- Lê Ngọc Thu Trang, nhà sáng lập Tracybee: Tình yêu con người luôn đến trước tình yêu sản phẩm
- Nguyễn Đức Bình, nhà sáng lập Viet Yogi: Rời vùng an toàn để đến với yoga hiện đại
- [Emagazine] Doanh nhân Đinh Thị Ngọc Niềm, nhà sáng lập kiêm CEO Global Care: Khát khao tạo đột phá cho ngành Bảo hiểm Việt Nam
Nhà sáng lập The Moc Beauty Lab Trương Bích Ngọc. |
Khởi nghiệp từ một câu chuyện buồn
Mỗi nhà sáng lập lại có những lý do khởi nghiệp khác nhau, đôi khi xuất phát từ vài khoảnh khắc tình cờ của cuộc sống, khi là dự định nung nấu hàng năm trời. Với Trương Bích Ngọc, lý do khởi nghiệp The Moc Beauty Lab xuất phát từ một câu chuyện buồn.
Hơn 3 năm trước, anh trai của chị bị phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối. Trực tiếp chăm sóc, lo lắng chi phí chữa trị bệnh cho anh trai, Bích Ngọc thấm thía tầm quan trọng của sản phẩm sạch với sức khỏe con người.
Lâu nay, không ít người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang sử dụng các sản phẩm không an toàn nên đã vô tình đưa vào cơ thể nhiều loại hóa chất, để lại di chứng lâu dài. Chỉ khi bản thân hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh, chi phí điều trị tốn kém mà vẫn không thể giữ được tính mạng, người ta mới thấu hiểu tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe hàng ngày, tăng cường sức đề kháng và giảm thiểu việc đưa hóa chất vào cơ thể một cách vô tình qua các thói quen tiêu dùng.
“Tôi quyết định dấn thân vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mong muốn mang những sản phẩm hoàn toàn từ thực vật, không chứa hóa chất tới tay người tiêu dùng”, nhà sáng lập 8x chia sẻ về lý do khởi nghiệp The Moc Beauty Lab, spa chuyên chăm sóc, trị liệu da và tóc.
Giữa muôn vàn dòng sản phẩm chăm sóc da và tóc lưu hành trên thị trường, Ngọc và cộng sự đích thân đến nhiều quốc gia để tìm hiểu, khảo sát. Cuối cùng, họ quyết định mang thương hiệu Ausganica của Australia về Việt Nam, bởi đây là dòng mỹ phẩm thuần chay, hoàn toàn dùng các thành phần chiết xuất từ thực vật. Thương hiệu này đạt các chứng nhận y khoa của Australia, châu Âu, đã có chỗ đứng tại nhiều thị trường quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Tháng 10/2020, Trương Bích Ngọc khai trương cơ sở đầu tiên của The Moc Beauty Lab tại Hà Nội. Vài tháng sau, đại dịch Covid-19 ập tới, đặt start-up non trẻ này vào tình thế đóng băng trong bối cảnh Thủ đô trải qua giai đoạn giãn cách xã hội. Dù lo lắng, nhưng nhà sáng lập và cộng sự đã bình tĩnh đối diện, tìm giải pháp để tiếp tục tồn tại. Thay vì chăm sóc khách trực tiếp tại spa, họ phát triển mạnh kênh bán lẻ sản phẩm, để người dùng vẫn có thể mua sản phẩm thiên nhiên và sử dụng tại nhà. Hướng đi mới không chỉ giúp doanh nghiệp vực dậy tinh thần nhân viên, củng cố đội ngũ vững chắc, mà còn tạo nguồn doanh thu ổn định cho start-up.
Từ một cơ sở ban đầu, sau 3 năm thành lập, start-up này đã mở thêm cơ sở thứ 2 tại Hà Nội. Nhà sáng lập cho biết, những ngày cuối tuần, cả 2 chi nhánh thường kín khách bởi “người nọ mách người kia”, khách hàng chủ động tìm đến dù start-up không tốn nhiều chi phí cho quảng cáo.
Chiến lược xanh giữa thị trường đỏ
Đời sống vật chất tăng lên, kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp của người tiêu dùng cũng tăng theo. Theo CEO Trương Bích Ngọc, nhu cầu của người dân gia tăng, khiến cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, làm đẹp chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Không chỉ dừng lại ở trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ nhân viên có tay nghề, nhiều spa còn chạy đua về tốc độ để đạt được kết quả nhanh, thậm chí bất chấp hậu quả lâu dài ở phía khách hàng.
Với thương hiệu “sinh sau đẻ muộn” như The Moc Beauty Lab, họ không chọn tham gia cuộc đua “làm đẹp nhanh”, mà hướng tới sử dụng các dòng sản phẩm hữu cơ và liên tục cải tiến chất lượng phục vụ. Trương Bích Ngọc quan niệm, chất lượng phục vụ phải đến từ trái tim. Một tổ chức không thể thiếu những quy định để có thể vận hành, song những mệnh lệnh hành chính khô khan sẽ chẳng thể lay động và khiến nhân viên tự nguyện làm tốt công việc của mình cao hơn các yêu cầu của tổ chức.
Do đó, ngoài chế độ đãi ngộ, lương thưởng, phúc lợi dành cho nhân viên, hàng tuần, CEO Trương Bích Ngọc dành thời gian để lắng nghe, trao đổi và trò chuyện với nhân viên, để họ hiểu được cái tâm của người làm sản phẩm sạch, cùng nỗ lực trong việc góp phần thay đổi nhận thức của khách hàng. “Khi cái tâm của người trong nghề được thông suốt, họ quan sát và học hỏi lẫn nhau, cùng hành động vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. The Moc Beauty Lab được xây dựng và hoạt động trên nền tảng ấy”, nhà sáng lập khẳng định.
Thế nhưng, kinh doanh sản phẩm sạch, chọn con đường đem lại hiệu quả lâu bền cũng đặt start-up trước nhiều khó khăn. Đặc biệt, giá cả các sản phẩm hữu cơ không thể thấp như hàng sản xuất công nghiệp và một bộ phận người tiêu dùng vẫn muốn thu được tác dụng nhanh chóng.
Trương Bích Ngọc tâm sự, có những lúc đối tác của chị nản lòng, họ đề nghị thay đổi chiến lược kinh doanh, để có thể hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ. Song Ngọc vẫn kiên định với con đường đã chọn, một mặt động viên đối tác để họ vững tin hơn, mặt khác chị tạo thêm nguồn thu cho họ, để họ có khả năng tài chính đi tiếp hành trình.