Theo bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế), có được kết quả này nhờ việc phân tích cơ sở dữ liệu thống kê thuế để nhận diện các nguồn thu, khu vực, sắc thuế còn dư địa, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) |
Bà đánh giá tình hình thu nội địa năm nay thế nào?
Ít có năm nào mà 11 tháng, ngành thuế về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ thu. Năm 2024, ngành thuế được giao thu 1.486.413 tỷ đồng, nhưng đến hết ngày 18/12 đã đạt 1.732.000 tỷ đồng, vượt 245.587 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2023.
Có được kết quả này một phần nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng GDP ước tăng 7% - mức khá cao so với mục tiêu đặt ra là 6 - 6,5%. Ngoài ra còn nhờ các chính sách hỗ trợ thuế, phí, lệ phí của Quốc hội, Chính phủ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phục hồi và đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đến thời điểm này, ngành thuế đã thực hiện hỗ trợ 178.200 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn 98.300 tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm là 79.900 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kết quả đạt được còn nhờ trong nhiều năm qua, ngành thuế đã từng bước xây dựng và tích lũy được một nguồn dữ liệu to lớn, là cơ sở quan trọng để thực hiện các mô hình quản lý thuế mới, thực hiện chuyển đổi số, tự động hóa các quy trình nghiệp vụ theo hướng hệ thống ra quyết định và giao việc cho cán bộ thuế, kiểm soát công việc và giám sát kết quả.
Theo bà, kết quả thu ngân sách đạt được như trên có phải nhờ áp dụng công nghệ thông tin?
Trong quá trình quản lý, ngành thuế đã xây dựng và tích lũy được một nguồn dữ liệu lớn và có giá trị, phản ánh đầy đủ tình trạng hoạt động, kinh doanh, tài chính, thực hiện nghĩa vụ thuế của mọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từ khi bắt đầu cho đến khi chấm dứt hoạt động. Từ ngày 1/7/2022 đến nay, cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử đã phản ánh gần như toàn bộ giao dịch mua bán của nền kinh tế ngay tại thời điểm phát sinh.
Xác định thông tin dữ liệu lớn đặc biệt quan trọng trong việc quản lý thuế, ngành thuế đã triển khai Đề án hiện đại hóa công tác thống kê thuế, từng bước sử dụng cơ sở dữ liệu vào hoạt động thống kê thuế, phân tích, dự báo phục vụ công tác hoạch định chính sách cũng như điều hành, quản lý, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Việc khai thác, phân tích dữ liệu thống kê thuế phục vụ cho nhận diện, khoanh vùng các nguồn thu, khu vực, sắc thuế còn dư địa để triển khai nhiều chuyên đề nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu ngân sách nhà nước rất hiệu quả.
Bà có thể nói thêm về việc áp dụng dữ liệu lớn để chống thất thu thuế?
Áp dụng dữ liệu lớn vào công tác thanh tra, kiểm tra, năm nay, ngành thuế đã kiến nghị xử lý tài chính 62.726 tỷ đồng, trong đó tăng thu 16.463 tỷ đồng; giảm khấu trừ 2.675 tỷ đồng; giảm lỗ 43.587 tỷ đồng; bình quân tăng thu 2,47 tỷ đồng/cuộc thanh tra và gần 202 triệu đồng/cuộc kiểm tra. Năm nay, ngân sách nhà nước thu được 61.227 tỷ đồng tiền nợ thuế, tăng hơn 33% so với năm 2023; ban hành gần 58.700 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tổng số tiền thuế nợ là 80.512 tỷ đồng, qua đó thu được 4.289 tỷ đồng của 6.650 người nộp thuế.
