Chuyển giá là sự kết cấu về giá cả xuyên quốc gia và chỉ có thể thực hiện được khi có cấu kết giữa các công ty độc lập giữa các quốc gia đầu tư và tiếp nhận đầu tư để đưa ra mức giá hàng hóa, dịch vụ cao hơn nhiều giá trị thực và cao hơn giá bình thường, nhằm tránh thuế thu nhập doanh nghiệp, tránh quy định về chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thu hồi vốn đầu tư nhanh…
Để thực hiện được các mục tiêu này, doanh nghiệp FDI thực hiện chuyển giá thông qua việc định giá cao khi nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu… và giá bán thấp khi xuất khẩu sản phẩm bất chấp doanh nghiệp tại nước tiếp nhận đầu tư, dù là có vốn của họ, không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ, để sau khi thu hồi vốn đầu tư, đạt được mục tiêu lợi nhuận, thì có thể dừng hoạt động, bán lại doanh nghiệp, hoặc giải thể, phá sản.
Đối với các nhà đầu tư đã có ý đồ chuyển giá, ngay từ đầu, trong luận chứng kinh tế - kỹ thuật của dự án, họ đã chủ động tăng giá đầu vào (máy móc, thiết bị, bí quyết kỹ thuật, sáng chế phát minh…) để tạo giá trị khủng về tài sản cố định của doanh nghiệp. Trong quá trình sản xuất và kinh doanh sau này, giá cả máy móc thiết bị mới khi cần bổ sung, thay thế (kể cả trong các trường hợp tăng vốn mở rộng sản xuất) đều được khai vống giá, tạo nên giá trị ảo về vốn (giá trị đầu tư thật của một nhà máy, dự án tất nhiên sẽ thấp hơn nhiều giá trị ảo được đăng ký). Mức khấu hao được tăng lên, do vậy giá thành cũng cao lên, lợi nhuận thấp, hoặc không có lợi nhuận và doanh nghiệp sẽ bị lỗ.
Một hiện tượng phổ biến khác của chuyển giá là việc các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất - kinh doanh kê khai giá nguyên liệu đầu vào rất cao, đồng thời tìm mọi cách khai tăng các chi phí khác (chi phí quảng cáo, khuyến mại), nhằm triệt tiêu lợi nhuận. So với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề, có thể thấy, chi phí của các doanh nghiệp FDI thường cao hơn bất thường; còn có doanh nghiệp lợi dụng ưu đãi của Việt Nam cho giảm trừ phần chi phí cho hoạt động quảng cáo, khuyến mại, nên đã tận dụng việc này, tuyên truyền quảng cáo cho cả công ty mẹ.
Sử dụng chi phí trả lãi tiền vay cũng là một cách làm khác mà các doanh nghiệp FDI sử dụng. Công ty mẹ đưa nguyên vật liệu, vật tư linh kiện đầu vào mà ở Việt Nam chưa sản xuất được hoặc chất lượng chưa đảm bảo, công ty ở Việt Nam báo cáo không có tiền lấy hàng, công ty mẹ cho trả chậm để sau khi bán sẽ trả, thời gian trả chậm đó phải có lãi. Việc này được doanh nghiệp coi là trả lãi tiền vay. Nên khi doanh nghiệp bán hàng ra có lãi đều tính vào chi phí trả lãi tiền vay, dẫn tới hết lãi. Phần lãi thực, thông qua trả lãi, đã chuyển hết ra ngoài cho công ty mẹ.
Dấu hiệu khác để nhận biết hiện tượng chuyển giá là doanh nghiệp lỗ liên tục nhiều năm, nhưng doanh thu tăng, hoạt động sản xuất mở rộng. Có thể có các doanh nghiệp đã chủ động để lỗ 3 năm, sau đó 1 - 2 năm có lãi ít, để rồi lũy kế vẫn lỗ. Cách biến lãi thành lỗ, hoặc sắp đặt mức lãi thấp, các doanh nghiệp FDI không thể làm việc riêng lẻ, mà thường phối hợp, liên kết trong cùng tập đoàn, hoặc từng nhóm. Các doanh nghiệp này tự dàn xếp giá với nhau thông qua các giao dịch liên kết. Thông qua các giao dịch liên kết này, các công ty trong nhóm cùng giảm được tổng nghĩa vụ thuế trên phạm vi toàn cầu, tăng được lợi nhuận sau thuế.
Một khả năng khác để các doanh nghiệp FDI thực hiện hành vi chuyển giá là lựa chọn một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp để làm địa điểm đặt trụ sở đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Họ lợi dụng sự khác biệt thuế suất giữa các quốc gia, khu vực để trốn thuế. Ở nhiều quốc gia tiếp nhận đầu tư có thuế suất cao, như Việt Nam hiện nay, có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, trong khi nhiều quốc gia khác mức thuế này chỉ trên dưới 10%, thậm chí nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Anh quốc, UAE…, thuế suất chỉ 0%. Các chủ đầu tư sẽ lấy địa chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam tại các quốc gia, khu vực có thuế suất thấp, công ty tại Việt Nam sẽ bán sản phẩm cho công ty mẹ tại các quốc gia này với giá bằng giá gốc để tránh nộp thuế tại Việt Nam. Sau đó, bên mua sẽ bán lại cho bên thứ ba thu lãi. Do thuế thu nhập doanh nghiệp tại những quốc gia nơi nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào Việt Nam bằng 0, hoặc ở mức rất thấp, nên doanh nghiệp không phải đóng thuế hoặc đóng thuế rất thấp.
Hành vi chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ để lại các hậu quả xấu trong hoạt động của khu vực FDI, như làm thất thu ngân sách, cạnh tranh không lành mạnh, tạo sức ép lên các doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế…, nhưng từ việc xác định có hiện tượng, có hành vi chuyển giá để đi đến một quyết định có tính pháp lý là một việc cực kỳ khó. Vì vậy, cần có sự phối hợp hành động chặt chẽ của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính, thuế, thương mại, hải quan… ở Trung ương và địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của doanh nghiệp FDI, mới có thể ngăn chặn hiệu quả hành vi chuyển giá tại một số doanh nghiệp FDI.
TS. Phan Hữu Thắng