“Trong 4 tháng đầu năm, Đồng Nai thu hút hơn 900 triệu USD vốn FDI và đã hoàn thành chỉ tiêu của cả năm”, ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai nói và cho biết, đóng góp chủ yếu vào kết quả này là các dự án “khủng” mới được cấp phép.
Cụ thể, trung tuần tháng 4/2015, dự án của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 660 triệu USD. Dự án có mục tiêu hoạt động là sản xuất và gia công các loại sợi; vải; sợi thép dùng làm lốp; động cơ điện và các bộ phận dùng để sản xuất động cơ điện như stator; máy biến thế điện…
Công ty cổ phần Scavi là doanh nghiệp đầu tiên của Pháp đầu tư vào dệt may tại Đồng Nai |
Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư, Hyosung Đồng Nai tuy có đăng ký quốc gia đầu tư là Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thực chất có nguồn vốn từ Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc). Hyosung chính là doanh nghiệp đầu tư “đình đám” bậc nhất hiện nay tại Đồng Nai qua tên gọi Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 995 triệu USD, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Doanh nghiệp này đang đặt đại bản doanh tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5. Đáng chú ý, trong 2 năm qua, doanh nghiệp này đã liên tục tăng vốn đầu tư đăng ký và tích cực giải ngân vốn để triển khai Dự án. Cụ thể, trong năm 2014, doanh nghiệp này tăng vốn đầu tư đăng ký hơn 50 triệu USD, nhưng đã giải ngân số vốn hơn 300 triệu USD để hoàn thành việc mở rộng đầu tư, phục vụ sản xuất.
Do vậy, cũng không khó hiểu khi Hyosung Đồng Nai xin đầu tư và được cấp phép hoạt động tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5. “Hyosung Đồng Nai dự kiến khởi công, triển khai giai đoạn I của Dự án ngay trong năm nay”, nguồn tin của Báo Đầu tư nói và cho biết, trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp dự kiến đầu tư để hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và gia công các loại sợi, vải mành, vải dệt. Giai đoạn tiếp theo sẽ triển khai hoạt động các lĩnh vực khác theo ngành nghề kinh doanh đã đăng ký.
Trong 4 tháng qua, TP.HCM thu hút hơn 800 triệu USD vốn FDI, trong đó có một số dự án tăng vốn lớn trong lĩnh vực dệt may. Đơn cử, Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Hồng Kông) đã tăng vốn thêm 160 triệu USD để mở rộng sản xuất, đưa tổng vốn mà doanh nghiệp này đăng ký đầu tư lên 300 triệu USD. Năm 2014, doanh nghiệp này được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm dệt kim cao cấp từ công đoạn sợi, dệt vải, in hoa… đến sản phẩm ở khâu cuối cùng, với tổng vốn đầu tư đăng ký 140 triệu USD, trên diện tích 45 ha tại Khu công nghiệp Đông Nam.
Cũng trong thời gian này, tỉnh Bình Dương thu hút được hơn 400 triệu USD vốn FDI. Trong đó, có một số dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may, như Công ty TNHH Yue chang Việt Nam có mục tiêu hoạt động là sản xuất dệt các loại dây giày, dây bện, dây thun và các loại dệt sợi, sợi màu dùng trong công nghiệp. Hoặc Công ty TNHH May mặc Prominent chuyên sản xuất hàng may sẵn, các loại hàng dệt, trang phục dệt kim, đan móc…
Tuy các dự án nêu trên có số vốn đầu tư không lớn, nhưng trước đó, Bình Dương đã đón một dự án khủng trong lĩnh vực dệt may. Đó là, dự án của Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile với vốn đầu tư đăng ký 120 triệu USD, có mục tiêu hoạt động là sản xuất vải dệt các loại, được xây dựng trên diện tích 12 ha, giai đoạn I có công suất 36 triệu m vải/năm… Đến nay, dự án này đã được khởi công xây dựng và theo kế hoạch đến cuối năm nay, hoặc chậm nhất đầu năm 2016, giai đoạn I sẽ hoàn thành, đi vào sản xuất.
Điểm lại như vậy để thấy rằng, việc các nhà đầu tư nước ngoài dồn dập đổ vốn vào lĩnh vực dệt may ở Việt Nam, trong đó có các địa phương Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam không phải là chuyện mới. Theo các chuyên gia, khi TPP chính thức được ký kết, sẽ có nhiều nhà đầu tư tiếp tục rót vốn “khủng” vào lĩnh vực dệt may. Vấn đề đặt ra là, các địa phương sẽ tiếp nhận dòng vốn đầu tư này ra sao và với những vấn đề đã gây không ít hệ lụy xấu trong thu hút các dự án dệt may, như thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường…