Nhà thiết kế, doanh nhân Vân Anh Scarlet, Tổng giám đốc VAS. |
Thành công đó là kết quả từ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đỗ Vân Anh, một nhà thiết kế tài năng, một nữ doanh nhân đầy bản lĩnh.
Lối đi từ thị trường “ngách của ngách”
Từng được đào tạo chuyên ngành thiết kế nội thất (Trường đại học Mở Hà Nội), Vân Anh sở hữu nền tảng vững chắc về thẩm mỹ và màu sắc, nên việc chuyển hướng sang thời trang không làm khó cô về chuyên môn. Tuy nhiên, tài chính là cả vấn đề với một cô gái xuất thân từ gia đình nghèo khó, không có chỗ dựa về kinh tế. Để có đủ vốn liếng khởi nghiệp, Vân Anh đã làm nhiều nghề, từ bán quần áo thuê, làm MC, cho tới làm người mẫu trong các sự kiện.
Năm 2015, với số vốn tích lũy khoảng 200 triệu đồng, Vân Anh mạnh dạn thành lập thương hiệu thời trang thiết kế Vân Anh Scarlet. Trong đó, Scarlet được lấy cảm hứng từ nhân vật Scarlett O’Hara trong tác phẩm “Cuốn theo chiều gió”, nhân vật nữ mà Vân Anh vô cùng yêu thích bởi tính cách mạnh mẽ, tự chủ. Vân Anh Scartlet cũng trở thành tên gọi gắn liền với nhà thiết kế trẻ từ đó đến nay.
Bắt tay gây dựng thương hiệu, Vân Anh nhìn rất rõ con đường phía trước: phải tự chủ hoàn toàn từ khâu thiết kế, sản xuất cho đến bán hàng, đúng theo tiêu chí “cái gì của mình sẽ mãi là của mình”. Cô thành lập một xưởng sản xuất nhỏ, kiêm nhiệm nhiều công việc một lúc, vừa lên mẫu thiết kế, vừa chỉ đạo sản xuất, kể cả đóng hàng, ship hàng.
Những thiết kế của Vân Anh Scarlet khi đó có thể coi như làn gió mới trong làng thời trang Việt Nam, nổi bật bởi sự gợi cảm, táo bạo, thậm chí có phần kén dáng. Mỗi sản phẩm có giá vài triệu đồng.
“Đó là một thị trường vô cùng khó và thách thức, theo kiểu ngách của ngách. Nhưng thị trường nhỏ như vậy sẽ phù hợp với nguồn vốn của tôi, giúp tôi phát huy tính sáng tạo, nghệ thuật và ít cạnh tranh”, Vân Anh Scarlet giải thích.
Bằng cách chọn mở cửa hàng tại những vị trí mặt tiền đắc địa của Thủ đô, đẩy mạnh phát triển thương hiệu gắn liền với nhà sáng lập, các sản phẩm của Vân Anh Scarlet dần tìm được chỗ đứng. Để thực hiện được mục tiêu, ý tưởng kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, những năm đầu, nữ doanh nhân phải tham gia nhiều khóa học buổi tối về kỹ năng lãnh đạo, quản trị nhân sự, quản lý tài chính… Đây cũng là cách để cô kìm lại phần tính cách bay bổng của một người làm nghệ thuật, vốn là điểm mạnh trong sáng tạo, nhưng lại là điểm yếu khi làm chủ doanh nghiệp.
Với mỗi bộ sưu tập tung ra thị trường, Vân Anh Scarlet đều xác định chiến lược rất rõ ràng. “Không phải cứ gộp tất cả xu hướng thời trang vào chung một bộ sưu tập là sẽ thành công”, nhà thiết kế trẻ nói. Thông thường, 1 bộ sưu tập gồm 10 - 15 mẫu, trong đó sẽ có 4 - 5 mẫu “key” (chủ chốt), được tối ưu hóa chi phí sản xuất và trau chuốt thiết kế, giá cả cạnh tranh, tính ứng dụng cao, đảm bảo phù hợp với đa số khách hàng nữ và đem về doanh thu chính cho doanh nghiệp; 2 - 3 mẫu được làm với mục đích quảng bá thương hiệu, chủ yếu dành cho giới nghệ sĩ hay người nổi tiếng; các mẫu còn lại sẽ được sản xuất tùy thuộc từng đối tượng khách hàng, từng kênh bán.
Nhờ sự tính toán tỉ mỉ như vậy, nên thương hiệu Vân Anh Scarlet hầu như không có hàng tồn kho, các chương trình giảm giá rầm rộ cũng rất hạn chế. Trong dịp 8/3 vừa qua, Vân Anh Scarlet tri ân khách hàng bằng một bộ sưu tập mới, thay vì giảm giá sâu như nhiều thương hiệu khác.
Linh hoạt để “cưỡi sóng, đạp gió”
Gần một thập kỷ hoạt động trong ngành thời trang, Vân Anh Scarlet nhận ra bài học giá trị nhất đối với cô là sự kiên trì, kỷ luật, quyết tâm bám đuổi mục tiêu đến cùng. “Chứng khiến bố mẹ đã quá vất vả, tôi luôn muốn thành công thật nhanh, nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ”, nữ doanh nhân sinh năm 1991 nói về động lực thôi thúc cô tiến về phía trước.
Cô chia sẻ, hành trình phát triển của một doanh nghiệp nói chung thường khá suôn sẻ trong giai đoạn đầu, khi được người thân, bạn bè ủng hộ, sẵn sàng trải nghiệm thử sản phẩm, dịch vụ. Qua giai đoạn này, doanh nghiệp bước vào “vùng trũng” mà ở đó, hàng loạt vấn đề sẽ phát sinh, như sụt giảm khách hàng, quản trị kém, sản phẩm gặp vấn đề, nhân sự không ổn định… Kể cả đã vượt qua “vùng trũng”, thì doanh nghiệp cũng dễ rơi vào giai đoạn đi ngang, buộc người đứng đầu phải liên tục điều chỉnh mô hình kinh doanh để chứng minh cho khách hàng thấy giá trị của mình, tránh việc đối thủ sao chép ý tưởng.
“Nhiều người khởi nghiệp đi được một nửa, hoặc một phần quãng đường trên, sau đó chùn chân do gặp vô vàn khó khăn. Nhưng tôi tin tưởng vào bản thân mình, tin vào con đường mình đã chọn để đi tiếp”, Vân Anh khẳng định.
Kiên định với mục tiêu phía trước và linh hoạt trong từng giai đoạn là phong cách của nhà thiết kế Vân Anh Scarlet. Nếu cảm thấy mã sản phẩm nào đó không bán chạy, hoặc cửa hàng nào đó không mang về lợi nhuận, Vân Anh sẵn sàng đóng ngay lập tức.
“Tôi quan niệm, nỗi đau được khâu vá, băng bó kịp thời, đúng cách còn hơn để âm ỉ theo thời gian. Đó là cách tôi quản trị doanh nghiệp. Có những việc cần kiên nhẫn chờ đợi, nhưng có những việc bắt buộc phải giải quyết luôn để tránh tổn thất lâu dài”, nữ CEO lý giải.
Trong quá trình sản xuất, nếu nhận thấy một xu hướng thời trang nào đó lên ngôi, hay mã sản phẩm nào được khách hàng đón nhận, toàn bộ nhân sự của Công ty tập trung tổng lực để sản xuất và đưa sản phẩm lên kệ trong vòng 3 - 5 ngày.
Sự linh hoạt chính là chìa khóa để Vân Anh Scarlet trụ vững trong giai đoạn Covid-19 cũng như suy thoái kinh tế, giúp nữ doanh nhân bảo toàn lực lượng nhân sự của mình, thay vì phải cắt giảm. Ví dụ, trong giai đoạn đại dịch, không thể tiêu thụ các mẫu thời trang dự tiệc, Vân Anh Scarlet chuyển sang sản xuất đồ mặc ở nhà, vẫn là hàng thiết kế, nhưng có mức giá hợp lý. Hay trong giai đoạn suy thoái kinh tế, thương hiệu không tập trung vào chiến lược mở rộng, mà sẽ củng cố nội lực.