Riêng đối với chuyên đề chống thất thu lĩnh vực nông sản nhập khẩu, trên cơ sở dữ liệu nhập khẩu do Tổng cục Hải quan cung cấp và đối chiếu với hồ sơ khai thuế, hóa đơn điện tử của người nộp thuế, đã nhận diện, khoanh vùng được hơn 1.500 người nộp thuế đang hoạt động có rủi ro khi kê khai doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra thấp hơn giá trị nông sản nhập khẩu trong giai đoạn 2020-2024, qua đó rà soát và đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong năm 2024, 2025 đối với gần 700 người nộp thuế. Kết quả triển khai đến nay đã xử lý đối với 317 người nộp thuế, số phải nộp bổ sung là 190 tỷ đồng; giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 15 tỷ đồng, giảm lỗ 125 tỷ đồng.
Ngoài chống thất thu đối với hoạt động nhập khẩu nông sản, còn lĩnh vực nào đang trong “tầm ngắm” của cơ quan thuế, thưa bà?
Khu vực tưởng rằng ít thất thu, nhưng thực tế lại đang thất thu rất lớn đó là cơ sở giáo dục đại học. Chúng tôi đã và đang tập trung chống thất thu đối với cơ sở giáo dục đại học. Qua khai thác, phân tích dữ liệu về kê khai thuế và báo cáo tài chính của các trường đại học, đã nhận diện được 128 đơn vị có chênh lệch lớn giữa số liệu báo cáo tài chính và hồ sơ khai thuế trong giai đoạn 2021-2023. Kết quả đến nay, có 50 trường đại học buộc phải khai bổ sung với số doanh thu tăng thêm 8.358 tỷ đồng, tăng 13,8% so với số đã kê khai; tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp qua kê khai bổ sung tăng thêm 292 tỷ đồng, tăng 14% so với số đã kê khai.
Riêng Hà Nội có 26 trường đại học khai bổ sung doanh thu tăng 2.904 tỷ đồng; Thái Nguyên có 7 trường khai bổ sung doanh thu tăng 992 tỷ đồng; Thừa Thiên Huế cũng có 7 trường khai bổ sung doanh thu tăng 996 tỷ đồng.
Doanh thu tăng đồng nghĩa với các trường đại học phải nộp thuế bổ sung, đồng thời còn phải nộp tiền chậm nộp và bị xử phạt vi phạm hành chính thuế. Con số trên chưa bao gồm số tăng thu của toàn bộ cơ sở giáo dục dưới bậc đại học.
Doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký gọi nôm na là “doanh nghiệp ma”. Thưa bà, áp dụng dữ liệu lớn để đối phó với “doanh nghiệp ma” thế nào?
Đối với doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký và doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhưng chưa chấm dứt hiệu lực mã số thuế, cơ quan thuế đã khai thác, phân tích dữ liệu lớn về đăng ký thuế, thông tin định danh về chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật doanh nghiệp, số liệu kê khai, nộp thuế, nợ thuế và dữ liệu hóa đơn điện tử để đánh giá rủi ro, khoanh vùng. Kết quả là chúng tôi đã nhận diện 8.760 doanh nghiệp xuất hóa đơn, nhưng sau đó bỏ địa chỉ kinh doanh, không kê khai nộp thuế; gần 12.450 doanh nghiệp xuất hóa đơn nhưng kê khai thiếu doanh thu và nhiều doanh nghiệp nợ thuế sau đó bỏ địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động.
Áp dụng dữ liệu lớn, ngành thuế đã nhận diện những dấu hiệu, đặc điểm của doanh nghiệp được thành lập với mục đích mua bán hóa đơn, trục lợi ngân sách nhà nước; nhận diện những hạn chế, tồn tại, kẽ hở của cơ chế chính sách trong quản lý thuế đối với 2 nhóm doanh nghiệp này, từ đó đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu quản lý chặt chẽ, hiệu quả, hạn chế việc thất thu ngân sách nhà nước.
Năm 2025, toàn ngành thuế đồng loạt xử lý các hành vi vi phạm đối với “doanh nghiệp ma”, chuyển một số hồ sơ trốn thuế cho cơ quan công an điều tra, khởi tố nhằm ngăn chặn tình trạng cố tình xuất hóa đơn nhưng không khai thuế, khai thiếu thuế, thông đồng trục lợi tiền hoàn thuế, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.