng đầu thế giới.

Quy mô xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam đã đạt 213 tỷ USD vào cuối năm 2017 và dự báo tiếp tục tăng trưởng 2 con số trong năm 2018, trong đó, linh kiện, điện tử là lĩnh vực có đóng góp tỷ trọng lớn trong xuất khẩu. Hơn hết, các ngành sản xuất này đã lọt vào tầm ngắm để UR tiếp cận mạnh mẽ, thúc đẩy tiêu thụ cobots trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác