Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhân sự ngân hàng: Thừa "thầy", thiếu "thợ"
Vân Linh - 11/11/2016 17:40
Ngành ngân hàng đang bước vào một giai đoạn phát triển mới sau tái cấu trúc, thách thức đi kèm là thiếu nhân lực giỏi.

Cũng giống như nhiều ngành khác, lãnh đạo hầu hết nhà băng đều thừa nhận thực trạng nhân lực của ngành vẫn là thừa “thầy”, thiếu “thợ”.

Lướt một chút qua mạng xã hội Linkin, mạng chuyên sâu về tuyển dụng nhân sự có thể thấy, không chỉ các HR (giám đốc nhân sự) đăng đàn tuyển dụng, mà còn rất nhiều giám đốc các khối chức năng ngân hàng cũng đăng thông báo tìm người.

Giám đốc IT một ngân hàng lớn cho biết, không thể chờ khối nhân sự cung cấp ứng viên để mình phỏng vấn tuyển dụng được, vì “cách này chỉ tuyển được rất ít so với nhu cầu”, thế nên giải pháp tự tuyển và huy động bạn bè giới thiệu vẫn là kênh hiệu quả.

Mảng IT của ngân hàng, nhiều vị trí có yêu cầu rất cao do phần mềm lõi (core banking) đều nhập ngoại, đòi hỏi nhân sự phải làm việc được với chuyên gia nước ngoài, đồng thời phải nắm sơ về nghiệp vụ ngân hàng thì mới “đạt chuẩn” tuyển dụng.

Tình trạng thiếu nhân sự ngân hàng cũng phù hợp với kết quả khảo sát được Navigos Search công bố. Hiện có 5 ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao nhiều nhất, bao gồm sản xuất (chiếm 22%); ngân hàng, tài chính, bảo hiểm (gần 16%); công nghệ thông tin (7%); kỹ thuật và ngành hàng tiêu dùng (6%).

Chuyện ngân hàng này ‘câu’ nhân sự của ngân hàng khác hiện đã trở thành bình thường

Theo đánh giá của Navigos Search, các ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, sản xuất, công nghệ thông tin có thể tiếp tục là các ngành nhận được nhiều yêu cầu tuyển dụng nhất. Thực tế cho thấy, nhân sự cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng vẫn luôn khan hiếm. Vì thế, hầu hết các ngân hàng, nhất là các ngân hàng có khó khăn, đều ưu tiên lựa chọn “người cũ” để điều hành, bởi họ đã có kinh nghiệm trong điều hành.

Thực tế, nhiều ngân hàng đã đầu tư khá lớn cho mảng nhân sự, kể cả những chương trình tạo nguồn từ giới sinh viên, nhưng thiếu người thì vẫn là bệnh nan y.

Tình trạng nhân sự hôm nay lên facebook chia tay đồng nghiệp thắm thiết, rồi hôm sau lên thông báo chuyển sang ngân hàng khác là không hiếm. Có nhân sự chuyển sang ngân hàng khác vài tháng rồi lại quay về ngân hàng cũ cũng không lạ. Giới báo chí khi gặp nhân viên truyền thông ngân hàng thậm chí còn phải hỏi lại nơi làm việc cho… ăn chắc, vì tình trạng xoay tour giữa các ngân hàng là phổ biến.

“Chuyện ngân hàng này ‘câu’ nhân sự của ngân hàng khác hiện đã trở thành bình thường”, giám đốc nhân sự một ngân hàng nói và cho biết: “Thậm chí có lãnh đạo cao cấp không đạt chuẩn của chủ tịch HĐQT, được ‘tạo điều kiện ra đi’, nhưng ngay lập tức đã được ngân hàng khác mời về”.

Nếu điểm qua báo chí thì thấy thông tin bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp các ngân hàng khá dày đặc, điều đáng nói là ít gương mặt mới, hầu hết là “người quen”.

Chẳng hạn, VietBank vừa công bố 2 lãnh đạo cao cấp và cả 2 đều từ ngân hàng Techcombank chuyển qua là ông Nguyễn Đăng Thanh, nắm quyền Tổng giám đốc VietBank và bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, giữ chức vụ Phó tổng giám đốc VietBank.

Trước đó không lâu, VietABank có quyết định bổ nhiệm chức vụ Quyền Tổng giám đốc VietABank đối với ông Lê Xuân Vũ. Quyết định có hiệu lực từ ngày 6/9/2016, và ông Lê Xuân Vũ trước đó là Phó tổng giám đốc HDBank kể từ năm 2013. 

Nhân sự cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng vẫn luôn khan hiếm

Đào tạo mới làm nên nền tảng

Trách anh thì phải trách ả! Ngành ngân hàng cách đây khoảng 10 năm là thời kỳ bùng nổ và sinh viên năm cuối các trường kinh tế đã được tuyển dụng. Các trường đại học ồ ạt mở khoa tài chính – ngân hàng để rồi ra trường đúng thời điểm hậu khủng hoảng tài chính 2008, vào ngân hàng làm việc lại thành giấc mơ xa xỉ, khi các kế hoạch cắt giảm nhân sự liên tiếp được tung ra.

Vài năm gần đây ngành ngân hàng phục hồi, nhưng chỉ ở bộ phận quan hệ khách hàng, các chỉ tiêu huy động, mở thẻ, tín dụng… áp xuống đầu nhân viên quá lớn, khiến nhiều nhân sự trẻ, chưa có kinh nghiệm và quan hệ đành phải chia tay vì 2 chữ “chỉ tiêu” kinh doanh đi cả vào giấc ngủ!

Lương không còn cao và tính chất công việc không còn chữ “an nhàn” nên vào ngân hàng nhiều khi không còn là mơ ước. Theo lãnh đạo một nhà băng, nếu không có giải pháp khác thì chu kỳ tăng lương, nâng đãi ngộ, giảm chỉ tiêu lại phải bắt đầu để phục vụ nhu cầu tăng trưởng trở lại của ngân hàng. Điều này có nghĩa, năng suất lao động trên đầu người sẽ giảm để đổi lấy tăng trưởng về quy mô.

Qua báo cáo 9 tháng đầu năm nay cho thấy, các ngân hàng lớn như VietinBank đã tuyển mới thêm hơn 1.100 người, trong khi BIDV, Vietcombank, Sacombank tuyển dụng trên dưới 500 người. Các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng tuyển thêm hàng trăm nhân sự.

Dự kiến trong quý IV/2016, các ngân hàng vẫn tiếp tục tuyển người phục vụ mùa kinh doanh. Mới đây nhất,  trong ngày 8/11, Vietcombank thông báo tuyển 189 nhân sự cho 54 chi nhánh khắp cả nước, còn Agribank trước đó thông báo tuyển dụng gần 1.000 chỉ tiêu trong tháng 11…

Ngoài tuyển dụng trực tiếp, hàng loạt ngân hàng cũng đẩy mạnh quảng bá các chương trình đào tạo nhân sự mới. Sacombank, rồi đến Techcombank và mới đây là HDBank đã đưa ra chương trình tuyển 4.000 thực tập viên tập sự…

Còn với khối lãnh đạo cao cấp, khi kinh tế phục hồi thì cũng là lúc “ghế nóng” CEO và các phó tổng giám đốc ngân hàng lung lay nhất. Các ông chủ ngân hàng muốn thấy sự tăng trưởng tối thiểu như những ngân hàng khác, đó là chưa kể đến ngân hàng cơ cấu lại và có ông chủ mới.

Trong quá khứ, một khi những trường hợp này xảy ra thì rất ít CEO có thể trụ lại được.

Tin liên quan
Tin khác