Vân Anh Scarlet nói rằng, đây chính là giai đoạn mà cô và doanh nghiệp đang “chữa lành”, sau 4 năm cố gắng trụ vững trong đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế. Số lượng cửa hàng được thu gọn về 4 cơ sở chính, đồng thời thương hiệu cũng đẩy mạnh hoạt động phân phối qua các sàn thương mại điện tử. Nhà thiết kế đang nỗ lực bắt kịp thế hệ cuối 9x và Gen Z ở khả năng thích ứng với môi trường online. Cô tự tin, mình có lợi thế cạnh tranh nhờ sự am hiểu khách hàng, khả năng phán đoán thị trường, năng lực sáng tạo mạnh mẽ cùng nội lực vững chắc, nhờ sở hữu xưởng may riêng và nắm rõ quy trình sản xuất hàng hóa.
Năm 2024, Công ty Thương mại và Sản xuất VAS (VAS) của Vân Anh Scarlet dự kiến đưa ra thị trường nhiều thương hiệu thời trang mới, như thời trang đường phố, thời trang dành cho nhóm khách hàng trẻ - Gen Z, thời trang thủ công đính kết cầu kỳ - haute couture, thời trang trẻ em, thời trang công sở… Ngoài ra, nữ doanh nhân mong muốn nâng cao định vị của thương hiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới, bên cạnh thị trường Thái Lan, Singapore và Trung Quốc, bằng việc phát triển mạnh kênh thương mại điện tử hoặc đặt cửa hàng trong các trung tâm thương mại.
“Thời trang Việt Nam ngày càng được các sao quốc tế ưa chuộng. Kỹ thuật may thủ công, đính kết, thêu thùa của người Việt rất tốt. Tôi muốn chứng minh cho thế giới thấy, thương hiệu thời trang Việt đủ sức sánh ngang với các thương hiệu ngoại”, nữ doanh nhân Vân Anh Scarlet khẳng định.
Người ta thường nói, phía sau thành công của người đàn ông là bóng dáng của người phụ nữ. Vậy theo chị, phía sau một người phụ nữ thành công là gì?
Là... sự cô đơn. Ngay cả phụ nữ thành công cũng ít khi công nhận sự thành công của một người phụ nữ khác. Điều này không có gì xấu cả, chỉ là bản chất phụ nữ thường hay ganh đua.
Ở Việt Nam, người phụ nữ vẫn bị gắn với nhiều định kiến, phải công - dung - ngôn - hạnh, vừa phát triển sự nghiệp, vừa chăm sóc gia đình. Những định kiến ấy khiến người phụ nữ phải gồng lên, cứng cỏi hơn để đối diện với áp lực. Với người phụ nữ làm kinh doanh, sự cứng cỏi này lại càng rõ ràng hơn.
Trong khi đó, đàn ông thích thường thích phụ nữ mềm mỏng, nhẹ nhàng, nên tuýp phụ nữ cứng rắn sẽ khó được yêu thích hay đồng cảm. Đôi khi, người phụ nữ thành công quá sẽ bị gắn với định kiến khó lấy chồng…
Chị có nghĩ rằng, vì mình thành công trong kinh doanh, nên đến giờ vẫn độc thân?
Đây có thể coi như một sự hy sinh của tôi để theo đuổi con đường sự nghiệp. Thực sự, với công việc hiện nay, tôi không có thời gian gặp gỡ ai, nhất là khi tôi đang dồn lực củng cố doanh nghiệp sau thời gian chống chọi với Covid-19 và suy thoái kinh tế. Ngoài ra, do đặc thù công việc, tôi chủ yếu tiếp xúc với phụ nữ, nên cơ hội mở rộng quan hệ cũng bị hạn chế.
Người đàn ông như thế nào sẽ phù hợp để gắn bó với Vân Anh Scarlet?
Người đàn ông mà tôi xác định đi cùng có thể không cần nhiều tiêu chuẩn quá cao, nhưng cần phải chia sẻ được với tôi về tri thức, tầm nhìn. Nếu lấy một người chồng mà mình không thể tâm sự, chia sẻ, thì không nên cố.
Theo tôi, người phụ nữ chỉ nên bước chân vào hôn nhân khi đã có đủ kinh tế, đủ trải nghiệm, kiến thức, đã sống trọn vẹn ước mơ của mình để có thể sẵn sàng chịu trách nhiệm và chia nhỏ cuộc đời với một người khác.