Một cảng biển tại Mỹ. Ảnh: A.P |
Biến số dần lộ ra, trông mong lãi suất giảm
Các nhà đầu tư bước vào nửa cuối năm 2024 với sự lạc quan rằng, quá trình phục hồi của kinh tế thế giới vẫn tiếp tục và lạm phát đã được kiểm soát, kéo theo đó là lãi suất thấp hơn.
Ông Seth Carpenter, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu của Ngân hàng Morgan Stanley cho biết: “Các số liệu kinh tế mâu thuẫn trong nửa đầu năm khiến khó xác định kinh tế toàn cầu sẽ đi về đâu, nhưng đã có tín hiệu rõ ràng hơn cho thấy tăng trưởng ổn định và liên tục”.
“Chúng ta có thể dự đoán một số biến động khi nền kinh tế toàn cầu cố gắng tìm kiếm động lực thấp hơn để duy trì đà tăng trưởng mà không làm tái phát lạm phát. Tuy nhiên, chúng tôi đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 lên 3,1%, so với mức 2,8% trong dự báo đưa ra tháng 11/2023”, ông Carpenter nói thêm.
Mặc dù kéo giảm lạm phát vẫn là vấn đề chung, nhưng các quốc gia có thể có mức tăng trưởng không đồng đều, kèm theo một số khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Chẳng hạn, Mỹ được cảnh báo có thể rơi vào thời kỳ suy thoái, trong khi các thị trường mới nổi có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone). Các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu đang ghi nhận sự cải thiện, với dữ liệu quản lý mua hàng ở châu Âu và châu Á báo hiệu đã thoát đáy hoặc bắt đầu phục hồi vừa phải.
Giới đầu tư kỳ vọng, lãi suất sẽ giảm trong nửa cuối năm nay. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tháng trước đã chính thức hạ lãi suất cơ bản xuống 3,75%, đánh dấu đợt cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2019. Đây là động thái gây nhiều chú ý trong bối cảnh lạm phát ở Eurozone năm 2024 và 2025 có thể cao hơn dự kiến.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến bắt đầu hạ lãi suất cơ bản vào tháng 8/2024, còn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu hạ lãi suất cơ bản vào tháng 9/2024.
Ở châu Á, các thị trường mới nổi sẽ chứng kiến lộ trình nới lỏng tiền tệ rất từ tốn trong bối cảnh Trung Quốc giữ lãi suất ở mức thấp để đối phó giảm phát và các ngân hàng trung ương ở khu vực khó có thể đi trước Fed.
Tương tự, ở Mỹ La-tinh, bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào cũng sẽ không đáng kể do tình trạng giảm phát, mặc dù đã chậm lại.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng vừa phải
Nếu như năm 2023 chứng kiến sức bật của nền kinh tế Mỹ với mức tăng trưởng 3,1%, thì năm 2024 không có nhiều dự báo khả quan về tăng trưởng kinh tế của nước này, đặc biệt sau khi kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại từ quý II/2024.
Ông Robyn Gibbard, nhà phân tích kinh tế vĩ mô của Deloitte cho biết, tăng trưởng của Mỹ trong quý II/2024 tiếp tục đạt trên mức kỳ vọng, bất luận lãi suất tăng cao, sự suy yếu ở các nền kinh tế lớn khác.
Mặc dù tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ đã chậm lại trong quý I năm nay, nhưng xem ra, Washington đã tránh được suy thoái kinh tế, đồng thời đạt tiến bộ trong việc đưa lạm phát về gần mục tiêu 2%.
Deloitte đưa ra kịch bản đường cơ bản (baseline scenario) tích cực đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ. Họ dự đoán tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ tiếp tục ở mức vừa phải trong nửa cuối năm nay và đầu năm tới, nhưng “nhìn chung là tích cực”. Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ được dự báo tăng 2,3% trong năm 2024, cao hơn mức tăng 2,2% của năm trước. Trong khi đó, đầu tư kinh doanh dự báo tăng 3% năm 2024, thấp hơn mức tăng 4,5% của năm trước.
Các nhà phân tích Deloitte dự đoán, Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng GDP thực tế 2,4% trong năm 2024 và sẽ tăng trưởng chậm lại còn 1,1% vào năm 2025. Giai đoạn 2026 - 2028, tăng trưởng kinh tế Mỹ dự kiến phục hồi trở lại, với GDP thực tế tăng 1,6 - 1,9%/năm.
Trong khi đó, các nhà kinh tế của Morgan Stanley dự đoán, Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,6% trong năm 2024 và 2,1% năm 2025. Tăng trưởng có thể giảm nhẹ vào cuối năm 2024, với quý IV đạt 2,1%, thấp hơn mức tăng 3,1% cùng kỳ năm trước.
“Mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt trên 2% trong năm nay và năm tới, nhưng chúng tôi nhận thấy, với tốc độ xây dựng chậm chạp, cùng với lạm phát đang giảm xuống mức mục tiêu của Fed, dự kiến tỷ lệ thất nghiệp tại nước này sẽ tăng lên 4,2 - 4,5% trong các quý cuối năm 2024 và năm 2025, so với mức 3,7% trong quý IV/2023”, bà Ellen Zentner, Giám đốc điều hành và nhà kinh tế trưởng về thị trường Mỹ tại Morgan Stanley cho biết.
Trung Quốc vẫn tự tin đạt mục tiêu tăng trưởng
Sự phục hồi xuất khẩu giúp Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng cao hơn dự kiến trong quý I/2024, nhưng tình trạng giảm phát kéo dài khiến giá hàng hóa và dịch vụ giảm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Tín dụng vốn là đòn bẩy cho sự bùng nổ bất động sản Trung Quốc trong nhiều năm qua, nhưng nay, việc tiếp tục siết chặt quản lý nợ trong lĩnh vực bất động sản cũng như nợ của chính quyền địa phương sẽ đồng nghĩa việc mở rộng tài chính bị hạn chế. Ngoài ra, chu kỳ giảm phát nợ và thị trường lao động suy yếu đang là lực cản đối nhu cầu nội địa.
Từ phân tích trên, Morgan Stanley dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ đạt tăng trưởng 4,8% trong năm nay và 4,5% vào năm 2025.
Tuy nhiên, thông điệp từ các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa diễn ra tại Đại Liên (Trung Quốc) cho thấy, Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết, kinh tế Trung Quốc đã duy trì được “đà phục hồi” kể từ đầu năm. “Kinh tế Trung Quốc đã có một khởi đầu tốt trong quý đầu tiên với mức tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục tăng trưởng ổn định trong quý II. Chúng tôi có niềm tin và khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay”, ông Lý Cường khẳng định.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc đã phác thảo “một loạt lĩnh vực”, từ trí tuệ nhân tạo (AI) đến y sinh, được dự báo sẽ “phát triển thành các ngành công nghiệp trụ cột trị giá ngàn tỷ USD”.
Tăng trưởng của Trung Quốc là tin tốt cho nền kinh tế toàn cầu, bởi nền kinh tế này đóng góp khoảng 30% tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, ông Peng Sen, Chủ tịch Hiệp hội Cải cách kinh tế Trung Quốc đánh giá: “Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phát triển, nhưng điều đó không có nghĩa là nước này không gặp phải vấn đề gì. Quá trình phục hồi vẫn chưa có nền tảng vững chắc”.
Nhu cầu sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản
Nhật Bản đã chấm dứt hàng thập kỷ giảm phát khi nền kinh tế này đã chuyển từ trì trệ sang tăng trưởng danh nghĩa vào năm 2023, cùng với một chu kỳ tăng tích cực về tiền lương và giá cả. Điều này đã tạo thuận lợi cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ra quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm đã áp dụng trong 8 năm qua.
Morgan Stanley đánh giá, nhu cầu đang vượt xa tiềm năng sản xuất của nền kinh tế Nhật Bản, tạo ra khoảng cách tích cực và duy trì lạm phát vốn bắt đầu chủ yếu do giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn. Ngân hàng đầu tư Mỹ dự báo, tăng trưởng GDP danh nghĩa của Nhật Bản sẽ đạt 3,3% trong năm nay, giảm so với mức 5,7% của năm trước, nhưng vẫn khá đáng chú ý. Trên thực tế, năm 2023, tăng trưởng GDP danh nghĩa của Nhật Bản vượt mức tăng trưởng GDP danh nghĩa của Trung Quốc - kết quả dường như không thể tưởng tượng được chỉ vài năm trước.