Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Độc giả Lê Thanh Sơn đặt câu hỏi như sau: Công ty tôi hiện là thầu chính một dự án chung cư cao tầng (công trình hạng 1). Do mới thành lập nên công ty chưa lấy được chứng chỉ năng lực thi công hạng 1.
Tuy nhiên, là thầu chính nên công ty đã chia dự án thành các gói thầu nhỏ và thuê các thầu phụ thi công như sau: Phần cọc; Kết cấu bê tông cốt thép và xây trát; Cơ điện và PCCC; Hoàn thiện trong nhà; Cung cấp và lắp đặt nội thất.
Tất cả các thầu phụ của công ty đều có chứng chỉ năng lực hoạt động theo yêu cầu của Nghị định 100/2018/NĐ-CP.
Tôi muốn hỏi, công ty của ông có cần chứng chỉ năng lực hoạt động (hạng I) hay không?
Về vấn đề này, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Căn cứ quy định tại Khoản 38, Khoản 39 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014 và Khoản 20 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trường hợp tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng đối với lĩnh vực thi công xây dựng công trình phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.
Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 19 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP như sau:
Điều 57. Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng
1. Tổ chức phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực sau đây:
a) Khảo sát xây dựng, bao gồm: Khảo sát địa hình; khảo sát địa chất công trình.
b) Lập quy hoạch xây dựng.
c) Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, bao gồm: Thiết kế kiến trúc công trình; thiết kế kết cấu công trình dân dụng - công nghiệp; thiết kế cơ - điện công trình; thiết kế cấp - thoát nước công trình; thiết kế xây dựng công trình giao thông; thiết kế xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; thiết kế xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật.
d) Quản lý dự án đầu tư xây dựng.
đ) Thi công xây dựng công trình.
e) Giám sát thi công xây dựng công trình.
g) Kiểm định xây dựng.
h) Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
2. Tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực quy định từ điểm a đến điểm e khoản 1 Điều này phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ năng lực).
3. Tổ chức tham gia hoạt động xây dựng quy định tại khoản 1 Điều này phải là doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc tổ chức có chức năng hoạt động xây dựng được thành lập theo quy định của pháp luật và đáp ứng các yêu cầu cụ thể đối với từng lĩnh vực hoạt động xây dựng theo quy định tại Nghị định này.
4. Chứng chỉ năng lực có hiệu lực tối đa 10 năm.
5. Chứng chỉ năng lực có quy cách và nội dung chủ yếu theo mẫu tại Phụ lục IX Nghị định này.
6. Chứng chỉ năng lực được quản lý thông qua số chứng chỉ năng lực, bao gồm 02 nhóm ký hiệu, các nhóm được nối với nhau bằng dấu gạch ngang (-), cụ thể như sau:
a) Nhóm thứ nhất: Có tối đa 03 ký tự thể hiện nơi cấp chứng chỉ được quy định tại Phụ lục VII Nghị định này.
b) Nhóm thứ hai: Mã số chứng chỉ năng lực.
7. Bộ Xây dựng thống nhất quản lý về việc cấp, thu hồi chứng chỉ năng lực; quản lý cấp mã số chứng chỉ năng lực; hướng dẫn về đánh giá cấp chứng chỉ năng lực; công khai danh sách tổ chức được cấp chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của mình; tổ chức thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ năng lực trực tuyến.”.